Đường Lâm cách trung tâm thành phố chỉ 44 km về phía tây, thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Điểm dừng chân đầu tiên của chuyến đi là chùa Mía. Mùi hương nhè nhẹ lan tỏa dưới những tàng cây cổ thụ, vấn vít bên đường nét của kiến trúc cổ kính làm tâm hồn người chợt nhẹ nhõm, thư thái và bình an.
Làng cổ giờ đã có dịch vụ vãn cảnh bằng xe điện, giúp du khách di chuyển nhanh giữa các điểm tham quan, nhưng hình như lại ít nhiều khiến "cổ kính phôi pha". Anh lái xe kiêm luôn công việc hướng dẫn viên du lịch hào hứng mang tới cho khách thăm những câu chuyện đặc sắc về vùng đất "hai vua" nức tiếng này. Sau hành trình tâm linh, thành kính dâng hương tưởng nhớ hai người anh hùng dân tộc là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Vương Quyền, người dẫn đường vui tính đưa đoàn chúng tôi đến ngôi nhà lâu đời nhất làng Mông Phụ nhà cổ ông Hùng, đã có hơn 300 năm tồn tại. Tôi đã vô cùng ấn tượng với cổng vào, được đắp từ đất đá, bã trấu và bùn, bám đầy rong rêu, và hơi… thấp. Một đứa "ba mét bẻ đôi" như tôi mà còn có thể chạm tới khung cửa, thì hầu hết mọi người đi qua đều phải cúi đầu. Trong đoàn có người nói đùa: "Có lẽ họ cố tình xây như vậy để bất cứ ai đến nhà cũng phải thấp người xuống thể hiện sự tôn trọng chăng?".
Ngôi nhà được kết cấu theo kiểu năm gian hai dĩ, gian giữa là nơi để thờ cúng tổ tiên, bên cạnh bài trí là bộ trường kỷ dùng để tiếp khách, hai gian bên cạnh dùng làm phòng để ngủ. Phía bên ngoài sân là những vườn cây, khóm hoa, chum rượu đặc trưng tạo nên một khung cảnh rất yên bình. Anh lái xe thân thiện của chúng tôi đã nhắc trước rằng, mỗi tháng Ban Bảo tồn di tích sẽ cấp cho chủ nhà 300.000 đồng, và chỉ vậy thôi, nên khách đến thăm thường sẽ mua thêm chút quà bánh nhà làm để ủng hộ họ. Thật ra, không cần lời nhắn ấy, đoàn chúng tôi đã bị quyến rũ bởi hương gừng ấm sực của mẻ chè lam gia chủ mới làm.
Điểm cuối cùng của chuyến khám phá là một ngôi nhà cổ "trẻ" hơn một chút - nhà ông Thể. Kiến trúc truyền thống cùng những dãy chum tương xếp đầy mảnh sân gạch thật sự là phông nền độc đáo cho những tấm ảnh lưu niệm. Nhà ông Thể đã có 14 đời sinh sống tại đây, với nghề làm tương cha truyền con nối.
Đang tạo dáng bên chiếc cổng làng "huyền thoại" đã xuất hiện trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng, có một nhóm học sinh mặc đồng phục đèo nhau bằng xe đạp đi qua. Tôi chợt nghĩ, nếu có cơ hội trải nghiệm chuyến thăm bằng xe đạp, có lẽ, ấn tượng làng cổ sẽ còn đậm nét hơn.