Cam kết bảo vệ nhà đầu tư

Được xếp vào nhóm những thị trường đem đến tỷ suất sinh lời cao nhất trên thế giới, tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước trên thị trường chứng khoán lên đến hơn 4,9 triệu tài khoản, xấp xỉ 5% dân số Việt Nam (sát mốc chỉ tiêu về tỷ lệ dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra). Tăng trưởng quá nhanh đi liền với mức độ vi phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán ngày càng phức tạp và tinh vi.

Việc lành mạnh hóa thị trường chứng khoán luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế. Ảnh: MINH PHÚ
Việc lành mạnh hóa thị trường chứng khoán luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế. Ảnh: MINH PHÚ

Hồi chuông cảnh báo

Lợi dụng sự cả tin, thiếu kiến thức, chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà quên đi quản trị rủi ro của các nhà đầu tư…, nhiều đội lái, nhóm chat trên mạng xã hội với hàng chục nghìn thành viên được lập ra để hô hào, kêu gọi nhà đầu tư mua bán cổ phiếu cụ thể, nhằm "lái" giá chứng khoán lên-xuống để thu lời bất chính. Ngoài khẩu vị là các mã cổ phiếu "đầu cơ" - cổ phiếu nóng, trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với lãi suất cao cũng trở thành tâm điểm săn lùng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, bên cạnh ghi nhận những tác động tích cực của trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đánh giá việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Mới đây cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết với tội danh thao túng thị trường chứng khoán và Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng với cáo buộc có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh như đã nêu trong hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Đây là hồi chuông cảnh báo với những nhà đầu tư dường như tin tưởng tuyệt đối vào những tư vấn của các môi giới. Sự dẫn dắt của admin trong nhóm chat vô hình trung đã tạo điều kiện cho hành vi thao túng giá dễ dàng phát triển. Còn đối với các nhà đầu tư mua trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, dường như từ lâu nay họ cảm thấy an tâm khi "gửi tiền" vào những doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ có lãi suất cao. Niềm tin này dựa vào uy tín của những công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại lớn có tiếng trên thị trường đứng ra "bảo chứng". Nhà đầu tư bỏ qua những rủi ro có thể xảy ra khi chủ thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ không có tài sản bảo đảm.

Bài học "hậu sự cố"

Sau khi cơ quan điều tra khởi tố một số vụ án liên quan vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đại diện Bộ Tài chính đăng đàn khẳng định, đây chỉ là những vụ việc đơn lẻ không phản ánh cho bức tranh chung của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên, trong các phiên giao dịch gần đây, dòng tiền lại bị co cụm, lệnh bán cổ phiếu liên tiếp "dội" ra khiến thị trường chứng khoán đã có nhiều phiên đỏ lửa. Tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư chịu tác động không nhỏ từ các tin giả, tin đồn trên mạng xã hội… Đơn cử trong hai tuần đầu tháng 4 (tính từ phiên giao dịch ngày 7/4 đến 18/4), chỉ số VN Index đã có sáu trong bảy phiên giảm điểm mạnh (ngoại trừ phiên ngày 13/4). Theo đó, chỉ số VN Index mất hơn 90 điểm (về sát ngưỡng 1.432 điểm) tại phiên ngày 18/4, với tình trạng giảm sâu của những mã cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán, ngân hàng… Nguyên nhân được các nhà đầu tư truyền tai là do việc siết trái phiếu của Chính phủ sẽ ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn, cũng như liên lụy cả những ngân hàng và công ty chứng khoán có liên quan.

Rõ ràng, thị trường chứng khoán ở Việt Nam vẫn cần được thúc đẩy phát triển mạnh, cần được bảo vệ, để cùng với hệ thống ngân hàng, trở thành yếu tố bảo đảm ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế hiệu quả nhất. Các cơ quan quản lý phải đặc biệt chú ý đến đặc điểm cố hữu là tính đầu cơ cao của thị trường này, để có các giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, mang tính chế tài có hiệu lực cao. Theo đó, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp cần được đặt trong một hệ thống quản trị chặt chẽ, mang tính công khai, minh bạch cao ngay từ đầu. Những "sự cố" cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp xảy ra vừa qua đòi hỏi cơ quan quản lý thị trường, các thành viên thị trường cần rà soát lại các vấn đề liên quan các thị trường này, đến cấu trúc hoạt động của hệ thống tài chính-ngân hàng và của hệ thống pháp luật liên quan.

Để bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục rà soát lại các cơ chế chính sách liên quan thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Yêu cầu đặt ra, việc sửa đổi phải phù hợp tình hình thực tiễn và hướng tới sự phát triển lành mạnh công khai, minh bạch thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chỉ như vậy mới bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư cũng như chủ trương chung của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và các giao dịch dân sự để bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh và kiểm soát chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có hai công điện, trong đó chỉ đạo nhiều biện pháp để bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cam kết giữ ổn định thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi đây là hai kênh dẫn vốn quan trọng bậc nhất của doanh nghiệp cùng với kênh vay ngân hàng. Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là bảo vệ các nhà đầu tư, củng cố hệ thống thể chế pháp luật theo hướng minh bạch.

Tính đến cuối năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 35,4% so cuối năm 2020; vốn hóa thị trường đạt 7.690 nghìn tỷ đồng, tăng 45,3% so năm 2020, tương đương 122,2% GDP. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng bùng nổ với tổng nguồn vốn huy động trong năm 2021 đạt khoảng 500 nghìn tỷ đồng, tăng gần 36% so năm 2020, chiếm tới 17% GDP.