Phục hồi từ đại dịch

Cần những quyết định đồng thuận, đột phá

Việc thảo luận về gói chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, quy mô của gói hỗ trợ nên ở mức nào, 1-2% GDP hay có thể tới 8-10% GDP... đang tạo mối quan tâm lớn, từ nhiều góc độ.

Quang cảnh phiên tọa đàm tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: Mỹ Hà
Quang cảnh phiên tọa đàm tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: Mỹ Hà

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế-xã hội nước ta, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp trong hai năm liên tiếp; nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về ổn định vĩ mô, sản xuất, kinh doanh, lao động-việc làm, an sinh xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội...

Trong bối cảnh đó, nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh, duy trì và ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính riêng năm 2021, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là khoảng 138.000 tỷ đồng, trong đó số tiền được miễn, giảm là 23.000 tỷ đồng, gia hạn là khoảng 115.000 tỷ đồng. Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm nhu cầu vốn vay của nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Ngoài ra, thực hiện các chính sách hỗ trợ giá điện, tiền điện, nước, viễn thông... cho doanh nghiệp, người dân.

Mặc dù những chính sách hỗ trợ nêu trên là rất kịp thời, có ý nghĩa nhưng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, cả tổng cung và tổng cầu bị suy giảm, là chưa đủ về phạm vi, quy mô để nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch. Đáng nói là, suy giảm kéo dài sẽ không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 hay 2022 mà ảnh hưởng tới các kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm...

Vấn đề đặt ra, nếu quy mô gói chính sách phục hồi và phát triển kinh tế không đủ lớn, tác động sẽ không rõ ràng và không ngăn chặn đà suy giảm, không bảo đảm an sinh xã hội và cuộc sống của nhóm người bị tác động mạnh do dịch bệnh, những hệ lụy tới nền kinh tế sẽ kéo dài. Nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu, thậm chí nguy cơ tụt hậu đang hiện hữu.

Nhưng nếu con số quá lớn, nguồn lực sẽ lấy ở đâu? Hơn thế, Việt Nam là nền kinh tế mở, áp lực lạm phát bên ngoài đang gia tăng do giá hàng hóa và nguyên liệu đầu vào nhập khẩu là khó tránh khỏi. Nếu như việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ trong nước thiếu cẩn trọng, gây ra lạm phát, nền kinh tế sẽ rơi vào tình huống chịu áp lực lạm phát kép từ cả bên trong và bên ngoài. Kéo theo đó, nợ xấu, bội chi ngân sách, nợ công cũng sẽ là những thách thức của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, các gói kích thích kinh tế sắp tới cần phải được tính toán và thực hiện để tránh được vấn đề này. Việc tính toán thực hiện các gói này phải theo hướng vừa bảo đảm kịp thời, lại vừa bảo đảm đủ liều lượng, quy mô và hiệu quả thật sự là bài toán rất khó.

Nhưng cũng phải nhắc lại, mục tiêu của các gói chính sách này phải bảo đảm không chỉ phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế mà quan trọng là thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7%/năm, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Có nghĩa là sẽ cần những đánh giá tổng thể, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với sự tham gia của các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Cùng với đó là các giải pháp thực hiện cũng cần theo hướng đột phá, sáng tạo, phù hợp những yêu cầu, đòi hỏi chưa có tiền lệ của nền kinh tế. Bài học có chính sách tốt, nhưng triển khai chậm của các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong hai năm qua vẫn còn.

Trong lúc này, cần đến sự phối hợp và cộng hưởng từ cả chính sách tài khóa và tiền tệ và hơn hết, điều hết sức ý nghĩa chính là sự vào cuộc đồng thuận với tinh thần đổi mới, đột phá và trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ vì sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Đó cũng chính là thông điệp được đưa ra tại "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức vào đầu tháng 12 vừa qua.