Đường đến doanh nghiệp 4.0

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và tiếp đó trở thành doanh nghiệp số. Để phát triển bền vững ngành năng lượng, một hệ sinh thái số được xây dựng kết nối các đơn vị thành viên và các doanh nghiệp khác.

Dự kiến trong tháng 9 này, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) sẽ hoàn thành hệ thống Digital Office. Ảnh: NGỌC HÀ
Dự kiến trong tháng 9 này, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) sẽ hoàn thành hệ thống Digital Office. Ảnh: NGỌC HÀ

Theo Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong EVN, Tập đoàn xác định năm lĩnh vực chuyển đổi số gồm: sản xuất; kinh doanh và dịch vụ khách hàng; đầu tư xây dựng; quản trị nội bộ; viễn thông và công nghệ thông tin. Để thực hiện mục tiêu này, các hệ thống phần mềm dùng chung của EVN được Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) xây dựng một cách xuyên suốt và tích hợp các hoạt động tài chính, sản xuất, kinh doanh, tự động hóa của Công ty mẹ - Tập đoàn và các đơn vị thành viên, xây dựng hệ thống cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng khác nhau, hỗ trợ đắc lực cho việc ra quyết định của cấp quản lý các đơn vị thành viên, đồng thời cung cấp các thông tin cốt lõi cho cấp quản lý của tập đoàn. 

Với tầm nhìn, chiến lược của EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, các hệ thống phần mềm dùng chung (PMDC) nói riêng và các hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông và tự động hóa nói chung đóng vai trò hết sức quan trọng đối với công tác chuyển đổi số của EVN và các đơn vị, hướng đến các hoạt động của Tập đoàn được số hóa, chưa tự động thành tự động và ứng dụng công nghệ mới. Chính vì vậy, một trong những trọng tâm chính của Kế hoạch chuyển đổi số của EVNICT và của EVN là đến năm 2025, phải hoàn thành xây dựng và triển khai các ứng dụng phục vụ cho công tác chuyển đổi số của EVN, hoàn thành chuyển dịch các hệ thống phần mềm dùng chung lên môi trường EVN’s Cloud, chuyển đổi các ứng dụng sang kiến trúc MicroService và kiến trúc SOA, tập trung vào chín hệ thống phần mềm dùng chung gồm: hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP); hệ thống thông tin quản lý khách hàng sử dụng điện (CMIS); phần mềm quản lý đầu tư - xây dựng (IMIS); hệ thống phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện, lưới điện (PMIS); hệ thống quản lý nguồn nhân lực (HRMS); hệ thống văn phòng số (Digital Office), ứng dụng di động dành cho người lao động EVN (Smart EVN), báo cáo quản trị điều hành (BI); hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm (EVNHES). 

Dự kiến trong tháng 9 này, hoàn thành hệ thống Digital Office đối với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), đưa tổng số đơn vị được áp dụng lên con số 22 bao gồm cơ quan EVN và 21 đơn vị hạch toán phụ thuộc. Ngoài ra, triển khai module nhật ký thi công điện tử trong phạm vi hệ thống IMIS 2.0 nâng cấp; triển khai module báo cáo giao ban EVN trên nền tảng hệ thống báo cáo quản trị điều hành (BI). Các hệ thống/module phần mềm nâng cấp đã được các đơn vị đánh giá cao về mặt tính năng nghiệp vụ, hỗ trợ đắc lực cho người sử dụng. 

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành nhìn nhận, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng với EVN, là nền tảng tất yếu cho việc ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Yêu cầu chuyển đổi số sớm và thành công là nhiệm vụ cấp thiết, đồng thời cũng là giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.