Cần những quyết sách nhanh - mạnh

Những tình huống cấp bách của nền kinh tế trước tác động lớn và chưa có dấu hiệu kết thúc của Covid-19 đang cần các quyết sách nhanh và mạnh hơn nữa từ Chính phủ. Doanh nghiệp không chỉ cần được hỗ trợ về tài chính, mà còn cần đến sự linh hoạt nhưng thống nhất trong điều hành, nhất là các giải pháp phòng, chống dịch.

Xưởng may quần áo xuất khẩu của Tổng công ty May 10. Ảnh: Ðăng Khoa
Xưởng may quần áo xuất khẩu của Tổng công ty May 10. Ảnh: Ðăng Khoa

Tình huống cấp bách

Vài ngày sau khi Nghị quyết của Quốc hội khóa XV được ban hành với cơ chế đặc biệt dành cho Chính phủ trong quyết định các vấn đề liên quan phòng, chống Covid-19, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính dựa trên cơ sở Nghị quyết, khẩn trương hoàn thiện đề xuất các giải pháp tiếp theo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19. Thời hạn được đưa ra là trước ngày 10/8/2021.

Có thể hiểu, lần này, Bộ Tài chính có nhiều dư địa cho gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà bộ này đang nghiên cứu. Vì trong phiên giải trình trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm và các giải pháp cho sáu tháng tới, Bộ trưởng Tài chính Hồ Ðức Phớc đã nhắc đến gói hỗ trợ mới liên quan đến thuế, phí với giá trị khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, trong các đợt bùng dịch trước, nhiều khuyến nghị từ giới chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đã nhắc tới phương án giảm thuế suất thuế VAT, tạm dừng thời hiệu một số quy định được đưa ra trong các văn bản quy phạm pháp luật... Mới đây nhất, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian làm thêm trong giai đoạn Covid-19, do những quy định tại Luật Lao động 2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, số giờ làm thêm của người lao động trong một tháng không quá 40 giờ. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề thuộc về Quốc hội, nên Chính phủ chỉ có thể lên phương án và đợi Quốc hội cho ý kiến trong các kỳ họp.

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), bảy tháng năm 2021, cả nước có 79.673 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,5% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 40.251 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong bảy tháng năm 2021. Trong số này, TP Hồ Chí Minh có 12.071 doanh nghiệp. Ðây là kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong cùng kỳ tại "đầu tàu kinh tế" giai đoạn 2016 - 2021.

Số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, dịch Covid-19 đã làm hơn 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, phần lớn doanh nghiệp khác đều giảm từ 50% đến 90% doanh thu so thời điểm trước dịch bệnh...

Trong khi đó, những khó khăn bởi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các đơn hàng và sản lượng giảm mạnh, chi phí sản xuất tăng cao, cộng với đó là chi phí phòng ngừa Covid-19... vẫn chưa dừng lại.

Chỉ trong tháng 7/2021, hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ ban hành, nhằm hỗ trợ phần nào khó khăn của doanh nghiệp. Ðầu tháng 7/2021, Chính phủ đã có quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động nghỉ việc không lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc. Cuối tuần trước là quyết định giảm giá điện lần thứ tư cho các khách hàng sử dụng điện trong các khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ...

Ðòi hỏi linh hoạt trong điều hành

Cho đến thời điểm này, những ách tắc trong lưu thông hàng hóa do các địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch khác nhau cơ bản được giải quyết sau khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành Văn bản số 1015/TTg-CN chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19. Tinh thần của chỉ đạo này là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm kịp thời phục vụ cho các địa phương, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân trong vùng có dịch Covid-19.

Song, để có được sự thông thương này, nhiều doanh nghiệp gần như mắc kẹt khi nhiều xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất khẩu ách tắc nhiều giờ tại các chốt kiểm dịch. Nguyên nhân là cách làm, cách hiểu và diễn giải các quy định phòng, chống dịch còn khác nhau ở các địa phương. Có địa phương chấp nhận xét nghiệm nhanh, có địa phương yêu cầu lái xe có xét nghiệm PCR với thời hạn 72 giờ, có nơi yêu cầu 48 giờ, có địa phương chỉ chấp nhận xét nghiệm trong ngày...

Nhưng những khó khăn vẫn chưa dừng lại, khi chuỗi tiêu dùng và chuỗi xuất, nhập khẩu còn liên quan hoạt động của nhiều bộ phận khác.

Trong công văn vừa gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và một số hiệp hội doanh nghiệp đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát và áp dụng quy định, điều kiện đi lại thống nhất cho các nhóm nhân sự chuyên làm thủ tục xuất, nhập khẩu, nhân viên cảng, nhân viên bốc xếp...

"Cách làm có thể tương tự như nhóm vận chuyển hàng trong nội thành (shipper). Khi đó, doanh nghiệp sẽ chủ động các biện pháp quản lý, vừa bảo đảm công việc, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch", kiến nghị của Ban IV do Trưởng ban Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT ký gửi.

Bàn về điều gì là cần thiết trong hỗ trợ doanh nghiệp ở thời điểm này, ông Phan Ðức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, doanh nghiệp lưu ý đến sự linh hoạt nhưng thống nhất trong điều hành, nhất là các giải pháp phòng, chống dịch. "Phải để người dân, doanh nghiệp biết được khi đi từ A đến B, họ cần phải tuân thủ các điều kiện gì và làm thế nào để thực hiện được điều đó. Lúc này, mọi rào cản về thủ tục, chi phí và sự khác biệt làm khó doanh nghiệp cần phải được gỡ bỏ", ông Hiếu nhấn mạnh.

Trở lại văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp theo, ông đã yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá kỹ các giải pháp chính sách hỗ trợ đã thực hiện vừa qua để điều chỉnh, bổ sung về đối tượng thụ hưởng, nội dung chính sách, thời hạn thực hiện... bảo đảm các chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. "Ðồng thời lưu ý lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo.