TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học:

“Hoạt động xuất bản phải hướng tới giá trị giáo dục nhân văn”

Dấu mốc kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952-10/10/2022) là dịp để nhiều đơn vị xuất bản nhìn lại chặng đường phát triển cũng như sứ mệnh của mình. Vượt nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, số lượng đầu sách, bản sách tăng và chất lượng đã có những cải thiện nhất định nhưng hoạt động xuất bản hiện tại đang đối diện nhiều thách thức, trong đó có vai trò thúc đẩy văn hóa đọc là những nội dung chính mà TS Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học (ảnh bên) chia sẻ cùng Nhân Dân hằng tháng.
0:00 / 0:00
0:00
“Hoạt động xuất bản phải hướng tới giá trị giáo dục nhân văn”

Trong nguy có cơ...

Thưa ông, sau giai đoạn dịch bệnh đầy khó khăn và bước vào chuyển đổi số, thách thức lớn nhất mà Nhà xuất bản (NXB) Văn học nói riêng và ngành xuất bản nói chung phải giải quyết là gì?

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội trong suốt ba năm vừa qua. Đương nhiên, hoạt động xuất bản không là ngoại lệ. Toàn ngành thực sự đã lao đao suốt thời gian đại dịch hoành hành. Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”, trước những khó khăn, những người làm xuất bản mới thực sự nhận thấy rõ những lợi thế lớn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động xuất bản, đồng thời nảy sinh ra nhiều sáng kiến.

Nhờ ứng dụng những thành tựu của công cuộc chuyển đổi số, suốt thời gian giãn cách vì đại dịch, NXB Văn học vẫn duy trì được những hoạt động, vẫn lưu thông sách đến tay bạn đọc dưới hình thức online thông qua các trang thương mại điện tử... Có thể nói, sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) đã tạo cơ hội để các loại hình nội dung số bùng nổ trên nền tảng hệ sinh thái số với sự đa dạng hóa các ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiện lợi. Chuyển đổi số đã làm thay đổi nhận thức, tư duy và phương thức hoạt động xuất bản. Đây sẽ là hướng đi lâu dài cho sự phát triển bền vững.

Với hoạt động sáng tác và tiếp nhận văn học, chuyển đổi số cũng có những tác động rõ ràng từ người sáng tạo đến công chúng tiếp nhận. Minh chứng rõ nhất là sự ra đời của dòng văn học mạng và cách tiếp nhận các loại hình xuất bản ứng dụng công nghệ bên cạnh sách in truyền thống. Hoạt động xuất bản hiện tại cũng như trong tương lai sẽ phải hướng tới đa phương tiện, đa nền tảng để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận đa dạng, phong phú của bạn đọc. Khó khăn lớn nhất của các NXB trong chính công cuộc chuyển đổi số là làm sao để đáp ứng nguồn lực phát triển hạ tầng công nghệ cũng như nguồn nhân lực chuyên môn nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của độc giả.

“Hoạt động xuất bản phải hướng tới giá trị giáo dục nhân văn” ảnh 1

Trưng bày sách đoạt Giải thưởng sách Quốc gia 2022.

Trước những khó khăn trên, NXB Văn học đưa ra cách khắc phục nào và có sáng kiến gì?

Chúng tôi lựa chọn phương án liên kết, hợp tác với những đối tác có thế mạnh, tiềm lực về nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó, NXB Văn học vốn có một lợi thế rất lớn là đơn vị sản xuất nội dung. Trong câu chuyện phát triển nội dung số, đương nhiên nội dung là một yếu tố hết sức quan trọng. Sự hợp tác liên kết giữa một bên có hạ tầng cùng nền tảng công nghệ, một bên sở hữu một kho dữ liệu nội dung khá đa dạng, phong phú là giải pháp hữu hiệu nhất đối với NXB trong thời điểm này. Bên cạnh đó, NXB cũng đang có kế hoạch để triển khai thuê hạ tầng công nghệ nhằm phát triển những sản phẩm của riêng mình.

Theo ông, NXB đóng vai trò gì trong nâng cao văn hóa đọc?

Văn hóa đọc, hiểu một cách ngắn gọn và đầy đủ nhất là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của từng cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý, cơ quan quản lý Nhà nước. Như vậy, một quốc gia muốn văn hóa đọc phát triển cần phải phát triển đồng đều ứng xử, giá trị, chuẩn mực đọc của cả ba thành phần: các nhà quản lý, các cơ quan quản lý, cộng đồng xã hội và từng thành viên trong xã hội.

Với các cơ quan quản lý, ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc là đường lối, chính sách phát triển nền văn hóa đọc, phát triển ngành xuất bản, tạo cơ chế và hành lang pháp lý để thỏa mãn nhu cầu đọc của toàn xã hội. Với cộng đồng xã hội, ứng xử, giá trị, chuẩn mực đọc ở đây là sự phát triển của các hội nghề nghiệp liên quan đến việc đọc. Đó là những hoạt động để quảng bá, cổ vũ, phát triển văn hóa đọc, là sự tôn vinh những người viết sách, những người làm sách... Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân là sự hội tụ của ba yếu tố: thói quen đọc, khả năng lựa chọn và kỹ năng đọc.

Ba yếu tố này được hình thành phụ thuộc rất nhiều vào truyền thống gia đình, môi trường giáo dục, môi trường sống-làm việc, trình độ văn hóa. Bởi vậy, nếu nói các nhà xuất bản là nhân tố chính trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc có lẽ chưa thật đầy đủ, chính xác. Đây là câu chuyện của cả cộng đồng, bắt nguồn từ gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, các nhà xuất bản giữ một vai trò rất quan trọng là cho ra đời, đưa đến bạn đọc những cuốn sách thực sự chất lượng, có giá trị. Từ đó góp phần vào việc định hướng, hình thành những giá trị, chuẩn mực đọc để lan tỏa thói quen, tình yêu đọc sách, chung tay cùng toàn xã hội thúc đẩy, nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.

Sự tổng hòa của nhiều yếu tố

Nhiều NXB đã thực hiện nhiều dự án nâng cao văn hóa đọc ở vùng sâu vùng xa. NXB Văn học thì sao, thưa ông?

NXB Văn học đã và đang tham gia rất nhiều dự án nhằm nâng cao văn hóa đọc ở vùng sâu, vùng xa. Trước đây là Đề án Tủ sách xã phường-thị trấn, hiện tại là Chương trình sách mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, trong nguồn lực sẵn có của mình, NXB vẫn thường xuyên tặng sách cho các trường học, trại giam ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đã có hàng nghìn đầu sách của NXB được đưa đến tay bạn đọc thông qua những dự án, chương trình này. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ cân nhắc để liên kết thêm với những đối tác nhằm phát triển mạnh hơn nữa những chương trình, dự án này.

Theo ông làm thế nào để nâng cao vai trò của xuất bản trong đời sống văn hóa xã hội?

Vai trò lớn nhất của xuất bản đó là truyền bá, lưu giữ những sản phẩm trí tuệ thuộc nhiều lĩnh vực có thể xem là những di sản lớn lao của nhân loại. Để nâng cao vai trò của xuất bản trong đời sống văn hóa xã hội, xuất bản phải khẳng định vị trí là một lĩnh vực tư tưởng của Đảng, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam. Hoạt động xuất bản phải hướng tới việc bồi đắp và làm phong phú hơn nữa kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, truyền bá các giá trị giáo dục nhân văn, nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng... từ đó phát triển nhân cách cá nhân, giúp mỗi người hướng tới giá trị cao đẹp, chân-thiện-mỹ. Đồng thời lan tỏa thói quen, tình yêu đọc sách, chung tay cùng toàn xã hội thúc đẩy, nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng; góp phần xây dựng, phát triển nền kinh tế tri thức; đáp ứng nhu cầu tiếp cận, nâng cao thẩm mỹ cũng như những giá trị tinh thần của nhân dân trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Yếu tố nào quan trọng nhất quyết định thành công của xuất bản, theo ông?

Để chọn ra một yếu tố là rất khó, theo tôi. Vì đem lại thành công cho hoạt động xuất bản trong bối cảnh hiện nay là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là những cơ chế, chính sách để lĩnh vực xuất bản phát triển đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh hiện tại. Tiếp đến là một hạ tầng bảo đảm hoạt động cho các nhà xuất bản, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận đa dạng, phong phú trên cơ sở đa phương tiện, đa nền tảng của bạn đọc trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay.

Và cuối cùng là một nguồn nhân lực chất lượng cao vững vàng về kiến thức chuyên môn, có phông văn hóa và tri thức sâu rộng, tác phong làm việc chuyên nghiệp, có khả năng, tiếp cận, nắm bắt thị trường, nhanh nhạy với xu hướng, thị hiếu đa dạng của độc giả. Bên cạnh đó còn là một thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và thực sự tôn trọng công việc của chính mình, tôn trọng độc giả, đưa đến tay bạn đọc những sản phẩm có chất lượng về mọi mặt. Những yếu tố này bổ sung, hỗ trợ cho nhau, cho hoạt động xuất bản. Muốn thành công khó có thể thiếu đi bất cứ yếu tố nào.