Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam:

Cứ “ăn mày dĩ vãng” thì không được

Những năm gần đây, múa rối nước không chỉ hấp dẫn người xem trong nước mà còn chinh phục được khán giả quốc tế. Trong bối cảnh hiện đại, khi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, giải trí ngày càng đa dạng, việc làm mới nghệ thuật múa rối nước đã đặt ra thách thức không nhỏ. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam sau một màn diễn.
Các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam sau một màn diễn.
Cứ “ăn mày dĩ vãng” thì không được ảnh 1

Phóng viên (PV): Thưa NSND Nguyễn Tiến Dũng, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã có những đổi mới gì để bắt nhịp với đời sống đương đại?

NSND Nguyễn Tiến Dũng: Những năm gần đây, chúng tôi không chỉ tập trung vào khách du lịch, thiếu nhi… mà đáp ứng nhiều đối tượng, lứa tuổi. Nghệ thuật rối mà cha ông ta đã để lại vô cùng độc đáo, bản sắc, nhưng nếu cứ “ăn mày dĩ vãng”, khai thác vừa phải, nâng cao một chút thì không đáp ứng được. Cần tìm con đường phù hợp, đáp ứng tiêu chí nghệ thuật, nhu cầu khán giả và cạnh trạnh được với phương thức giải trí khác. Cạnh tranh ở đây không phải đời sống đang rộ lên cái gì thì ta theo mà nhìn ra cái gì thiếu cũng là điều cốt yếu.

Sau mỗi đêm diễn sẽ đo được hiệu quả ngay và cần rút kinh nghiệm với những gì chưa ổn. Nghệ thuật múa rối đang có những bước chuyển, quan niệm trong công chúng cũng đã thay đổi. Chúng tôi xúc động khi nghe những lời thốt ra đầy ngạc nhiên: “Ô! múa rối bây giờ khác nhỉ, thú vị nhỉ?”. Nhà hát lấy nghệ thuật truyền thống làm nền tảng, bản sắc dân tộc làm chủ đạo, cách tiếp cận lại mang yếu tố đương đại. Ngay cả các cháu nhỏ khi xem vở cũng sẽ thấy được nhịp điệu của mình trong đó, để rồi từ việc xem cho biết sẽ xem tiếp, ngấm dần, hiểu dần.

PV: Vậy cụ thể hơn trong nỗ lực mở rộng không gian biểu diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam là gì?

NSND Nguyễn Tiến Dũng: Mấy chục năm qua nhà hát đã làm sân khấu thiếu nhi, trở thành địa chỉ quen thuộc rồi diễn ở các trường học, cơ quan, xí nghiệp, khu dân cư… Vài năm qua, lượt vé bán cho các đối tượng ngoài du lịch rất khả quan. Tính từ giữa 2024 đến nay, nhà hát đã diễn gần 800 buổi tại Nhà hát À Ơi ở thị trấn Hoàng Hôn (Phú Quốc); lưu diễn nước ngoài 23 buổi; biểu diễn tại Hà Nội và các tỉnh hơn 700 buổi; phục vụ khách hằng ngày vẫn duy trì ở thị trấn Hoàng Hôn và không gian văn hóa Việt ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Về hợp tác quốc tế, nhà hát đã tiếp cận đi hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nơi đã tạo được thị trường như Nhật Bản, năm nào nhà hát cũng nhận được lời mời biểu diễn, tài trợ.

PV: Ông nhớ kỷ niệm nào về sân khấu múa rối nước ven biển đầu tiên và lớn nhất Việt Nam tại Phú Quốc?

NSND Nguyễn Tiến Dũng: Đó là sự kết hợp hiệu quả với một doanh nghiệp. Sau buổi diễn đầu tiên vào mồng 6 Tết năm 2024 với sân khấu lưu động, thu hút hàng nghìn khán giả, họ đã nhìn thấy giá trị của văn hóa truyền thống và quyết định đặt vào khu du lịch hạng sang mang phong cách Địa Trung Hải. Chúng tôi cũng từng băn khoăn về sự lạc lõng nhưng doanh nghiệp vẫn quyết tâm xây dựng sân khấu cố định. Chỉ sau bốn tháng, khi thủy đình hiện lên lung linh bên bờ biển, khán giả nói trong sững sờ: “Công trình đẹp như một đóa sen đang bung nở” thì nghệ sĩ thật sự xúc động, phấn khích và đó là nguồn động lực lớn để cống hiến nhiều hơn.

PV: Theo ông, điều gì quan trọng trong việc phát hiện, đào tạo thế hệ kế cận?

NSND Nguyễn Tiến Dũng: Mỗi thế hệ phải tìm ra một phương pháp riêng và bản thân người đào tạo cũng cần làm mới mình, thay đổi cách đánh giá, nhìn nhận. Nghiêm túc, hết lòng nhưng cách tiếp cận phải hiệu quả, không áp đặt. Hiện nhà hát có nghệ sĩ mới sinh năm 2006. Chúng tôi cho các em tương tác, vận hành công việc hằng ngày cùng các cô chú, anh chị để dần vào nền nếp. Lớp trẻ đi vào nghệ thuật ít, có trường còn không tổ chức được lớp, nên có nhân tố vẫn đam mê cần quý trọng đã, trên cơ sở đó tìm cách đào tạo thành nghệ sĩ chân chính.

PV: Thời gian tới, nhà hát có định hướng gì để tạo bước đột phá?

NSND Nguyễn Tiến Dũng: Ý tưởng gì cũng phải thực tế mới hiệu quả. Trong nghệ thuật, đôi khi có sự trùng nhau về căn bản về ý tưởng, chỉ khác nhau hình thức, ai bước trước thì tạo được dấu ấn. Điều này mâu thuẫn với sự chờ đợi - tình trạng chung của các nhà hát đang còn nhiều khó khăn. Chúng tôi đang tiếp tục tìm đối tác liên quan để đưa múa rối đến với khán giả; tìm ra nét sáng tạo mới cho sản phẩm. Đó là nhiệm vụ, là sự nghiệp, là khẳng định về thương hiệu nghệ thuật.

PV: Cảm ơn NSND Nguyễn Tiến Dũng về cuộc trò chuyện!

NSND Nguyễn Tiến Dũng: “Anh em nghệ sĩ đã luyện tập, biểu diễn đến quên ăn, quên ngủ. Đêm hôm vẫn dầm mình dưới nước, khóc cười, giá rét cùng nhau. Tôi nhớ biết bao cái Tết, mọi người bánh chưng, đào thắm… chúng tôi còn say sưa làm con rối. Phía sau sự hy sinh, nhất định phải có đời sống tốt để họ đam mê. Cách đây vài năm, đã có lúc nhà hát cạn kiệt diễn viên kế cận, năm vừa qua lại sôi nổi, tuyển được hơn 10 nghệ sĩ trẻ đó là nhờ có hoạt động cụ thể, đủ sức hấp dẫn họ”.