Làn sóng mới

Năm 2021, những tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2020. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức đó, làn sóng chuyển đổi số lại diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Các doanh nghiệp Việt đang tích cực chuyển đổi số để thích ứng với xu thế phát triển. Ảnh: HẢI ĐĂNG
Các doanh nghiệp Việt đang tích cực chuyển đổi số để thích ứng với xu thế phát triển. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, gần như 100% số nhân viên của Fado-sàn thương mại điện tử xuyên biên giới-vẫn có thể làm việc ở nhà một cách đúng nghĩa, hiệu quả mà không bắt buộc phải có mặt ở trụ sở.

Để có được kết quả tích cực này, Fado một mặt hướng đến sự trải nghiệm cho người dùng, một mặt tập trung cải tiến các hoạt động hỗ trợ và ứng dụng cho chính đội ngũ vận hành của mình nhằm tăng hiệu suất hoạt động, giảm thao tác quản trị, vận hành; đặc biệt là số hóa gần như toàn bộ chứng từ để nhân viên vận hành không phải in ấn bất kể tài liệu nào phục vụ cho việc quản trị nội bộ. Triển khai các giải pháp để kết nối và khai thác dữ liệu giữa các chức năng trong hệ sinh thái, từ quản lý đơn hàng, hoạt động logistics, quản lý tài chính, nhân sự, đánh giá hiệu suất hoạt động của nhân viên,… cho đến những hoạt động quản trị nội bộ khác của từng thành viên trong hệ sinh thái.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc điều hành Fado miền bắc chia sẻ: "Đơn cử như việc đưa bộ mã Hscode của các mặt hàng thường xuyên được người dùng quan tâm đã giúp bộ phận quản lý đơn hàng luôn định vị chính xác sản phẩm; bộ phận marketing định vị chính xác nhóm từ khóa sản phẩm; bộ phận logistics có thể tra cứu và xác định trước dự kiến mức thuế nhập khẩu tiêu dùng của đơn hàng khi người dùng thực hiện giao dịch mua hàng để tư vấn các thủ tục liên quan. Chúng tôi đang tập trung việc hoàn thiện các giải pháp chuyển đổi số ở cấp độ cao hơn theo các mục tiêu, hướng đến sự trải nghiệm của khách hàng".

Hay câu chuyện chuyển đổi số, áp dụng các giải pháp công nghệ trong sản xuất-kinh doanh của Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Ðạt (V.Food). Trên mỗi quả trứng bình ổn giá mang thương hiệu V.Food đều có tem truy xuất nguồn gốc. Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR, khách hàng sẽ nắm được các thông tin về trại chăn nuôi, con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, tiêm phòng cho đến quy trình xử lý, đóng gói… Nếu khách hàng phản ánh về chất lượng trứng, công ty sẽ nhanh chóng tìm ra nguyên nhân trứng lỗi ở khâu nào và có phản hồi nhanh cho khách hàng. Nhờ công nghệ này, tỷ lệ hao hụt trứng của công ty giảm đến 70% so với trước. Nhờ chất lượng tốt, giá thành hợp lý, V.Food đang khẳng định được tên tuổi cũng như chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa, mỗi ngày cung ứng khoảng 800 nghìn quả trứng tươi, các loại trứng chế biến cho thị trường nội địa và hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Giám đốc V.Food Trương Chí Thiện chia sẻ: "Mặc dù tốn khá nhiều chi phí, nhưng doanh nghiệp cam kết không tăng giá bán. Dù lợi nhuận có giảm đi chút ít nhưng bù lại doanh số bán ra sẽ tốt hơn, và hơn nữa, giá trị của sản phẩm cũng được gia tăng".

Theo ông Lê Hữu Nguyên, Giám đốc Văn phòng Công ty cổ phần MISA tại TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp được xem như một cơ thể sống gồm các bộ phận: Sản xuất; Marketing-Bán hàng; Tài chính-Kế toán; Nhân sự; Điều hành và các đối tác bên ngoài doanh nghiệp. Trong đó, Tài chính-Kế toán được xem như xương sống, liên quan chặt chẽ đến số liệu của mọi phòng, ban. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các doanh nghiệp trong ứng dụng công cụ số vì nghiệp vụ phức tạp, khối lượng dữ liệu lớn và yêu cầu độ chính xác cao.

Nhìn chung, các doanh nghiệp đang chú trọng ưu tiên những giải pháp làm việc từ xa ở quy mô lớn, đầu tư cho an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử, cũng như tự động hóa quy trình.

Có thể thấy, trong nguy có cơ, chính dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thay đổi thói quen của người dân từ offline sang online. Nắm bắt kịp thời xu hướng để thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang đa kênh, tăng cường trải nghiệm trên không gian số và "online hóa" quy trình tác nghiệp sẽ là lời giải cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Chiến lược Công ty Công nghệ thông tin Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT-IT), khảo sát đối với lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy, hơn 80% nhìn nhận chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết và khoảng 65% dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số.