Dư địa cho mô hình phát triển mới

Những thành tựu của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ, nhưng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang gợi ý cách tiếp cận mới đến động lực phát triển.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm thiết bị đầu cuối tại nhà máy VNPT Technology. Ảnh: Minh Quyết
Dây chuyền sản xuất sản phẩm thiết bị đầu cuối tại nhà máy VNPT Technology. Ảnh: Minh Quyết

Những quan ngại còn đó

Mỗi khi nhắc tới những thành tích tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong hơn 30 năm qua, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam thường nhắc đến cụm từ "rất tích cực". Trong những nghiên cứu của vị tiến sĩ, việc thay đổi phương thức phát triển - từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường - mở cửa là yếu tố quan trọng nhất, tích cực nhất. Vai trò của khu vực doanh nghiệp và động lực từ cơ chế phân bổ nguồn lực với những cơ hội mở dần cho kinh tế tư nhân lớn mạnh đã giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng "mất động lực tăng trưởng" kéo dài nhiều năm trước.

Ở thời điểm hiện nay, nhắc tới "động lực tăng trưởng mới", ông Thiên muốn ngụ ý, nền kinh tế đang cần động lực phát triển, chứ không chỉ tăng trưởng. Tuy vậy, nhà nghiên cứu cũng lưu ý, động lực phát triển của nền kinh tế đang có rất nhiều điều đáng phải lo lắng.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, sau 35 năm Việt Nam phát triển kinh tế thị trường, dù khu vực kinh tế tư nhân sản xuất hơn 40% GDP, nhưng trong đó, doanh nghiệp tư nhân (thành lập theo Luật Doanh nghiệp) chỉ đóng góp chưa đến 10%. Mặc dù đã có những doanh nghiệp quy mô lớn, đang góp phần tạo nên khung phát triển của nhiều ngành, địa phương, nhưng ông Thiên cũng như nhiều chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại về một khu vực tư nhân manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết.

"Không hề là tình cờ khi nhiều năm liền, số doanh nghiệp bất động sản, các trung tâm, tư vấn môi giới kinh doanh bất động sản và chứng khoán thường chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Một mô hình tăng trưởng "dễ dãi" - dựa vào khai thác các nguồn tài nguyên sẵn có, vào nguồn lao động thiếu kỹ năng, vào việc "bơm" tín dụng rẻ đã gây ra hệ lụy triệt tiêu động lực", ông Thiên nói. Thậm chí, tích hợp những yếu tố "tiêu cực" đó tất yếu dẫn đến một nền kinh tế mang nặng tính đầu cơ.

Thêm nữa, hai năm qua, hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn đã bị ngưng trệ. Năm 2021 chỉ cổ phần hóa được bốn doanh nghiệp, thoái vốn tại 18 đơn vị. Riêng từ đầu năm đến nay, chỉ có đúng một doanh nghiệp được cổ phần hóa, thoái vốn được 229 tỷ đồng.

"Nguồn lực nằm trong khu vực một thời lừng lẫy này rất lớn, song đang có tình trạng bất động do những thay đổi liên tục trong cơ chế, chính sách, tư duy điều hành khiến doanh nghiệp nhà nước không dám làm gì, không muốn làm gì vì sợ sai quy định", ông Thiên nhìn nhận.

Rõ ràng, nâng cao hiệu quả các nguồn lực và động lực truyền thống là không đủ trong bối cảnh mới của nền kinh tế.

Ðể doanh nghiệp Việt vươn tầm toàn cầu

Ông Tô Duy Thái, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang háo hức với Nghị quyết 68/2022/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội, được ban hành trong tháng 5 vừa qua.

Trong số nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, ông quan tâm đến một chỉ tiêu, đó là đạt được ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán hơn 1 tỷ USD. Trong đó, có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức hơn 5 tỷ USD.

VNPT là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về công nghệ thông tin, đang được kỳ vọng là một trong những con "sếu đầu đàn" dẫn dắt hành trình đổi mới của khoa học, công nghệ Việt Nam. Nhưng ở thế giới, năng lực cạnh tranh của VNPT vẫn bị hạn chế.

"Chúng tôi trông đợi sẽ có những cơ chế, chính sách đột phá để đưa khu vực doanh nghiệp nhà nước tham gia sân chơi của những tập đoàn toàn cầu, trong những lĩnh vực đổi mới, sáng tạo. Tôi tin là có cơ chế, VNPT chỉ mất khoảng 5 năm để gia nhập sân chơi này", ông Thái tự tin.

Nhưng với TS Trần Đình Thiên, câu chuyện không dừng lại ở đó. Ông nói, muốn nhìn thấy nhiều hơn nữa thương hiệu Việt trên sân chơi toàn cầu, dù đó là doanh nghiệp của tư nhân hay Nhà nước. "Chúng ta cần một lực lượng doanh nghiệp Việt thật sự mạnh", đây là điều TS Thiên luôn nhấn mạnh khi nói về mô hình phát triển mới.

Chia sẻ cùng mối quan tâm này, GS Trần Thọ Đạt muốn nhìn ở góc độ thực tiễn hơn. Đó là, khi kinh tế số mở ra không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế, đồng thời sẽ gợi ý cách tiếp cận đối với việc thay đổi động lực phát triển. "Việt Nam được dự báo có tiềm năng tăng trưởng kinh tế số lớn. Ở kịch bản thông thường, tới năm 2024, kinh tế số chiếm tới 10,5%; kịch bản nhanh là 19,9% và có thể tới 26,2% ở kịch bản đột phá. Nhưng câu hỏi là liệu Việt Nam đã sẵn sàng trở thành công xưởng thế giới về công nghệ số hay chưa?", giáo sư Đạt đặt vấn đề.

Điều khiến ông Trần Thọ Đạt quan ngại không chỉ là Việt Nam xếp hạng cuối trong khu vực về kỹ năng số hiện có của lực lượng lao động mà còn cả năng lực đổi mới sáng tạo cũng yếu, khung khổ pháp lý chưa đồng bộ...

"Chu kỳ đổi mới, sáng tạo bị rút ngắn trong nền kinh tế số, do đó doanh nghiệp có thể lỗi thời rất nhanh, vì vậy, để duy trì lợi thế, phát huy năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam phải đủ cả số lượng, động lực, động cơ theo đuổi các ý tưởng đột phá, sáng tạo", ông Thọ lưu ý.

Như vậy, nỗ lực của doanh nghiệp là một phần, nhưng để khơi thông nguồn lực, các chuyên gia kinh tế tiếp tục nhắc đến sự phát triển đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt quan tâm phát triển các thị trường nguồn lực đầu vào. Tiếp đó, là xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển theo tinh thần phục vụ thị trường, phục vụ doanh nghiệp, thể chế quản trị phát triển hiện đại, phù hợp các cam kết hội nhập.

Có lẽ cần nhắc lại ý kiến của TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương rằng, mô hình phát triển mới luôn gắn hiệu quả thị trường. Do đó, cần chú trọng đúng mức đến cách thức sử dụng nguồn lực trong, ngoài đi đôi với những ý tưởng phát triển. Cùng với đó là những biến chuyển mới về công nghệ, hội nhập, cách thức liên kết, kết nối sản xuất kinh doanh và quản trị rủi ro.

Đó cũng là hình ảnh mới của đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam.