Hấp dẫn trải nghiệm ở bảo tàng mỹ thuật

Chúng tôi được chứng kiến một buổi trải nghiệm vẽ chơi, in tranh Đông Hồ thú vị dành cho trẻ em tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Qua đó, chúng tôi có dịp trò chuyện với nữ họa sĩ Vương Lê Mỹ Học, Trưởng phòng Trưng bày & Giáo dục (TB & GD) của bảo tàng về hoạt động của Không gian sáng tạo và trải nghiệm mỹ thuật nơi đây.
Họa sĩ Vương Lê Mỹ Học hướng dẫn cho trẻ em của lớp Penguin - Trường mầm non Creative Kindercare.
Họa sĩ Vương Lê Mỹ Học hướng dẫn cho trẻ em của lớp Penguin - Trường mầm non Creative Kindercare.

Phóng viên (PV): Xin chị cho biết, không gian được triển khai tự bao giờ và những hoạt động thường xuyên của nơi này cho đến nay?

Họa sĩ Vương Lê Mỹ Học: Bộ phận này có cái tên đầu tiên là Không gian sáng tạo cho trẻ em và được mở ra từ năm 2011, giao cho nhân viên thuộc nhóm Thuyết minh giáo dục đảm nhiệm. Lúc đó, tôi lại ở bên mảng trưng bày triển lãm, nên chỉ hỗ trợ giúp xây dựng một vài hoạt động. Từ năm 2012-2015, bộ phận có một dự án phối hợp đào tạo với Bảo tàng Hoàng gia Bỉ…

Đến 2017, tôi được cấp trên điều chuyển thêm nhiệm vụ Thuyết minh giáo dục. Cũng từ đó, tôi và các đồng nghiệp cùng phòng mới có thêm động lực để nghiên cứu và xây dựng thêm các nội dung hoạt động bài bản và phong phú hơn. Mục tiêu là bám sát nội dung các phần trưng bày, bộ sưu tập của bảo tàng để đưa ra các hoạt động cảm thụ cụ thể - trực tiếp và trải nghiệm cho độ tuổi “măng non” là học sinh, sinh viên và cả các du khách lẻ (ở độ tuổi hay quốc tịch khác). Cá nhân tôi rất mong muốn hoạt động mỹ thuật gắn với việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sống như sử dụng vật liệu tái chế, tái sử dụng các vật liệu khó phân hủy như chai nhựa, túi nylon, cốc giấy, lõi giấy vệ sinh, khay xốp đựng thực phẩm…

Định kỳ hằng năm, thì Phòng có chương trình lớn cho ngày 1/6 và Trung thu. Thời kỳ Covid-19, từng chuyển sang hướng dẫn thực hành trực tuyến. Chính từ đó mới nảy sinh ý tưởng để xây dựng cuộc thi Tìm hiểu mỹ thuật Việt Nam trực tuyến (dạng thi trắc nghiệm trên máy tính, ipad hoặc điện thoại). Năm 2021-2022, đã thu hút khoảng 20 nghìn người truy cập, khoảng 2.500 lượt thi hợp lệ. Trong năm nay, chúng tôi sẽ nâng cấp và khởi động tiếp chương trình này, rút kinh nghiệm khâu truyền thông và kết nối đến các trường học để mở rộng đối tượng. Hằng tuần, tôi duy trì 1 buổi học vẽ cho các bạn muốn theo học, với người dạy có chuyên môn về mỹ thuật. Còn lại mỗi ngày, có lịch trực nhận thông tin và tư vấn cho khách muốn đăng ký tham gia “thực nghiệm” vẽ chơi, in tranh đồ họa... Nếu đoàn khách đông thì chị em cùng nhau hướng dẫn. Đông nữa thì chúng tôi được sự hỗ trợ từ các phòng khác và từ đội tình nguyện viên - mới có từ tháng 7/2024. Thời gian có đông chủ yếu vào cuối hè và trong năm học. Chúng tôi có các đối tác thân quen ở cấp phổ thông và trung học như Trường phổ thông Liên cấp Nguyễn Tất Thành; Trường Olympia; Trường Thực nghiệm, hệ thống các trường thuộc Vin;… Bậc đại học thì có các Trường Văn hóa, Công nghệ, các khoa Du lịch ở một số trường…

PV: Ngoài học sinh, sinh viên trong nước, còn có trẻ em, hay du khách nước ngoài nào đã từng tham gia học - chơi với mỹ thuật ở không gian này?

Họa sĩ Vương Lê Mỹ Học: Có trẻ em các trường quốc tế tại khu vực Thủ đô, hoặc khách lẻ đi tham quan bảo tàng muốn tham gia. Khi chúng tôi tổ chức sự kiện ở dưới sân rộng bảo tàng, khách nước ngoài rất thích tham gia in thử tranh Đông Hồ. Còn khi hoạt động ở khu vực phòng trên tầng 3 bảo tàng, thì diện tích phòng trải nghiệm nhỏ - hơn 70 m2 và hơi khuất. Tôi cũng đang đề nghị cấp trên để mở rộng diện tích khu vực sân tầng 3 tại đó để đón được đông khách hơn. Tôi luôn tâm đắc với cách “học mà chơi…” như chính tôi đã từng thấy qua việc học mỹ thuật từ nhỏ. Cứ để ngấm dần dần qua các trò chơi sẽ thú vị hơn là việc nhồi thật nhiều kiến thức, dễ bội thực lắm...

PV: Vậy bảo tàng còn có thêm phương án nào để mở rộng và phát triển trong việc tuyên truyền phổ biến chưa?

Họa sĩ Vương Lê Mỹ Học: Dự tính thời gian tới, mở rộng không gian, chúng tôi sẽ “bày trò” thêm được với các chất liệu mỹ thuật khác. Như vẽ acrylic, lụa, sơn mài, đất nặn, vẽ đĩa gốm… đã từng thực hành với quy mô nhỏ (10-15 người/buổi). Do chuyển sang “chơi” với những chất liệu khác này, sẽ vừa cần không gian, vừa cần nhiều thời gian hơn.

Sắp tới, tôi đang nghĩ đến việc mở rộng và kết nối liên tục với đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp là sinh viên mỹ thuật hoặc nghệ sĩ (như đã từng thử nghiệm trước đây). Một hướng nữa Phòng chúng tôi đề xuất là sử dụng công nghệ song song với vẽ vời bằng tay, hy vọng sẽ đem lại nhiều điểm hứng thú, thu hút giới trẻ…

Một vấn đề cốt yếu để khu vực trải nghiệm sáng tạo ra đời, là việc giáo dục thẩm mỹ sớm hướng tới thế hệ mầm non. Hiện nay, nhiều gia đình trẻ đã ý thức được việc này, nên nhiều cặp cho con đến bảo tàng và tham gia các hoạt động trải nghiệm. Vì thế nên tùy theo nhóm đối tượng, chúng tôi xây dựng nội dung phù hợp để khách đến nơi đây có thêm nhiều ấn tượng tốt. Họ vừa được xem tranh tượng đẹp và cổ đã đành, mà còn được thỏa sức “chơi” với màu sắc, chất liệu…

PV: Xin cảm ơn chị!