Phóng viên (PV): Hơn 20 năm gắn bó với phim hoạt hình, ngoài đam mê, còn những yếu tố nào lôi cuốn anh vào sự bền bỉ ấy?
NSƯT Trịnh Lâm Tùng: Có lẽ, khá khó để tôi tìm cho mình một lý do khác ngoài đam mê. Mọi việc tôi học, tôi làm đều chỉ phục vụ một mục đích duy nhất: trở thành nhà làm phim hoạt hình chuyên nghiệp. Tuy nhiên nó cũng là những cơ duyên nữa. Từ nhỏ, như bao trẻ em, tôi rất mê truyện tranh và phim hoạt hình. Khi học Sư phạm Mỹ thuật, trong các bài ký họa hay đi vẽ thực tế, thầy cô và bạn bè đều nói rằng khả năng quan sát “bắt dáng” của tôi rất nhanh nhạy, phù hợp với hoạt hình. Dù ngày đó khái niệm về họa sĩ hoạt hình khá mơ hồ. Những lời động viên tác động đến tôi một cách âm thầm nhưng mạnh mẽ để nỗ lực học tập mỗi ngày, có định hướng cá nhân riêng từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Bên cạnh đó sự đón nhận của khán giả, sự ghi nhận đánh giá của giới chuyên môn cũng như sự kiên định đồng lòng giúp sức của các đồng nghiệp, niềm tin của đối tác đã góp phần lớn tạo dựng nên mạch ngầm bền bỉ cho tôi có được nền tảng vững chắc để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp sáng tạo.
Và không thể không nhắc đến gia đình. Thuở khó khăn không có các họa phẩm đặc thù dù chỉ là cây chì hay tờ giấy trắng thẳng thớm, mẹ tôi, các anh chị, bạn bè thân thiết đã luôn dung dưỡng, khích lệ, coi tôi là một hoạ sĩ từ khi còn chăn trâu cắt cỏ.
PV: Nhiều kênh phương tiện giải trí có ảnh hưởng tới niềm yêu thích của khán giả dành cho phim hoạt hình không?
NSƯT Trịnh Lâm Tùng: Có một điều theo tôi sẽ không bao giờ thay đổi đó là nhu cầu giải trí, trong đó có phim hoạt hình. Bản chất rất đơn giản, nó nằm trong gien của con người. Nói cách khác thì từ trong mã gien của chúng ta đã có sự yêu thích đặc biệt với những hình vẽ mang tính biểu đạt cao tương tự như hoạt hình (thí dụ các hình chạm khắc trên hang động từ thời cổ đại, các họa tiết trên các đồ đồng, gốm…. của cả nhân loại). Mục đích ban đầu là truyền lại những kỹ năng sinh tồn cho đời sau, rồi đến những điệu múa ăn mừng hay thể hiện ước mơ… Đó là nhu cầu phát triển, tiến hóa của loài người. Ngày càng có nhiều kênh, phương tiện giải trí, đa dạng loại hình, chất liệu, chất lượng và khán giả có thêm nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, niềm yêu thích vẫn vẹn nguyên, chỉ là các sản phẩm/tác phẩm có đủ sức cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu khán giả ngày càng cao hơn hay không mà thôi.
Ê-kíp Alpha Studio nhận Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam (VCA). |
PV: Theo anh, chất lượng phim hoạt hình ở Việt Nam đã được đổi mới ra sao? Cách nào để tiếp cận, khai thác, thể hiện mới mẻ, sáng tạo?
NSƯT Trịnh Lâm Tùng: Gần đây, chất lượng phim hoạt hình trong nước đã được nâng cao lên đáng kể, có sự đột biến cả về số lượng và chất lượng. Các đề tài khai thác cũng phong phú hơn, ngoài các mảng chính có tính hệ thống, như: lịch sử, giáo dục thì các yếu tố về giải trí, gần gũi với đời sống, tính hiện thực cũng như xu hướng đều đáp ứng được một cách mạnh mẽ. Lấy khán giả làm lõi, phân tích tệp khán giả đích cộng với sử dụng hiệu quả nền tảng phát hành là một trong những mấu chốt quan trọng để thay đổi và sáng tạo. Dù hình thức thể hiện mới mẻ hay sáng tạo ở mức độ nào thì tác phẩm phải có giá trị thụ hưởng thật sự mới bền vững và làm nền tảng phát triển lâu bền được.
Bên cạnh đó cần bồi đắp mối quan hệ tương hỗ giữa những nhà làm phim và khán giả ngày càng chuyên nghiệp và bền chặt hơn thông qua các tác phẩm sáng tạo đổi mới; khai thác mạnh mẽ sự sáng tạo đến từ các bạn trẻ để có được những nguyên liệu tốt giảm sự già nua trong tư tưởng từ những khâu khởi đầu của một sản phẩm hay tác phẩm. Ngoài ra, ta cần học hỏi không ngừng từ những nền hoạt hình phát triển của thế giới, thậm chí là các sản phẩm giải trí khác đang cạnh tranh mạnh mẽ mỗi ngày.
PV: Anh nhìn nhận ra sao về việc vừa giữ gìn bản sắc Việt vừa hội nhập một cách mạnh mẽ với quốc tế?
NSƯT Trịnh Lâm Tùng: Đây là điều vô cùng cần thiết cho một dân tộc, một đất nước. Nhìn rộng ra, ta thấy dù các nền điện ảnh, cụ thể là hoạt hình trên thế giới rất phát triển nhưng khi phân tích kỹ các bộ phim chúng ta đều nhận thấy thấm đẫm văn hóa của đất nước đó từ câu chuyện, bối cảnh, tạo hình, phục trang hay lời thoại. Có thể kể đến một vài tác phẩm tiêu biểu, như: “Coco”, “Kungfu Panda”, “Natra”, “Masha and Bear”, “Mộ đom đóm”… Với tôi, cùng việc thúc đẩy sáng tạo, sáng tác luôn cần niềm đam mê nghiên cứu, gìn giữ văn hóa dân tộc. Đó là một sứ mệnh. Dù vậy, để tác phẩm đến được với số đông khán giả cũng như có tính quốc tế thì những nhà làm phim cần nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ các quy tắc cốt lõi như: Tính kế thừa, tính phổ quát, tính khám phá, tính trải nghiệm… và tính sáng tạo trong đó chiếm sự quan trọng nổi bật. Chúng ta cần kể một câu chuyện bằng hình ảnh hấp dẫn người xem nhưng vẫn gần gũi dễ hiểu, thôi thúc khán giả muốn tìm hiểu, khám phá thêm.
PV: Với anh, làm hoạt hình hiện nay khó khăn hay thuận lợi nhiều hơn?
NSƯT Trịnh Lâm Tùng: Quả thật, ngày nay thuận lợi hơn trước rất nhiều. Chúng ta có một thế hệ kế thừa tinh hoa đồng thời học tập, nghiên cứu rất nghiêm túc, chỉn chu, trân trọng từng thước phim nhựa hay từng trang giấy vẽ. Nhờ có công nghệ số, phần mềm làm phim đa dạng phong phú đáp ứng đủ các thể loại phim: 2D, 3D, Stop Motion, Frame by frame... Chất lượng thiết bị sản xuất ngày càng được nâng cao nên quy trình sản xuất phim đã được tinh giản. Các công ty ngoài quốc doanh đã ý thức chung tay xây dựng cộng đồng ngành ngày càng lớn mạnh hơn, hỗ trợ nhau cùng phát triển; các môi trường đào tạo nghệ thuật đánh giá trong tương lai đây cũng là một ngành nghề phát triển mạnh mẽ nên đã thực hiện đào tạo bài bản và kiến thức chuẩn mực. Việc phát hành đa nền tảng cũng giúp cho các sản phẩm đến được với công chúng nhanh hơn.
Còn khó khăn thì luôn hiện hữu bởi dù tuổi đời cả ngành hoạt hình đã 65 năm nhưng chưa thật sự được quan tâm, đánh giá đúng vai trò cũng như thế mạnh. Chúng ta có thể kể ra những thử thách trong: Đào tạo đội ngũ kế cận vì tính đặc thù của nghề cao; sự ổn định cần thiết về chất lượng đời sống của nghệ sĩ; chưa có được những bước ngoặt mạnh mẽ về chất lượng phim để có thể thuyết phục được khán giả trước mắt là trong nước tin tưởng và ủng hộ.
Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng sinh năm 1981. Anh từng có thời gian làm việc tại Trung tâm phim truyền hình Việt Nam trước khi chuyển công tác. Các bộ phim hoạt hình do anh làm đạo diễn đã giành giải Cánh diều vàng, Bông sen bạc... cùng nhiều giải thưởng điện ảnh khác. Mới đây, ê-kíp Alpha Studio vinh dự nhận Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam (VCA) do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) điều hành tổ chức.
PV: Thời gian tới, anh có dự định gì sau loạt dự án gây tiếng vang, nhận nhiều giải thưởng?
NSƯT Trịnh Lâm Tùng: Tiếp sự thành công được đón nhận về Series “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” phát hành trên nền tảng số, Alpha Animation Studio chúng tôi không “ngủ quên” trên chiếc gối êm ái đó mà bắt tay ngay vào sứ mệnh cao cả hơn cho ngành đó là: Alpha sẽ là đơn vị đầu tiên sản xuất phim hoạt hình 3D bản thương mại chiếu rạp. Hiện nay bộ phim: “Truyền thuyết Kim Ngưu” có độ dài 90 phút, sản xuất bằng công nghệ 3D hiện đại tiên tiến nhất trên thị trường, dự kiến sẽ khởi chiếu vào tháng 5/2025 và dự án phim đang ở giai đoạn nước rút về hình ảnh để kịp thời làm các công đoạn hậu kỳ phức tạp, kỹ lưỡng nâng cao chất lượng phim.
Chúng tôi luôn ý thức được sứ mệnh của mình, là cầu nối gắn kết các đơn vị sản xuất phim hoạt hình trong và ngoài nước cùng nhau hợp tác nâng cao vị thế ngành và ngày càng có nhiều tác phẩm hay tri ân khán giả Việt cũng như trong tương lai không xa sẽ chinh phục được khán giả trên thị trường quốc tế.
PV: Cảm ơn đạo diễn - NSƯT Trịnh Lâm Tùng về cuộc trò chuyện!