Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành:

“Chạm” vào Trường Sa, phải sống có trách nhiệm hơn

Mười năm qua, kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành đã 12 lần đến với quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 trong nhiều vai trò khác nhau: kỹ sư chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt, tham gia phong trào tuổi trẻ vì biển, đảo… Sau mỗi chuyến đi, từ sự tích lũy cảm xúc, kinh nghiệm, anh tiếp tục bồi đắp thêm nhiều ý nghĩa thiết thực cho hành trình tiếp theo. Tới đây, anh đang phối hợp NXB Thông tin và Truyền thông ra mắt bộ sách ảnh đồ sộ mang tên “Biển, đảo Việt Nam”. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng anh tại thời điểm tập 1 “Biển của lòng người” sắp ra mắt.
“Chạm” vào Trường Sa, phải sống có trách nhiệm hơn

Phóng viên (PV): Thưa anh, trong hành trình bền bỉ suốt 10 năm qua với biển, đảo Tổ quốc, những dấu ấn nào khiến anh nhớ nhất?

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành: Lần đầu tiên tôi đi Trường Sa là tháng 5/2014, theo Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương của Trung ương Đoàn. Đó là mùa sóng yên biển lặng. Từ đó đến nay, năm nào tôi cũng đi, có một số năm đi hai lần. Lần tôi đi biển lâu nhất là 45 ngày, vào tháng 8/2015, trong chuyến đi lắp máy lọc nước biển thành nước ngọt cho đảo Trường Sa Đông. Chuyến đó, tôi theo tàu cấp hàng quân nhu giữa năm mang máy lọc ra đảo, đúng vào mùa dông bão, tôi đã mất 15 ngày hải trình trên biển và ở lại trên đảo 30 ngày. Tôi cũng đã ba lần đi vào mùa sóng lừng cuối năm, ra tặng quà Tết các đảo. Những chuyến đi này rất khắc nghiệt, thời gian mỗi chuyến thường là 20-25 ngày.

Năm 2017 tôi cũng đã thực hiện một hành trình đặc biệt, theo tàu vận tải ra đảo triển khai công nghệ vi sinh xử lý rác thải hữu cơ trên đảo Trường Sa. Lần đó tôi đã ở lại đảo Trường Sa 10 ngày cho đến khi theo một chuyến tàu khác trở lại đất liền. 12 lần đến với Trường Sa, tôi trải nghiệm các chuyến đi vào tất cả các mùa trong năm (mùa tháng 4 sóng yên biển lặng, mùa tháng 8 mưa dông, mùa cuối năm sóng lừng); đã theo nhiều chuyến tàu (tàu khách chở đại biểu ra thăm đảo, tàu thay thu quân, tàu vận tải, cấp hàng); đã tiếp xúc với nhiều đối tượng (bộ đội hải quân, kiểm ngư, ngư dân, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, phóng viên, nhà báo…).

PV: Cảm xúc của anh trước và sau khi đến với Trường Sa có gì thay đổi?

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành: Từ năm 1996, khi tôi còn công tác ở Công ty Lũng Lô - Bộ Quốc phòng, làm nhiệm vụ thi công âu tàu, bến cảng đảo Bạch Long Vĩ, tôi đã ước mơ được một lần đến với Trường Sa, được ra biển lớn. Ngày đó, tuổi đời mới ngoài 20, vì nhiệm vụ tôi thường ra đảo Bạch Long Vĩ (cách đất liền 110 km). Những chuyến hải trình cũng đối diện với sóng gió,

mưa dông, nhưng một sĩ quan hải quân đã tâm sự với tôi: “Em phải đi Trường Sa, những sóng gió này ở đây chưa là gì cả, đây mới là trong vịnh Bắc Bộ thôi. Muốn cảm nhận được biển lớn thì phải đi Trường Sa”. Từ đó tôi luôn khát khao được trải nghiệm sóng gió đại dương và đã phải mất tới 18 năm tôi mới thực hiện được ước mơ. Khi “chạm” được vào Trường Sa năm 2014, cảm xúc trong tôi đã có sự thay đổi. Thay vì khát khao chinh phục, đi để trải nghiệm cho riêng mình thì tôi thấy rằng mình cần sống có trách nhiệm hơn. Càng đi, càng chứng kiến những hy sinh, gian lao, vất vả của những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, trong tôi càng thôi thúc phải làm gì đó thật nhiều, thật nhiều, trong khả năng của mình và cả ngoài khả năng của mình, cần kết nối cộng đồng, xã hội cùng chung tay hướng về biển, đảo.

“Chạm” vào Trường Sa, phải sống có trách nhiệm hơn ảnh 1

Một tác phẩm của Trần Thành.

PV: Trường Sa là một bối cảnh đặc biệt và điều đó chi phối thế nào tới cảm xúc của người chụp ảnh?

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành: Việc chụp ảnh, ghi hình các hoạt động trên biển, đảo rất đặc biệt. Về bối cảnh: Các hoạt động trên biển, đảo diễn ra dồn dập, khẩn trương, dứt khoát. Cho dù là mùa nắng, hay mùa mưa dông, hay mùa sóng lừng thì điều kiện thời tiết lúc nào cũng rất khắc nghiệt, nguy hiểm. Về đối tượng, những người lính trẻ tuổi đời mới mười tám, đôi mươi hay những sĩ quan dày dạn kinh nghiệm, hay những người dân sinh sống trên đảo đều xuất hiện theo cách rất mới mẻ. Họ can trường trước bão dông, chịu đựng mọi thử thách, gian lao nhưng lại vô cùng tình cảm, mang đậm tình đồng chí, đồng đội, đồng bào. Về nội dung, có nhiều chủ đề sáng tác như con người, trang thiết bị, thiên nhiên, môi trường, các hoạt động của con người và sự vận hành của tự nhiên... Tôi đã phải chuẩn bị rất kỹ càng để có thể đón nhận mọi thứ, từ việc trang bị cho mình những thiết bị phù hợp nhất đến việc chuẩn bị sức khỏe, lên những kế hoạch tác nghiệp chi tiết, vạch ra những tuyến nội dung rõ ràng cho mỗi lần đi biển.

PV: Đã có nhiều người chụp ảnh tại đây, anh chọn cách tiếp cận thế nào để khác đi?

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành: Đi sâu vào đời sống! Tôi chọn cách tĩnh lặng quan sát, thu thập các thông tin liên quan và đi sâu vào mỗi mặt hoạt động. Nhiều lúc tôi chờ rất lâu cho đến khi một ánh nhìn sâu thẳm xuất hiện, hay đợi chờ khoảnh khắc một cánh hạc giấy vươn mình trên sóng. Đôi khi sự may mắn cũng xuất hiện, lúc nào cũng chuẩn bị tâm thế, trang thiết bị sẵn sàng, mỗi khi khoảnh khắc đến thì không bỏ lỡ. Và một điều nữa là sự kiên nhẫn. Có những bức ảnh tôi phải chụp hàng nghìn kiểu chỉ để lấy một kiểu, như bức ảnh “Sóng An Bang”, tôi đã nằm trên bãi cát ẩm ướt, chụp gần 1.000 kiểu để bắt trọn vẹn khoảnh khắc sóng cuộn ngang con tàu. Hay khi chụp cá chuồn, tôi ngồi hàng giờ trước mũi tàu trong điều kiện sóng cấp 5, gió rít vù vù bên tai để bắt trọn một “vũ điệu sinh tồn”, chụp xong là chạy vào phòng để nôn do say sóng. Do đi nhiều, tiếp cận nhiều thân phận người lính nên tôi cũng thường chia sẻ nội dung tác nghiệp với anh em bạn bè phóng viên báo chí.

PV: Điều gì anh muốn truyền tải thông qua các tác phẩm?

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành: Tính chất đối lập luôn tồn tại trong mỗi bức hình tôi chụp. Có những bức rất đẹp về thiên nhiên, cảnh quan nhưng đằng sau đó là cả một mùa khô khốc liệt. Trông ảnh thì chan hòa mầu sắc, ánh sáng, nhưng đằng sau đó bộ đội đang chia sẻ với nhau cuộc sống 5 lít nước ngọt/ngày. Hay có những bức ảnh sóng gió dập vùi, nhưng đằng sau đó là bản lĩnh can trường của những người lính biển luôn làm chủ mọi tình huống. Hay một cánh tay vẫy, nhưng sâu trong đó là sự chia ly phải chờ tới cả năm sau mới có thể gặp lại. Thông qua các tác phẩm, tôi luôn muốn truyền tải những giá trị chân thật, đẹp đẽ, ý chí vươn lên làm chủ cuộc sống của những người giữ biển, một tinh thần trách nhiệm cao cả, hy sinh đi những lợi ích cá nhân, sống trách nhiệm với đồng đội, với

Tổ quốc. Giờ đây, tôi thấy hồi hộp nhưng cũng rất sâu lắng. Trong khi chọn ảnh làm sách, các ký ức ùa về đầy đủ, tôi nhớ từng thời điểm bấm máy, từng cái tên, từng gương mặt, vẫn còn nghe cả tiếng sóng, tiếng gió rít chạm mạn tàu. Hầu hết những người tôi chụp đều không biết mình đã được chụp, mọi thứ đều diễn ra tự nhiên.

PV: Theo anh, ngoài kỹ thuật thì điều gì quan trọng nhất với nhiếp ảnh gia?

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành: Đó là tâm hồn! Đối tượng của người chụp ảnh dù là vật thể, động vật, cỏ cây hay con người đều có tâm hồn ở bên trong. Ta cần có khoảng tĩnh tại để có thể cảm nhận được cái hồn của đối tượng chụp, như vậy bức hình sẽ có câu chuyện ở bên trong.

PV: Anh được tạo điều kiện thế nào khi tác nghiệp?

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành: Quân chủng Hải quân, Thủ trưởng Quân chủng đã tạo điều kiện cho cá nhân tôi tham gia nhiều hành trình tới Trường Sa. Anh em thủy thủ tàu luôn ưu ái mỗi khi tôi đề xuất có được vị trí tác nghiệp tốt, chỉ dẫn an toàn. Cán bộ chỉ huy các đảo, anh em chiến sĩ... luôn hỗ trợ thân thiện. Tôi còn nhớ cảnh chụp ảnh hoa bàng vuông nở trên đảo, chỉ huy đảo đã cho chiến sĩ nghỉ giờ sinh hoạt tối, đứng chiếu đèn pin cho tôi chụp ảnh hoa nở trong đêm. Mọi thứ thật thân thương. Qua những tác phẩm tôi xin tri ân tất cả các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc và muốn chia sẻ với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm yêu Tổ quốc mình, sống có trách nhiệm, có động lực vươn lên làm chủ cuộc sống, qua đó đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước và làm nhiều điều thiết thực cho biển, đảo quê hương.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Kỹ sư Trần Thành sinh năm 1973 tại Hà Nội, là Chủ tịch Hội biển đảo Việt Nam; tác giả công trình Máy lọc nước biển thành nước ngọt, lắp đặt thành công tại các đảo Trường Sa - công trình đoạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - công nghệ Việt Nam - VIFOTEC năm 2017. Bộ sách “Biển, đảo Việt Nam” ứng dụng công nghệ QR code và có phiên bản sách điện tử.