Trung tá, nhà văn Bùi Tuấn Minh:

Dấn thân vào mảng đề tài khan người viết

Trung tá, nhà văn Bùi Tuấn Minh vừa ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn “Đỉnh kinh” (NXB Hội Nhà văn) với chủ đề sâu sắc về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Trong đó có những tác phẩm được giải thưởng như truyện ngắn “Phía khuất” giải A cuộc thi sáng tác văn học nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh vệ. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng anh.
0:00 / 0:00
0:00
Dấn thân vào mảng đề tài khan người viết
Dấn thân vào mảng đề tài khan người viết ảnh 1

Phóng viên (PV): Bén duyên văn chương đã lâu, nhưng ấp ủ một thời gian khá dài anh mới cho ra mắt “Đỉnh kinh”, anh có thể chia sẻ về câu chuyện này?

Nhà văn Bùi Tuấn Minh: Đối với tôi, “Đỉnh kinh” không chỉ là một tập truyện ngắn, đó là tâm hồn, là khát vọng mong muốn hướng đến những điều tốt đẹp. Đó là góc nhìn của tôi về thế giới quan, nhân sinh quan, là cảm xúc, là lý trí và là lương tri của một người viết. Đây tập văn xuôi đầu tiên của tôi sau 4 tập thơ. Có lẽ vì tôi là một người lính nên ngay từ khi chạm đến văn xuôi, tôi luôn ấp ủ một tập truyện về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Đến khi tập truyện phát hành tôi mới thở phào nhẹ nhõm, cuốn sách đã được độc giả đón nhận và phản hồi tích cực.

PV: Các tác giả trong lực lượng luôn được coi như một nguồn nhân lực tốt, tuy nhiên, liệu có yếu tố nào khiến các cây bút chưa thật sự chú tâm?

Nhà văn Bùi Tuấn Minh: Đó là thiếu sự dũng cảm và chất liệu. Viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng không hề dễ dàng, bởi đề tài này các tác giả phải hiểu sâu sắc về tình yêu đất nước, trách nhiệm và lý tưởng của người lính, sự hy sinh gian khổ, tình đồng chí, đồng đội, rồi sự tàn khốc của chiến tranh…

Những tác giả trẻ, không qua chiến tranh còn thiếu chất liệu viết, nên chưa thể sáng tác ra những tác phẩm đình đám như những nhà văn gạo cội trước đây. Điều này vô hình tạo thành một áp lực khá lớn đối với những người viết mới, không mấy người dũng cảm lao vào viết về những thứ mà chính mình còn mơ hồ, vì vậy việc họ chưa thật sự chú tâm vào đề tài này là điều dễ hiểu. Thay vào đó họ sẽ tập trung khai thác những vấn đề nổi cộm trong đời sống hiện nay, sẽ dễ viết và nhanh hoàn thiện tác phẩm hơn.

PV: Theo anh nên có những giải pháp gì hiệu quả để khuyến khích mảng văn học đề tài này?

Nhà văn Bùi Tuấn Minh: Đây là một việc không dễ dàng, nhất là đề tài khan người viết. Để khuyến khích các tác giả khai thác mảng văn học đề tài này, cần có sự chung tay của các tập thể, cá nhân, bởi văn chương là tự nguyện, không thể ép buộc.

Tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp: Tạo niềm đam mê các tác phẩm văn học về đề tài này từ thế hệ trẻ, như đưa các tác phẩm về đề tài này vào giảng dạy, thành lập các câu lạc bộ văn học ở các trường, thường xuyên tổ chức sân khấu hóa các tác phẩm văn học về chiến tranh cách mạng; thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng; duy trì việc tổ chức các trại sáng tác về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng; phát hiện và bồi dưỡng những cây bút trẻ hướng đến đề tài này, hỗ trợ sáng tạo trong việc xuất bản; thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm văn học ở các cấp về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng; cuối cùng là cần thể hiện sự tôn vinh và tri ân những tác phẩm xuất sắc về đề tài này hằng năm để khuyến khích người viết.

PV: Được biết, “Đỉnh kinh” ra mắt chưa lâu nhưng tác giả đã phát hành hết toàn bộ số sách. Anh chia sẻ gì về câu chuyện này?

Nhà văn Bùi Tuấn Minh: Việc tự phát hành sách luôn đem đến những thách thức không nhỏ cho các tác giả. Đa số hiện nay những tác giả, nhà văn không dám liều lĩnh phát hành sách mà phải dựa vào các nhà xuất bản. Còn những tác giả tự phát hành chủ yếu xuất bản với số lượng vừa phải. Bên cạnh những thuận lợi như sự tự do sáng tạo, kiểm soát hoàn toàn tác phẩm và khả năng tiếp cận rộng rãi với độc giả, có không ít khó khăn đặc biệt là về mặt marketing, phân phối, quản lý tài chính và thiếu sự hỗ trợ từ các nhà xuất bản.

Cuốn “Đỉnh kinh” mà tôi vừa phát hành là minh chứng rõ nét nhất. Tôi phải tự quảng cáo trên mạng xã hội, tự bán sách từ khâu nhận đến khi chuyển đơn, hoàn toàn không có sự hỗ trợ. Đồng thời phải cố gắng để việc bán sách không làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn.

PV: Cảm ơn Trung tá, nhà văn Bùi Tuấn Minh về cuộc trò chuyện!

Trung tá, nhà văn Bùi Tuấn Minh sinh năm 1984 tại Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội. Hiện anh công tác tại Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Bộ Công an; là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Công an nhiệm kỳ 2025-2030.