Tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu chủ lực

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước 5 tháng đầu năm nay ước đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015, đạt khoảng 38% kế hoạch năm, nhưng nếu so với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu Quốc hội giao năm 2016 khoảng 10% thì mức tăng trưởng này còn khá khiêm tốn. Thêm vào đó, kim ngạch của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang có xu hướng giảm càng khiến việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu từ nay đến cuối năm trở nên khó khăn hơn.

Trong xuất khẩu da giày, DN cần phải chú trọng vào từng mặt hàng cụ thể để nắm bắt nhu cầu, sở thích của từng khách hàng, từng thị trường. Ảnh: Quang Anh
Trong xuất khẩu da giày, DN cần phải chú trọng vào từng mặt hàng cụ thể để nắm bắt nhu cầu, sở thích của từng khách hàng, từng thị trường. Ảnh: Quang Anh

Không thể chỉ chú trọng xuất khẩu theo chiều rộng

Chiến lược xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ không quy định tiêu chí cụ thể về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng như danh mục cụ thể các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, trong điều hành hoạt động XNK, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm, có lợi thế về sản xuất, có thị phần cũng như khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới được xác định là các mặt hàng xuất khẩu có đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiện Việt Nam có 23 mặt hàng xuất khẩu quan trọng; 13 mặt hàng công nghiệp chế biến và một mặt hàng thuộc nhóm nhiên liệu, khoáng sản là dầu thô.

Nhìn nhận cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay có thể thấy những tồn đọng vốn được nhận rõ bấy lâu, tiếc thay chưa có dấu hiệu cải thiện trong cả trung và dài hạn. TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực có giá trị gia tăng chưa cao. Có thể minh họa mặt hàng cà-phê dù xuất nhiều nhưng mức độ chi phối thị trường chưa cao, bởi hàm lượng chế biến sâu chưa nhiều. Hay mặt hàng thế mạnh như dệt may, tỷ trọng gia công vẫn còn lớn, các mặt hàng điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện vẫn chủ yếu là lắp ráp… Do vậy, câu chuyện thúc đẩy xuất khẩu phải được giải quyết từ gốc vấn đề. “Cần sớm có giải pháp nâng cao giá trị cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là trong bối cảnh giá xuất khẩu cùng lượng xuất khẩu đều giảm mạnh như hiện nay”, TS Ân nhấn mạnh.

Cùng chung một nỗi quan ngại về tình trạng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện mới chỉ dừng ở mức độ xuất khẩu theo chiều rộng mà chưa đẩy mạnh xuất khẩu theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và hiệu quả xuất khẩu, TS Nguyễn Hữu Cung, Trường đại học Hùng Vương nhấn mạnh đến giải pháp, cần phải tăng nhanh tỷ lệ giá trị thực thu để tăng hiệu quả xuất khẩu. Các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và dược phẩm, hóa phẩm tiêu dùng cũng cần tạo giá trị gia tăng cao để có kim ngạch xuất khẩu lớn, tạo đột phá tăng trưởng.

Tập trung gia tăng giá trị cho sản phẩm

Muốn gia tăng giá trị cho sản phẩm, các ngành công nghiệp không có lựa chọn nào khác việc phải áp dụng công nghệ cao với đặc trưng sử dụng nhiều vốn và hàm lượng kỹ thuật để làm điểm tựa và là đầu tàu trong tăng trưởng xuất khẩu. Điểm tích cực có thể ghi nhận được, đó là đã có những doanh nghiệp Việt chấp nhận cuộc chơi khốc liệt trên sân chơi chung, với tâm thế của người sẵn sàng đổi mới mình, từ những yếu tố nền tảng.

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền trăn trở, giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may xuất khẩu chưa cao, chủ yếu do các doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu của nước ngoài. Để giữ vững được vị trí xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may Việt Nam, thời gian tới, May 10 sẽ không ngừng đầu tư, mở rộng, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao công tác quản trị cùng với việc chuyên môn hóa, đầu tư, liên kết theo chuỗi nhằm chủ động nguồn nguyên phụ liệu làm hàng xuất khẩu. Mặt khác, để nâng cao giá trị sản phẩm, May 10 sẽ tập trung phát triển khâu nghiên cứu, đào tạo, thiết kế sản phẩm,... nhằm chuyển đổi từ hình thức cắt may gia công (CMT) sang hình thức mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán trực tiếp không qua trung gian (FOB) và tự thiết kế, sản xuất, bán sản phẩm (ODM).

Tuy vậy, nỗ lực từ doanh nghiệp thôi là chưa đủ. Bà Huyền đề xuất, để tăng thêm lợi nhuận cho ngành dệt may và đẩy mạnh xuất khẩu, Nhà nước cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thuế, hải quan... Nhìn ở góc độ chung của ngành, cần tiến hành nghiên cứu xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn liên quan năng suất lao động đặc thù một cách chi tiết từ sản xuất cho đến sử dụng nguyên liệu đầu vào, từ sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, may... Một khi những điều này cùng chuyển động, ngành dệt may Việt Nam không có lý do gì để chậm chân trong phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Tâm sự lạc quan của Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 hẳn cũng được nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề chia sẻ.

Tuy khác ngành nghề, nhưng Giám đốc Công ty TNHH Giày Tuấn Việt Trần Văn Tắc nhìn nhận vấn đề từ góc độ của “người mua”. Theo đó, trong xuất khẩu da giày, yếu tố thành công lại chủ yếu phụ thuộc vào từng mặt hàng cụ thể và nhu cầu, sở thích của từng khách hàng, thị trường. Qua hàng chục năm làm hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài quan tâm chủ yếu về chất lượng sản phẩm, giá cả, thời gian giao hàng và phát triển mẫu mã sản phẩm. Do đó, để xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp phải tính toán làm sao chủ động được nguồn nguyên phụ liệu để đáp ứng được các yêu cầu này.

Tập trung cho mũi nhọn xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, Bộ Công thương cùng các bộ, ngành đang triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 25-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, thời gian tới, hy vọng có thêm nhiều mặt hàng xuất khẩu lớn theo hướng chú trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các nhóm giải pháp lớn để tạo nên môi trường thuận lợi cho việc gia tăng những sản phẩm mũi nhọn trong xuất khẩu. Song song với những giải pháp mang tính chiến lược về chính sách phát triển, công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư cũng phải được đổi mới. Mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp sẽ là đối tác. Chỉ như vậy, những thông tin về ngành hàng, thị trường và các vấn đề nổi bật; các vướng mắc, kinh nghiệm xử lý ở từng thị trường sẽ được chuyển tải nhanh nhất đến doanh nghiệp. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý, sẽ tạo đột phá mạnh mẽ trong công tác xúc tiến thương mại, tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia và xây dựng thương hiệu quốc gia cho một số mặt hàng nông sản.

Những chuyển động từ bộ máy quản lý nhà nước cho thấy quyết tâm tạo dựng các yếu tố cần và đủ cho việc thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trở nên khả thi. Nhưng điều ấy sẽ chỉ trở thành hiện thực khi chính các doanh nghiệp cũng chủ động ứng phó và bắt kịp với những đòi hỏi của thời cuộc, tận dụng tốt nhất những cơ hội từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tạo nên những sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn, có khả năng tác động đến thị trường quốc tế là điều không xa vời nếu bộ máy quản lý nhà nước và doanh nghiệp phối hợp ăn ý. Đó là lý do để mỗi chuyến công cán ra nước ngoài của các lãnh đạo cấp cao đều có thành viên đoàn là những doanh nghiệp Việt. Họ đi để tìm kiếm cơ hội, nhưng quan trọng hơn là tìm ra con đường để định danh sản phẩm Việt trên một thị trường chung đa sắc.

Thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực có dấu hiệu giảm mạnh. Nếu không kịp thời có những biện pháp điều hành xuất khẩu hiệu quả thì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm 2016 khó có thể hoàn thành.