Sức bật từ khu kinh tế ven biển

Những thành tựu đạt được của đất nước ta trong quá trình đổi mới nền kinh tế và hội nhập quốc tế có sự đóng góp rất lớn của các khu kinh tế (KKT) ven biển. Cả nước hiện có nhiều KKT ven biển được thành lập và quy hoạch; trong đó, Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai là KKT ven biển đầu tiên của cả nước, được thành lập vào năm 2003, với diện tích hơn 27.000 ha… Đây là nơi có không gian kinh tế mở, có tính kết nối cao, có môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra tiến độ thi công các dự án vùng ven biển tỉnh Quảng Nam.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra tiến độ thi công các dự án vùng ven biển tỉnh Quảng Nam.

Nhận thức được vai trò của KKT ven biển, nên ngay sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), Quảng Nam đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng ven biển phía đông nam của tỉnh và coi đây là vùng động lực trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, sau khi Khu KTM Chu Lai được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào năm 2003, Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo thực hiện bằng nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo và đạt được kết quả đáng kể. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục khẳng định Khu KTM Chu Lai và vùng ven biển phía đông nam của tỉnh là vùng động lực phát triển của tỉnh. Theo đó, năm 2016, Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 25-KL/TU về định hướng và giải pháp phát triển các nhóm dự án trọng điểm vùng đông nam của tỉnh; trong đó, đề ra bảy nhóm chương trình, dự án trọng điểm để phát triển Khu KTM Chu Lai và vùng đông nam của tỉnh, trên cơ sở đa dạng hóa các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị, dịch vụ, du lịch; gắn dự án động lực với các nhà đầu tư chiến lược.

Qua rà soát và đánh giá lại sau 15 năm xây dựng và phát triển, năm 2018, tỉnh Quảng Nam đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu KTM Chu Lai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg (ngày 1/12/2018). Qua đó xác định Khu KTM Chu Lai là KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực; là khu vực phát triển đô thị, trung tâm công nghiệp ô-tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô-tô, hàng không, trung tâm khí - điện và sản phẩm hóa dầu; công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao; trung tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch, dịch vụ gắn với việc khai thác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng biển Chu Lai - Kỳ Hà, là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương liên vùng và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền trung và Tây Nguyên.

Đáng nói, sau 18 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Khu KTM Chu Lai đã đạt được những kết quả nhất định, hệ thống hạ tầng kỹ thuật; trong đó, có hạ tầng giao thông kết nối được tập trung đầu tư. Sân bay Chu Lai đã được khôi phục, đưa vào khai thác với quy mô 1,7 triệu lượt hành khách/năm và được quy hoạch đến năm 2030 là sân bay quốc tế tại Quyết định số 236/QĐ-TTg (ngày 23/2/2018); cảng Kỳ Hà đã được đầu tư nâng cấp, tiếp nhận các tàu tải trọng 20 nghìn tấn và tổ chức được các tuyến vận tải quốc tế. Tuyến đường ven biển Võ Chí Công đã được đầu tư xây dựng, hoàn thành giai đoạn 1 kết nối thông suốt với Đà Nẵng, Quảng Ngãi; nối thông với quốc lộ 1A, đường sắt bắc - nam và tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất.

Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đăng ký và đầu tư trên địa bàn Khu KTM Chu Lai ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Đến nay, trên địa bàn Khu KTM Chu Lai đã thu hút 174 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 110 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 5 tỷ USD. Hiện đã có 112 dự án đang hoạt động; trong đó, có 46 dự án FDI, với tổng vốn 716,5 triệu USD, chiếm hơn 14,3% tổng vốn đầu tư. Hoạt động của các doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả cao, tạo ra các sản phẩm chủ lực như: Sản xuất và lắp ráp ô-tô của Công ty CP Ô-tô Trường Hải, nhóm dự án công nghiệp dệt may và hỗ trợ dệt may ở Khu công nghiệp Tam Thăng; nhóm dự án du lịch, dịch vụ ở Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, Khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An…

Tổng thu ngân sách phát sinh trên địa bàn Khu KTM Chu Lai đóng góp vào ngân sách tỉnh bình quân 65%/năm. Từ năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Khu KTM Chu Lai đã giải quyết việc làm thường xuyên và ổn định cho hơn 25 nghìn lao động; trong đó, có 90% lao động là người Quảng Nam... Những thành tựu kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Quảng Nam đạt được trong 24 năm tái lập tỉnh và kết quả đạt được tại Khu KTM Chu Lai thời gian qua tiếp tục là nền tảng quan trọng để huy động mạnh hơn các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng và triển vọng phát triển đó, những năm tới, nền kinh tế sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức. Hiện các quy định áp dụng trong KKT còn nhiều điểm chưa phù hợp, thậm chí vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bị điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành do chưa có luật riêng điều chỉnh các hoạt động trong KKT. Cơ chế, chính sách ưu đãi được ban hành chưa đủ sức cạnh tranh ở cấp khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, thương mại, du lịch và dịch vụ. Việc đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng cần nguồn lực lớn và thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược để phát triển KKT là yêu cầu đặt ra trong định hướng phát triển thời gian tới.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 7,5-8%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 từ 110-113 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển dịch vụ - du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu, ưu tiên những ngành có lợi thế để tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, tham gia vào chuỗi giá trị đa quốc gia. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GRDP giai đoạn 2020-2025 giảm từ 11% xuống còn 9,5-9,3%, các ngành phi nông nghiệp tăng từ 89% lên 90,5% vào năm 2025.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ huy động tổng hợp các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, có tính kết nối đồng bộ, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển trong KKT. Tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư trong nước và ra nước ngoài; trong đó, chú trọng vào các tập đoàn, tổng công ty lớn có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, có thương hiệu, tập trung vào thị trường trong nước và nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu... Ưu tiên các dự án có quy mô lớn, dự án sản xuất công nghiệp có các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao; các dự án có sản phẩm, dịch vụ đặc thù. Đẩy mạnh phát triển nhóm các dự án đô thị du lịch ven biển, ven sông; nhóm dự án sản xuất ô-tô và cơ khí đa dụng; nhóm các khu công nghiệp và khu công nghiệp công nghệ cao; nhóm dự án công nghiệp và dịch vụ hàng không; nhóm cảng biển và logistics Chu Lai; nhóm nông nghiệp hàng hóa an toàn ứng dụng công nghệ; trung tâm khí - điện và sản phẩm sau khí...

Để thực hiện chủ trương, định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế biển trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW (ngày 22/10/2018) của BCH Trung ương Đảng và phát huy vai trò của KKT ven biển trong hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Quảng Nam kiến nghị một số nội dung sau:

Thứ nhất, đề nghị Trung ương nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý đầu tư và phát triển cho KKT, theo hướng nâng khung pháp lý KKT từ Nghị định lên thành Luật để bảo đảm KKT có một khung pháp lý đủ mạnh, đồng bộ; đồng thời, giải quyết triệt để sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp luật, trong cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước về KKT nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý vận hành KKT và tương thích với yêu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, có cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững một số nhóm ngành, lĩnh vực là động lực trong các KKT như: Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp ô-tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô; phát triển các KCN công nghệ cao; KCN nông - lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách ưu đãi đầu tư và quy chế hoạt động của các khu phi thuế quan, dịch vụ logistics để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, chế biến hàng hóa và các hoạt động khác trong khu phi thuế quan.

Thứ ba, sân bay Chu Lai được quy hoạch là sân bay quốc tế, vận chuyển hành khách và trung chuyển hàng hóa quốc tế, sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, có điều kiện thuận lợi về quỹ đất sạch hơn 2.000 ha; đề nghị Trung ương sớm có cơ chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực đầu tư xây dựng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Chu Lai theo hình thức xã hội hóa và phát triển trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng không, đầu mối trung chuyển hàng hóa lớn trong khu vực. Đồng thời, cho phép đầu tư nạo vét luồng hàng hải 50.000 tấn; nạo vét sông Trường Giang từ nguồn vốn ngân sách kết hợp với nguồn vốn xã hội hóa.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm giải quyết các thủ tục liên quan và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khí - điện trong khu vực Khu KTM Chu Lai để thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm, đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ thu hút lao động, đào tạo nghề và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các KKT, đạt tiêu chuẩn khu vực, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Phát huy vai trò của KKT ven biển trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam sẽ nỗ lực cùng với cả nước tập trung triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; góp phần xây dựng nước ta trở thành một quốc gia cường thịnh trên thế giới về phát triển kinh tế ven biển.