Phóng viên (PV): Theo quan sát của anh, các diễn giả-KTS đã đưa ra những vấn đề gì tại diễn đàn?
KTS Đoàn Thanh Hà: Tham gia diễn đàn có 21 diễn giả chính, chia đều ra trong 3 ngày. Thí dụ KTS Wang Su (Trung Quốc) nêu lên câu chuyện dẫn lối ông đến đỉnh cao kiến trúc-giải thưởng Pritzker 2012, khi ông tái sử dụng vật liệu của những ngôi làng bị phá bỏ, tạo ra vật liệu phế thải. Ban đầu mọi người đã chê cười giải pháp này nhưng khoảng 10 năm sau, họ nhận ra ông đã làm đúng. Hay như Kenneth Yeang là một KTS và nhà sinh thái học người Malaysia, tiên phong trong kiến trúc dựa trên sinh thái từ năm 70 của thế kỷ trước, nghiên cứu lý thuyết và thực hành thiết kế bền vững. Tờ báo The Guardian (2008) đã gọi ông là “một trong 50 người có thể cứu hành tinh”. Đấy là những thí dụ tôn vinh sự đa dạng một cách rõ nét mà diễn đàn này có dịp tập hợp và chia sẻ để mọi người biết nhiều hơn, để có sự đối chiếu trước và nay như thế nào và dự báo cho mai sau.
Đồng thời diễn ra với chủ đề chính là những phiên thảo luận song song, liên quan đến những chủ đề chi tiết hơn như cách thức của KTS ứng xử với môi trường, biến đổi khí hậu, thiết kế vì một đô thị công bằng…
PV: 15 năm thực hành kiến trúc, KTS Đoàn Thanh Hà đã cụ thể hóa sự “đa dạng” trong kiến trúc, với những nhóm giải pháp như thế nào?
KTS Đoàn Thanh Hà: Ở 3 bài nói chuyện, 1 ở diễn đàn chính và 2 ở các phiên song song tại UIA 2024, tôi trình bày quan điểm thực hành kiến trúc trong 15 năm qua, thông qua các biểu hiện về hình dáng, đa dạng con người và nhu cầu và tôn vinh cuộc sống của họ. Bài chính có tiêu đề là CAN - là từ ghép của ba chữ cái đầu tiên của ba từ khóa trong tiếng Anh mà theo tôi là rất quan trọng cho tương lai của nhân loại: Culture (Văn hóa) + Architecture (Kiến trúc) + Nature (Tự nhiên). Nội dung bài thuyết trình xoay quanh diễn giải sự kiến tạo những “cấu trúc nhân tạo theo cách tự nhiên” với hình thể hữu cơ sống động và được tạo nên bởi những vật liệu thân thiện (có nguồn gốc tự nhiên, quen thuộc/truyền thống, và vật liệu tái sử dụng). Những kiến trúc này được đánh giá là khác biệt nhưng luôn ẩn chứa sự thân thuộc.
Ở phiên thảo luận song song, trong kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tôi đã trình bày dự án chuỗi nhà ở nhỏ theo mô-đun (module) và nhà nổi. Chúng tôi đã đưa ra giải pháp để chủ động ứng phó với kịch bản ấy như một ứng dụng tham khảo cho vấn đề tương lai của hành tinh. Với vấn đề công bằng đô thị và sự nóng lên của Trái đất ở phiên thảo luận song song thứ hai, tôi đã tập trung nói về các dự án tại thị trấn Mạo Khê (Quảng Ninh), về quan điểm mọi người dân đều có quyền tiếp cận kiến trúc, đem lại những không gian mở thân thiện, nhà ở dành cho công nhân thì như một “làng đứng”, kết nối cộng đồng thông qua những không gian giao tiếp mở, ngập chìm giữa cây xanh và nông nghiệp (khí canh trên mái nhà); khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; hướng tới chất lượng cuộc sống bền vững trong tương lai.
PV: Phải chăng, đa dạng văn hóa, đa dạng trong kiến trúc gắn với trách nhiệm xã hội của giới KTS trong việc quan tâm đến những cộng đồng yếu thế vùng sâu, vùng xa hay những khu vực đô thị, nông thôn kém phát triển?
KTS Đoàn Thanh Hà: Theo một thống kê của thế giới thì chỉ có khoảng 1% dân số đủ khả năng về tài chính làm “Thượng đế” để có được sự phục vụ của các kiến trúc sư trong việc tạo lập kiến trúc cho mình. Vài chục phần trăm khác có điều kiện mua loại sản phẩm kiến trúc được thiết kế hàng loạt, thì phải bỏ thêm tiền để sửa chữa/cải tạo. Chúng ta đều biết những cộng đồng dễ bị tổn thương chiếm phần lớn số còn lại. Đây là thực tế đáng buồn, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các kiến trúc sư trẻ dấn thân tham gia vào quá trình kiến tạo một nền kiến trúc Việt Nam đương đại của người Việt, do KTS Việt, và vì đồng bào Việt.
PV: Dường như sự rập khuôn lại đang là một trong những vấn đề nhức nhối của kiến trúc nước ta hiện nay?
KTS Đoàn Thanh Hà: Tại nước ta, đang có một vấn đề lớn, thí dụ khi nhìn vào diện mạo những khu đô thị mới từ Sa Pa, Quảng Ninh, Hưng Yên, Phú Quốc…, có nhiều người gọi đó là kiến trúc Địa Trung Hải, với nhiều gam mầu xanh, đỏ, tím, vàng… Đấy là biểu hiện của “sự áp đặt văn hóa trong kiến trúc” và “nhân bản vô tính kiến trúc” đang rất đáng báo động, nguyên nhân là do những người thực hiện thiếu bản lĩnh văn hóa cần thiết. Kiến trúc cần có chân dung để có thể xuất hiện bản sắc mới!
PV: Trân trọng cảm ơn KTS Đoàn Thanh Hà!
KTS Đoàn Thanh Hà sinh năm 1980, tốt nghiệp Trường đại học Kiến trúc Hà Nội. Các công trình của anh tập trung vào cộng đồng nghèo và thiệt thòi ở Việt Nam, xây dựng từ vật liệu tự nhiên, truyền thống và tái chế. Anh được biết đến với công trình Nhà vệ sinh 1 và 2 ở Cao Bằng và Điện Biên; Tổ ấm nở hoa, Nhà tre nổi, Hà Nội; Không gian thân thiện Be, Quảng Ninh; BES Pavilion, Hà Tĩnh; Không gian S, Hà Nam; Không gian Ngói, Hà Nội; Cái hang gạch, Hà Nội. Các dự án của Đoàn Thanh Hà đã nhận được sự công nhận quốc tế và giành được nhiều giải thưởng.