TS Phạm Việt Long:

Giữ đà để chia lửa đùm bọc trong đời thường

Trong những ngày qua, cả xã hội đang dõi theo và nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân đang trực tiếp góp công, góp của, trao gửi yêu thương đến những vùng bão lụt. Từ tình cảm khắp ba miền bắc trung nam hướng về các tỉnh miền núi phía bắc và một số địa bàn miền xuôi, nhiều người liên tưởng đến những đoàn xe cứu trợ từ miền bắc vào các vùng bão lũ miền trung, những đoàn chiến sĩ - bác sĩ tiến vào vùng dịch Covid-19 ở phía nam những năm qua. Sự tiếc thương, xót xa được biến thành hành động sẻ chia, đùm bọc đầy ý nghĩa trong cơn nguy khó. Đó cũng là truyền thống, là văn hóa tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam đang được tỏa sáng. TS, nhà văn, nhà báo Phạm Việt Long chia sẻ với Thời Nay một số suy ngẫm chung quanh câu chuyện này.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội sắp xếp, bốc dỡ hàng cứu trợ từ TP Hồ Chí Minh. Ảnh: QUANG QUÝ
Bộ đội sắp xếp, bốc dỡ hàng cứu trợ từ TP Hồ Chí Minh. Ảnh: QUANG QUÝ
Giữ đà để chia lửa đùm bọc trong đời thường ảnh 1

Phóng viên (PV): Thưa TS Phạm Việt Long, quan sát các hoạt động hỗ trợ đồng bào đợt bão lụt này, ông nhận thấy có những nét gì nổi bật?

TS Phạm Việt Long: Tôi cảm nhận được một tinh thần đoàn kết từ lãnh đạo đến quần chúng, từ già đến trẻ, từ giàu đến nghèo với tính thống nhất cao. Điều đó vốn đã là truyền thống, là một phần lịch sử, văn hóa đất nước, nhưng ngày hôm nay được thể hiện sinh động, chân thực trong đời sống hiện đại.

Về phía người dân ta nói chung, từ truyền thống trợ giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn, hiện nay ta đang phát huy thành tinh thần lớn, thành khối đông đảo và có tính tự động. Có một chút tự phát nhưng sự tự phát này mang tính tự nguyện cao và đã đi đến sự phối hợp, có tổ chức. Còn về phía lãnh đạo cấp cao, trong những chỉ đạo liên tục lẫn việc trực tiếp xuống cơ sở cùng dân khắc phục hậu quả thiên tai, đó không chỉ là hình ảnh đẹp, mà cho thấy sự sâu sát, tìm cách che chở, gần gũi nhân dân. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo từ trung ương tới địa phương trực tiếp xuống cơ sở thăm hỏi, chia sẻ những mất mát, khó khăn, động viên người dân vùng bão, lũ đã truyền cảm xúc mạnh mẽ với nhân dân và lãnh đạo cùng với dân thắp lên tình người, niềm tin mạnh mẽ.

PV: Những năm qua, với nhiều đợt bão lũ xảy ra, gây hậu quả to lớn, ngày càng có nhiều hơn những hình thức hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân. Ông ấn tượng với những trường hợp nào?

TS Phạm Việt Long: Theo dõi báo chí, mạng xã hội, có thể thấy rất nhiều hoạt động khác nhau của các cơ quan, đoàn thể, hội nhóm, tổ chức. Nhìn khái quát, tôi muốn nhấn mạnh sự tự giác và thông minh hơn trước trong cách làm của các nhóm, cá nhân. So sánh một chút thì trước kia có trường hợp nhiệt tình nhưng còn thiếu hiểu biết về pháp luật, dẫn đến cảnh “tình ngay lý gian”. Nhưng nay đã khác nhiều rồi. Tấm lòng cộng với sự thông minh, được tổ chức tốt, thêm sự hỗ trợ của công nghệ và tận dụng mạng xã hội đã giúp nhiều đoàn đưa được hàng cứu trợ đến nơi, đi xa, sâu hơn và kịp thời.

Tôi đánh giá cao sự phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc phát động ủng hộ đồng bào, đồng thời công khai các khoản đóng góp. Qua đó người đóng tiền yên tâm, xã hội thấy ai làm thật, ai không thật, Mặt trận cũng thể hiện sự minh bạch, tạo niềm tin và cũng ràng buộc trách nhiệm của mình vào đó.

Nhu cầu hỗ trợ để ổn định đời sống sau lũ còn nhiều. Mong rằng các nguồn kinh phí, vật chất sẽ được phối hợp phân bổ sớm, phát huy hiệu quả cao. Và như vậy, cần tuyệt đối nghiêm túc, trung thực, khoa học và công bằng. Đó chính là việc phát huy văn hóa trong ứng xử, trong đạo đức, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

PV: Cũng đã có những biểu hiện tiêu cực như một số người đóng góp xong rồi tự kê khống số tiền lên rất lớn, khoe lên mạng xã hội để “làm màu”. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

TS Phạm Việt Long: Có những việc làm đó và đã bị xã hội phê phán. Tuy nhiên, tôi lại có suy nghĩ lạc quan là so ra thấy rất ít so với những cái tốt. Biết bao trường hợp tốt, hay, ủng hộ chân thành, bao hành động dấn thân ở vùng bão lũ mà chỉ có một số ít “làm màu” như thế thôi và họ đã phải thanh minh, phải xin lỗi. Cái tiêu cực đang bị sự tích cực lấn át! Sự chênh lệch về tỷ lệ này như một thước đo xã hội, giúp Nhà nước và nhân dân nhìn rõ hơn với sự lạc quan và ấm lòng chứ không phải ngao ngán rằng xã hội bây giờ vô cảm.

PV: Thực ra cũng đã có không ít những ý kiến nhận xét như thế về đời sống xã hội thời gian qua!

TS Phạm Việt Long: Tôi nghĩ thực tế không phải như vậy. Nhiều khi cuộc sống bình thường bận rộn, chúng ta không có điều kiện thể hiện tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau. Nhưng cái “di truyền văn hóa” đó vẫn có trong lòng người trong khắp cả nước. Và khi thiên tai bão lũ tàn phá, thì sự nhân ái, đoàn kết lại trỗi dậy, thổi bùng lên ngọn lửa nhân ái và thôi thúc hành động.

Quan sát những gì đang diễn ra, tôi thấy việc phát huy lòng nhân ái còn được phát huy nhờ sự nâng cao trình độ, kỹ năng. Nhiều người còn biết cách và chủ động lan tỏa những hình ảnh đẹp của mình và cộng sự, qua đó truyền đi trong xã hội và động viên nhiều người khác cùng làm việc tốt.

PV: Có một nguy cơ lớn là thiên tai ngày càng phức tạp và khốc liệt. Càng như thế, lại càng phải có sự cố kết, đùm bọc để vượt qua gian nan. Từ góc độ một nhà nghiên cứu văn hóa, hoạt động báo chí, ông thấy cần nuôi giữ tinh thần cố kết, sẻ chia trong cộng đồng như thế nào?

TS Phạm Việt Long: Đây đang là một đợt hoạt động xã hội và phát huy truyền thống, văn hóa có tính giáo dục rất cao. Đó chính là cái đà cho xã hội quay lại, phát huy những giá trị truyền thống, nhân văn trong bối cảnh mới. Bản thân các hoạt động đó có sức mạnh rất lớn. Nhiệm vụ của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền… là không để cho mất cái đà đó; là phải giáo dục tuyên truyền; là hành động; là sự gương mẫu của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ trong việc sâu sát với cơ sở, gần dân hơn; là dần biến các hoạt động tương trợ, chia sẻ này trở nên bình thường trong xã hội chứ không phải cứ vào những đợt thiên tai, hỏa hoạn, những đợt phát động hay kỷ niệm.

PV: Nhìn rộng hơn nữa, về vấn đề phòng chống nguy cơ thiên tai, mưa bão, lũ lụt?

TS Phạm Việt Long: Kinh nghiệm sống của cha ông xưa và tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam ta hàm chứa một giá trị lớn là tinh thần thiên nhiên, là sự giữ gìn mối quan hệ lớn giữa con người với thiên nhiên. Bài học cho chúng ta hôm nay từ mưa to, gió lớn, sạt lở, lũ quét… chính là phải tôn trọng thiên nhiên; khai thác cho mình hài hòa trong sự giữ gìn cho thiên nhiên.

Nhìn từ khía cạnh kinh nghiệm, tri thức, kỹ thuật thì như vừa rồi ta thấy, có trường hợp phát hiện núi có vết nứt nên đã sơ tán dân kịp thời. Có đơn vị dùng flycam phát hiện dòng chảy từ xa, kịp báo tin cho nhau để tránh. Qua đó, bài học còn là sự chủ động theo dõi, nắm bắt bằng hiểu biết dân gian cùng với trang bị tri thức khoa học, công nghệ và thiết bị hiện đại. Đó thật là những kinh nghiệm xương máu cần lan tỏa, thấm nhuần.

Và hơn cả, để bền vững, lâu dài, chính là sự hài hòa với thiên nhiên mà cha ông ta đã đúc rút, áp dụng trong lịch sử, trở thành văn hóa sống, đi vào trong tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán truyền đời. Thiên nhiên cần được bảo vệ, tái tạo, chăm sóc mạnh mẽ hơn nhiều trong đời sống hiện đại hôm nay, cùng với sự phát triển của cuộc sống con người.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!