Phóng viên (PV): Trước đây, Đặng Hữu được biết nhiều qua các bức phong cảnh bằng chất liệu sơn dầu. Điều gì khiến anh trở về với chất liệu truyền thống sơn mài?
Họa sĩ Đặng Hữu: Tôi bắt đầu tiếp xúc với sơn mài từ những ngày đầu tiên bước vào Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam (2018). Ngày đó, tôi mê sơn mài lắm, cứ rảnh là qua Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua vé vào ngắm tranh sơn mài của cụ Nguyễn Gia Trí, cụ Nguyễn Sáng... Nhưng vì nhiều lý do, tôi đã bỏ ngãng chất liệu này để chuyển qua vẽ tranh sơn dầu.
Trải dài 8 năm vẽ sơn dầu liên tục, sau triển lãm “Dấu người đi” năm 2023, tôi bắt đầu tập trung toàn bộ thời gian để trở lại với sơn mài. Bởi với tôi, sơn mài luôn có sức cuốn hút kỳ lạ để trải nghiệm một cách nghiêm túc. Chất liệu này luôn đem lại sự bất ngờ trong quá trình thực hành, mỗi một lớp sơn khi mài ra luôn làm cho họa sĩ hồi hộp, hy vọng và bị hấp dẫn bởi sự tự nhiên cũng như hiệu ứng của vật liệu tạo nên.
PV: Phong cách thể hiện mà anh hướng tới?
Họa sĩ Đặng Hữu: Tuy yêu cầu về hình thức một bức tranh sơn mài của tôi không cần quá “sâu, bóng, trong, phẳng” nhưng cũng cần đạt được những điểm mạnh của chất liệu như: sự đa dạng về chất, mầu sắc cần toát lên được tính biểu tượng của nội dung và hình thức cần thể hiện. Tôi xóa nhòa các đường nét để tối giản hình và xây dựng các mảng lớn, đồng thời đơn giản hóa bớt những kỹ thuật không cần thiết hướng tới tính trừu tượng và tự nhiên của chất liệu qua quá trình mài.
Bản chất hội họa của tôi là sự chắc khỏe, cân bằng, mộc mạc và quan trọng hơn cả là sự chân thành của cảm xúc.
![]() |
Một tác phẩm tại “Chuyện Đường”. |
PV: Anh có thể bật mí về quá trình tạo nên tác phẩm của mình?
Họa sĩ Đặng Hữu: Ngày trước các họa sĩ tiền bối thường dùng phác thảo kỹ, sau đó phóng to ra giấy can, can hình lên vóc, rồi vẽ nét, phủ bạc vụn để chặn nét. Còn tôi thường vẽ phác thảo từ những chuyến đi trực họa, sau đó phóng nét bằng phấn lên vóc và bắt đầu bằng việc lót bạc, vàng lấy sáng để tạo hiệu ứng tự nhiên như việc vẽ sơn dầu của mình. Sau đó khoét vóc, gắn trứng, có khi vẽ lót kín vóc rồi mới khoét vóc gắn trứng cho phù hợp sự thay đổi chất. Tôi thích dùng kết hợp các lớp đổ răn, sau đó dùng mầu trực tiếp bằng các mầu son rồi phủ kim loại và dùng những tinh mầu gián tiếp phía trên để có hiệu ứng mầu trong cần thiết. Mình bỏ đi việc dùng nét chặn hình. Vì việc đó không phù hợp với cách xây dựng tác phẩm của mình.
PV: Vậy điều khó nhất trong sáng tác đối với anh là gì?
Họa sĩ Đặng Hữu: Cái khó là lấy cảm hứng và duy trì cảm xúc tươi mới mạnh mẽ từ thiên nhiên vào trong xưởng vẽ. Chính vì vậy, sau mỗi chuyến đi trải nghiệm thực tế tôi thường ngồi lại chọn ra bức ký họa nào có cảm xúc mạnh, tạo hình khỏe và đặc trưng nhất ở vùng đó. Sau đó, lên ý tưởng và thể hiện bằng chất liệu sơn mài trên vóc, làm sao để có thể giữ được sự tươi mới nguyên vẹn của thiên nhiên, sự ấn tượng mạnh của không khí, mà chắt lọc được tạo hình một cách có hệ thống và hướng tới sự tối giản. Nhưng vẫn gần gũi, mộc mạc, mạnh mẽ. Từ phác thảo đến hoàn chỉnh tác phẩm là quá trình dài mà cảm xúc luôn phải duy trì mới giữ được vẻ tự nhiên của tác phẩm. Vì thế tôi vẫn chọn lối vẽ đi từ hiện thực rồi lược bỏ dần những thứ không cần thiết.
Triển lãm “Chuyện Đường” của họa sĩ Đặng Hữu khai mạc và trưng bày tại ART30 Galerry (30 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ ngày 15 đến 29/12.
PV: “Chuyện Đường” chỉ là hứng thú nhất thời hay còn là bước đệm để anh bước vào thế giới sơn mài?
Họa sĩ Đặng Hữu: Triển lãm bao gồm 13 bức sơn mài, tôi bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2021. Đây là các tác phẩm từ thực tế ký họa, phác thảo trong những chuyến đi vẽ một mình ở các tỉnh đông bắc và miền biển Việt Nam. Mượn cảnh để vẽ nội tâm, tôi thường chọn thời điểm buổi sớm hoặc chiều tối khi ánh sáng tập trung, cô đọng, mang trạng thái gần với sự bắt đầu, kết thúc, rồi lại bắt đầu. Sự thay đổi mang tính liên tục của tự nhiên, buổi sáng giống như cái cây mới trổ mầm, tươi khỏe và nhiều năng lượng, buổi chiều rực rỡ như một bông hoa đẹp rồi lại tàn để tiếp tục một vòng khởi sinh mới cũng giống như con người vậy.
“Chuyện Đường” là cánh cửa để tôi bước vào hành trình tiến đến trừu tượng một cách vững vàng hơn. Nhờ trải nghiệm sơn mài này, tôi đã có thời gian nhìn nhận về hướng phát triển một cách hệ thống cả về nội dung lẫn hình thức một cách liền mạch mà vẫn giữ được năng lượng, cảm xúc của thực tế từ thiên nhiên.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!