HỌA SĨ LÊ THIẾT CƯƠNG:

“Nhà hay đất cũng để kể chuyện người”

Họa sĩ Lê Thiết Cương vừa giới thiệu đến độc giả cuốn sách “nhà và người” (NXB Hội Nhà văn và Công ty Liên Việt). Tác phẩm là tâm huyết với nhiếp ảnh và kiến trúc qua gần 60 bài viết mà họa sĩ dày công thực hiện từ năm 2000 đến 2023.
Họa sĩ Lê Thiết Cương (giữa) tại cuộc ra mắt sách.
Họa sĩ Lê Thiết Cương (giữa) tại cuộc ra mắt sách.

Họa sĩ Lê Thiết Cương vừa giới thiệu đến độc giả cuốn sách “nhà và người” (NXB Hội Nhà văn và Công ty Liên Việt). Tác phẩm là tâm huyết với nhiếp ảnh và kiến trúc qua gần 60 bài viết mà họa sĩ dày công thực hiện từ năm 2000 đến 2023.

Phóng viên (PV): Thưa họa sĩ, đã in nhiều sách chung, nhưng đây là cuốn đầu tiên của riêng ông. Nguồn cảm hứng nào giúp ông hoàn thành cuốn sách đầu tay của mình?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Trong hơn 20 năm qua, tôi cứ đi và đi. Ở hành trình đó, tôi đã ghé qua nhiều vùng đất mới, thấy được nhiều kiến trúc khác nhau. Nhưng cái duyên viết về nhà thật sự đến khi tôi được nhiếp ảnh gia Dương Minh Long “đặt hàng” viết về nhà cổ ở Nha Trang cho mục “Không gian sống” của một tạp chí, rồi tiếp tục viết cho nhiều tạp chí về kiến trúc khác… Cứ như vậy, lâu dần hình thành thói quen quan sát. Và rồi với ý nghĩ mang những trải nghiệm mới mẻ đó chia sẻ rộng rãi tới cộng đồng, tôi cứ góp nhặt từng chút một và gộp thành cuốn “nhà và người” này.

PV: Cuốn sách chủ yếu nói về những ngôi nhà và con người, vậy hai chủ thể này có mối liên hệ thế nào với nhau, theo ông?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Tôi không phải kiến trúc sư, không phải nhà thiết kế hay người thiết kế nội thất, nhưng vì tôi yêu thích kiến trúc, nội thất và đồ họa nên khi viết về nhà và người hay đất và người thì tôi sẽ lấy điểm nhìn văn hóa của mình. Tôi tin rằng ngôi nhà chứa đựng vẻ đẹp tâm hồn từ chủ nhân của nó, cho thấy cái cốt cách để làm nên phong cách nghệ thuật của họ. Chuyện nhà cũng là chuyện người hay người cũng là nhà, qua tính nết của chủ nhà sẽ thấy nếp nhà. Nói chung, đối với tôi chúng là một thể. Ở đâu lâu hay nhanh, nhiều hay ít, khoan hẵng bàn đến, không gian sống nào làm cho mình cảm thấy muốn gắn bó, trở về thì mới là một ngôi nhà thật sự.

PV: Ông cũng có nhắc đến yếu tố đất, vậy nó có liên kết gì với yếu tố nhà hay người không?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Không chỉ nhà mà đất nào cũng là người ấy. Mảnh đất với các đặc trưng phong thủy khác nhau sẽ sinh ra tính cách đặc trưng của từng người chủ. Đồng thời, trong ngôi nhà đó còn có sự hiện diện của bộ bàn ghế, bức tranh, hoặc một cách trang trí đồ vật đặc biệt, mang dấu ấn của thời gian và phong tục trên mỗi vùng đất. Dù viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, hạt nhân bên trong cuối cùng vẫn là chuyện người. Đất, nhà và người suy cho cùng là một, chuyện gì thì cũng phải lấy những giá trị con người làm cốt lõi của vấn đề.

“Nhà hay đất cũng để kể chuyện người” ảnh 1

PV: Trong cuốn sách có khá nhiều bài viết về bếp, liệu có gì khiến ông cảm thấy đặc biệt nên dành nhiều tình cảm hơn cho không gian này chăng?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Thật ra người ta thấy thân thiết, thích nên người ta mới nhắc đến nhiều. Còn tôi lại đi ngược số đông ấy. Khi nhắc đến bếp, tôi thấy sự cô độc của mình. Vậy nên, tôi mới mê “cái chốt của một gia đình” ấy, sự ấm áp hiện diện trong nó luôn xua tan đi trống vắng trong tôi. Cũng chỉ có nếp người mới tạo ra được nếp nhà.

PV: Ông đã đi qua nhiều nơi, ghé thăm rất nhiều công trình, không gian kiến trúc, vậy đâu là nơi ông có tình cảm sâu sắc nhất?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Chắc chắn là Hà Nội rồi! Đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên, cũng là miền đất an trú, nuôi dưỡng nhiều anh tài không kể xiết. Có thể nói, tôi hiểu Hà Nội đến độ thấy “vỉa hè Hà Nội luôn được thiết kế bằng những câu chuyện đời, những hình, những màu, những âm như thế”.

PV: Hoàn thành cuốn sách, quan điểm của ông về nhà hay con người có thay đổi gì không?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Tôi là người đi qua rất nhiều vùng đất, nói chung bất kể viết về vùng đất nào hay về người nào, ngôi nhà nào thì quan điểm viết của tôi vẫn không đổi. Tôi không viết về 2+2=4 mà tôi luôn đi giữa ranh giới sai - đúng, đúng - sai.

PV: Ông có định xuất bản thêm cuốn sách về lĩnh vực nào ngoài kiến trúc không?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Nhắc đến dự định thì nhiều lắm. Cuốn tiếp theo sẽ là “Trò chuyện với hội họa” với nội dung về mỹ thuật Việt Nam và “Trong hạt thóc có hạt gạo”, bàn luận về văn hóa Việt.

PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!