Tại phiên họp, khi đóng góp ý kiến, nhiều đại biểu Quốc hội đã dẫn chứng ngay một số vấn đề, sự cố liên quan nhà giáo, giáo viên thời gian gần đây như: tình trạng lạm thu, bạo lực học đường, đạo đức nhà giáo, hình ảnh người thầy trong môi trường sư phạm… cho thấy tính cấp thiết của một dự án luật, góp phần định danh một nghề nghiệp cao quý.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đây là luật chuyên ngành khó, nhiều nội dung mới, tác động rộng và có ảnh hưởng lớn. Vì thế, trong quá trình xây dựng Luật từ nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến rộng rãi.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm rõ thêm về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; cập nhật cấu trúc và các nội dung chính sách trong dự thảo Luật, bổ sung nguồn lực về tài chính, ngân sách thực hiện.
Ở dự thảo Luật lần này, nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với cơ quan soạn thảo vì đã bổ sung một số quy định về cách đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá năng lực nhà giáo, quyết định tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, thăng chức, tăng lương, khen thưởng,... nhằm "lượng hóa" đóng góp của các thầy, cô giáo trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm cho việc đánh giá công bằng, minh bạch hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật cũng cho rằng, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn hơn; chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không quy định các nội dung đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành khác; đưa các nội dung chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng hoặc các vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao ra khỏi dự thảo Luật. Ông nhấn mạnh, hồ sơ dự án Luật sau khi chỉnh lý cơ bản đáp ứng điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Góp ý kiến vào một số nội dung cụ thể, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, xác định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo, nhất là chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo, chính sách bảo đảm chỗ ở tập thể hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở và các điều kiện thiết yếu khi đến công tác ở vùng khó khăn.
Trực tiếp góp ý vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát quy định hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo tại Điều 7 dự thảo Luật để phù hợp với quy định tại các Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp; rà soát quy định về chế độ tập sự hoặc thử việc để phù hợp quy định về tập sự tại Luật Viên chức năm 2010 hay quy định về chế độ thử việc tại Bộ luật Lao động năm 2019; rà soát quy định về điều động nhà giáo, biệt phái nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập tại dự thảo Luật để phù hợp với quy định tại Luật Viên chức và Luật Cán bộ, công chức, vì đây là một loại viên chức có tính chất đặc biệt.
Dự thảo Luật Nhà giáo được đưa ra lấy ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV sẽ được hoàn thiện, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, phấn đấu xây dựng dự án Luật trở thành một luật mẫu về đổi mới tư duy xây dựng luật, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới; bảo đảm một dự luật ngắn, gọn, rõ, đúng thẩm quyền và sau khi ban hành sớm đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, thực tiễn thì vô cùng phong phú, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra chưa được nội dung dự luật bao quát, như việc quy định phân tách nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập ra sao; định danh người thầy trong bối cảnh hiện đại thế nào; làm sao để quản lý, định vị nhà giáo theo luật mà không gây bó buộc, cản trở hoạt động nghề nghiệp chính đáng; đồng thời cũng không thả nổi, tạo kẽ hở pháp luật và có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lợi dụng, lạm dụng danh hiệu nhà giáo, vi phạm đạo đức nghề nghiệp,… để nhà giáo thật sự là một danh vị cao quý, được pháp luật bảo vệ, xã hội tôn vinh.