Phục hồi từ đại dịch

Gỡ khó nhà ở cho công nhân

Làn sóng dịch thứ tư và sự tháo chạy của người lao động khỏi các trung tâm sản xuất lớn đã cho thấy tính cấp thiết của bài toán "an cư" cho người lao động. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước hiện có 2,58 triệu m2 nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, chỉ đủ bố trí cho khoảng 330 nghìn người lao động, đạt tỷ lệ 13%. Sự bất cập trong các quy định của luật đang tạo điểm nghẽn cho phát triển nhà ở tại các khu công nghiệp.

Nhà lưu trú của công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận TP Hồ Chí Minh. Ảnh: SADECO
Nhà lưu trú của công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận TP Hồ Chí Minh. Ảnh: SADECO

Nguồn cung ít ỏi

Tỉnh Đồng Nai có tới 35 khu công nghiệp được quy hoạch. Đến nay, 32 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút doanh nghiệp từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư. Công nhân các khu công nghiệp khoảng 600 nghìn người, trong tổng số gần 1,25 triệu lao động trong và ngoài khu công nghiệp. Số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở hiện nay khoảng 330 nghìn người. Tuy nhiên, trong 83 dự án nhà ở công nhân, mới chỉ có 39 dự án của các doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng, bố trí cho gần 25 nghìn chỗ ở (khoảng 9%) nhu cầu về nhà ở của công nhân. Do đó, rất đông công nhân phải đi thuê trọ ở ngoài, không bảo đảm các điều kiện sinh hoạt, an ninh trật tự… Theo bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, dự kiến trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ có thêm một số khu công nghiệp thành lập mới đi vào hoạt động, thu hút thêm khoảng 450 nghìn lao động, do đó nhu cầu về nhà ở, ký túc xá cho công nhân tiếp tục tăng cao.

Còn đối với tỉnh Quảng Ninh, ông Đỗ Xuân Điệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Với phương châm "Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư"; tỉnh chủ trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút các dự án đầu tư, trong giai đoạn 2010 - 2020, Quảng Ninh đã triển khai một số dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp, gồm: Dự án khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hải Yên, phường Hải Yên, TP Móng Cái. Đang triển khai các thủ tục đầu tư ba dự án nhà ở công nhân với tổng diện tích gần 30 ha tại TP Hạ Long, thị xã Quảng Yên và huyện Hải Hà. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, trên địa bàn tỉnh vẫn có ít dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp được nghiên cứu, triển khai, chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân, người lao động.

Nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, Nhà nước phải bố trí được 9.000 tỷ đồng để tạo dựng nhà ở xã hội, nhưng hiện ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 mới có 2.163 tỷ đồng. Con số này chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhưng cái khó còn đến từ những vướng mắc trong cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Tại cuộc tọa đàm "Hạ tầng xã hội cho khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp" vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, hầu hết lãnh đạo của các doanh nghiệp đầu tư bất động sản bày tỏ: Cầu của thị trường là có, doanh nghiệp cũng rất tâm huyết đầu tư, nhưng khi bắt tay vào thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân thì gặp muôn vàn khó khăn.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng chia sẻ: Thực tế, quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội không khác nhà ở thương mại là bao, trong khi giá bán và lợi nhuận mang về lại thấp hơn nhiều. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cần sớm phối hợp các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Ông Điệp kiến nghị: "Các chính sách cần sửa đổi theo hướng coi nhà ở công nhân là một hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất".

Lý giải về sự không mặn mà của nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Phấn, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư - Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang chỉ ra các nguyên nhân như thu hồi vốn chậm, nguồn vốn ngân sách cho vay còn hạn chế trong khi thủ tục đầu tư đòi hỏi nhiều ràng buộc về đối tượng, điều kiện mua nhà, định mức lợi nhuận, nguồn vốn,…

Đồng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đánh giá: Bên cạnh câu chuyện tạo lập quỹ đất, rào cản thủ tục vẫn luôn là một trở ngại lớn. Thời gian qua, nhiều quy định liên quan tới phát triển khu công nghiệp đã được đổi mới và luật hóa, nhưng chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp vẫn chưa có tiến triển, thủ tục và quy trình xây dựng còn rất rườm rà do bị chi phối bởi pháp luật liên quan về nhà ở.

Sửa luật, "hút" đầu tư

Để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 với gói tín dụng 65 nghìn tỷ đồng. Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất các giải pháp và cơ chế, chính sách để "mở đường" cho nhà ở công nhân như về quy hoạch, quỹ đất, đề xuất ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê, bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng…

Theo pháp luật nhà ở hiện hành, chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở 2014. Để có được cơ chế hấp dẫn được các chủ đầu tư vào lĩnh vực này, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết: Bộ Xây dựng đang tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó, chính sách nhà ở cho công nhân được quy định theo hướng cụ thể hơn nhằm khuyến khích đầu tư phát triển, nhất là nhà cho công nhân thuê.

Giữ chân lao động từ việc an cư

Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, Chính phủ cần dành nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê tại những địa phương tập trung nhiều công nhân lao động, có sẵn quỹ đất xây dựng. Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị thí điểm cho Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại các thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Về lâu dài, cần sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản để thu hút và huy động được các nguồn lực trong xã hội cho việc xây nhà ở cho công nhân.

Ông NHẠC PHAN LINH, Phó Viện trưởng Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Cải cách thủ tục hành chính

Để phát triển thêm nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gần các khu công nghiệp, chính quyền các cấp cần đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và chủ đầu tư. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần có thêm các gói tín dụng với lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội thống nhất cùng một loại lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại, bởi việc phát triển dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân không thể thu hồi vốn nhanh, trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp và chủ đầu tư chỉ có hạn.

Ông PHẠM TIẾN DŨNG, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Cát Tường