Tạo dấu ấn du lịch Tết
Làng hoa Sa Đéc (thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vốn được mệnh danh là "thủ phủ hoa" ở đồng bằng sông Cửu Long, là điểm du lịch nổi tiếng. Với khoảng 950 ha đất trồng, hoa kiểng ở Sa Đéc có hơn 2.000 chủng loại, đặc biệt loài hoa cúc mâm xôi được trồng và tiêu thụ số lượng lớn, tập trung nhiều nhất ở phường Tân Quy Đông và xã Tân Khánh Đông.
Hiện tại, làng hoa Sa Đéc đã trồng hơn 100 ha hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán 2024 và Festival Hoa-Kiểng Sa Đéc lần thứ nhất năm 2023. Chỉ tay về cánh đồng hoa, bà Hồ Thị Lớn, ấp Khánh Nghĩa, xã Tân Khánh Đông, cho biết, gia đình bà có truyền thống trồng hoa kiểng hơn 20 năm nên rất nhiều kinh nghiệm từ kỹ thuật trồng cho đến thị trường tiêu thụ. Theo bà, do khan hiếm về giống, so năm trước thì năm nay gia đình xuống giống giảm khoảng 10%, chỉ trồng 1.500 chậu cúc mâm xôi hoa vàng phục vụ thị trường Tết. Hiện nay, cây được khoảng bốn tháng tuổi và đang chờ thương lái đến đặt hàng. Với thời tiết thuận lợi như hiện nay thì cây sẽ ra hoa đúng vào dịp Tết.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, Festival Hoa-Kiểng Sa Đéc lần thứ nhất năm 2023 với chủ đề "Tình đất-Tình hoa" dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 30/12/2023 đến 5/1/2024, tại Quảng trường thành phố Sa Đéc. Đến nay, có một số đơn vị trong nước và đến từ Nhật Bản, Hà Lan,... đã xác nhận tham gia trưng bày, triển lãm sản phẩm hoa kiểng tại Festival. Đây cũng được coi là dịp kích cầu du lịch tại địa phương này.
Cùng đó, nhiều địa phương đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, chỉnh trang đô thị, bãi biển, vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch,... để đón khách du lịch dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Thành phố Cần Thơ, trung tâm của miền Tây Nam Bộ chào đón Xuân mới với nhiều điểm tham quan luôn hút du khách, như: Đền thờ Vua Hùng; Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam; chùa Ông; nhà cổ Bình Thủy; cồn Sơn; chợ nổi Cái Răng... Cũng tại Cần Thơ, Làng du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) rộng hơn 30 ha được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long, vào dịp lễ, Tết hằng năm, có ngày Làng du lịch Mỹ Khánh đón hơn 1.000 lượt du khách trong và ngoài nước. Chuẩn bị đón năm mới 2024, Làng tiếp tục đổi mới, đa dạng sản phẩm, phục vụ du khách nhiều chương trình tham quan, trải nghiệm hấp dẫn như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật chủ đề "Chất vị quê hương", Ngày hội "Đặc sản miền Tây", khu chợ ẩm thực mang tên "Chợ quê" giới thiệu đặc sản vùng miền, nghệ nhân hướng dẫn cách sản xuất, chế biến nhiều loại đặc sản của địa phương.
Theo Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, một số đường bay đến từ các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Hồng Công (Trung Quốc) đến Phú Quốc đã tăng chuyến. Đặc biệt, từ sau nửa cuối tháng 1/2024, nhiều thị trường như Trung Quốc, Mông Cổ,... có chuyến bay đến đảo ngọc nên kỳ vọng nửa cuối tháng 12/2023 và đầu năm mới 2024, lượng khách quốc tế đến Phú Quốc tăng mạnh trở lại, thị trường du lịch sẽ sôi động, khởi sắc hơn.
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Kiên Giang chia sẻ: Dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm nay, nhiều doanh nghiệp tại đảo ngọc Phú Quốc đưa ra những gói kích cầu, thu hút khách như giảm giá phòng nghỉ; mua vé tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, trải nghiệm được tặng ẩm thực, ưu đãi, khuyến mãi về giá cả, sản phẩm du lịch-dịch vụ tốt... Thành phố tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả dịch vụ du lịch, phương tiện giao thông, ca-nô, du thuyền,... phục vụ khách du lịch đến đảo.
Trở ngại cho du lịch đảo ngọc là giá vé máy bay nội địa đến Phú Quốc hiện còn ở mức cao, các chuyến bay từ Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng đến Phú Quốc tạm ngưng nhiều tháng qua chưa hoạt động trở lại để phục vụ du khách trong nước tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng dịp cuối năm nay và đầu năm mới 2024.
Liên kết để cùng phát triển
Nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương ngoài tăng chất lượng dịch vụ sản phẩm thì cần kích cầu du lịch, tăng cường hoạt động kết nối, liên kết với các vùng trong cả nước, đặc biệt với Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó giúp đa dạng sản phẩm du lịch, kết nối các chuỗi cung ứng dịch vụ.
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, năm 2023 lượng khách du lịch nội địa vẫn chiếm ưu thế trong trải nghiệm văn hóa, sinh thái, sông nước miệt vườn và thưởng thức ẩm thực Nam Bộ, được khai thác chủ yếu bởi các doanh nghiệp du lịch-lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 2,7 triệu lượt khách du lịch về khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất là tiếp cận điểm đến còn nhiều giới hạn, nhất là hạ tầng giao thông, nên khó kêu gọi được nhà đầu tư có tiềm lực. Cần hợp tác theo phương châm "muốn đi xa thì phải đi cùng với nhau", cùng nhau kết nối, phát huy thế mạnh của từng địa phương, làm sao để khách đến nhiều hơn, hài lòng hơn…
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nguồn tài nguyên văn hóa là kho tàng lễ hội phong phú, thể hiện đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long này vẫn chưa được khai thác hợp lý. Do đó, các địa phương cần chú trọng phổ biến, trình diễn các loại hình lễ hội đặc sắc trong cộng đồng dân cư, tạo sức sống lâu bền, lan tỏa các giá trị văn hóa để mỗi người dân địa phương là một "đại sứ lễ hội", nắm được nội dung cốt lõi của lễ hội truyền thống cùng kỹ năng thực hành, trình diễn các nghi thức để giới thiệu đến du khách, bè bạn gần xa.