Trợ lực cho ngư dân vươn khơi mùa biển động

Mùa biển động, thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, có năm kéo dài hơn. Đây là khoảng thời gian thường xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Với kinh nghiệm của không ít ngư dân, khai thác mùa biển động dễ "gặp lộc" hơn, song cũng nhiều rủi ro hơn.
Cần nhiều hơn nữa chính sách phát triển nghề cá, hỗ trợ ngư dân vươn khơi. Ảnh: NGUYỄN LÂN
Cần nhiều hơn nữa chính sách phát triển nghề cá, hỗ trợ ngư dân vươn khơi. Ảnh: NGUYỄN LÂN

Hợp tác, an toàn

Hơn 25 năm bám biển, ngư dân Huỳnh Văn Động ở xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) không nhớ hết mình đã có bao nhiêu hành trình "ăn sóng nói gió". Để có những chuyến vươn khơi an toàn, thu lượm được thành công, cùng với sự nỗ lực của bản thân, anh và các thành viên trên tàu cũng phải nhờ sự hỗ trợ từ "Tổ tự quản tàu thuyền an toàn". Đây là mô hình được thành lập từ nhu cầu giúp đỡ nhau trong một khu dân cư, hay xã/phường có nhóm hoặc nhiều tàu khai thác. Các thành viên, chủ tàu có trách nhiệm giúp đỡ nhau trong sản xuất, bảo vệ tài sản, đồng thời nâng cao ý thức giữ gìn chủ quyền lãnh hải quốc gia. Anh Động tâm sự: "Ngày xưa chỉ quen đánh bắt nhỏ lẻ, nay ngư dân muốn đánh bắt chuyên nghiệp thì phải đầu tư tàu lớn, phải có sự đỡ đần nhau nhằm vượt qua khó khăn do thời tiết, hoặc các sự cố trên biển…".

Đứng trên con tàu 500CV đang neo trong vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, ông Huỳnh Sơn chia sẻ: "Ngư dân có kinh nghiệm thì nhìn con nước để đoán thời tiết, đồng thời theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông mà lựa thời điểm ra khơi. Nhưng tinh thần đoàn kết, làm việc theo nhóm, tổ chức, nghiệp đoàn nghề cá là rất quan trọng để mỗi tàu, thuyền không bị cô lập ngoài khơi xa".

Đến nay, huyện Lý Sơn đã thành lập và duy trì 23 "Tổ tự quản tàu thuyền an toàn". Tại các xã ven biển thuộc thành phố Quảng Ngãi, mô hình này cũng được tổ chức và hoạt động rất hiệu quả. Đại tá Trần Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, thông tin: Quảng Ngãi có hơn 4.200 phương tiện khai thác hải sản, trong đó có 1.743 phương tiện thường xuyên đánh bắt xa bờ trong thời gian dài. Từ năm 2023 đến nay, địa phương xảy ra nhiều vụ thiên tai, tai nạn, khiến 40 tàu cá bị chìm, cháy, hư hỏng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu thành lập được 97 "Tổ tự quản tàu thuyền an toàn". Các tổ tự quản luôn sẵn sàng cùng bộ đội biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trên biển; ngư dân thường xuyên cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng khi phát hiện tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam.

Tạo hướng đi bền vững, chuyên nghiệp

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi. Trong đó có Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Từ đây, ngân hàng, Kho bạc Nhà nước ở các tỉnh, thành phố ven biển đã đồng hành cùng các ngư dân, giúp họ tiếp cận nhanh chính sách, các khoản hỗ trợ, mạnh dạn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá để khai thác hiệu quả hơn.

Trong mỗi chuyến đi biển, việc bảo đảm thông tin liên lạc là vô cùng quan trọng, nhất là mùa mưa bão, giúp các tàu cá có thể liên hệ thuận lợi với cơ quan chức năng và giữa các tàu khai thác. Nhiều địa phương đã hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, hỗ trợ tiền cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình... Anh Phạm Văn Tuyển (chủ tàu QB 91999 TS), trú tại Đồng Hới (Quảng Bình) tâm sự: "Trên mỗi hành trình, với ngư dân dù nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng đáng quý. Khi hỗ trợ cho ngư dân máy thông tin liên lạc, dịch vụ giám sát, đó cũng là cách để cơ quan chức năng kiểm soát tàu thuyền, chống khai thác bất hợp pháp và không khai báo. Các Tổ tự quản tàu thuyền an toàn cũng thuận tiện hơn trong công việc".

Thời tiết nói chung và thời tiết trên biển nói riêng luôn diễn biến phức tạp, khó lường, do đó các cơ quan chức năng và các địa phương cần thường xuyên phối hợp cập nhật cảnh báo thông tin kịp thời về tình hình thời tiết xấu trên biển, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trên biển và đất liền; tổ chức thông báo các địa điểm neo đậu, tránh trú bão an toàn cho các tàu, thuyền. Cùng đó, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của các trạm giám sát tàu cá, bố trí đầy đủ cán bộ trực để thông tin, cảnh báo diễn biến thời tiết cho ngư dân đang hoạt động trên biển và tiếp nhận các thông tin khẩn cấp liên quan đến các sự cố trên biển. Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, đơn vị sẽ nỗ lực hỗ trợ giúp ngư dân vươn khơi, phát triển kinh tế biển, đồng thời thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn, yêu cầu di chuyển tàu cá nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển nước ta.

Về lâu dài, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Nhà nước đã thực hiện rất nhiều chính sách hỗ trợ, giúp ngư dân vươn khơi, song vẫn cần thêm các giải pháp có tầm nhìn dài hạn. "Chúng ta phải tiếp tục nâng tầm, hiện đại hóa ngành khai thác hải sản, phát triển nuôi biển và hình thành những cụm nuôi biển lớn, đó là hướng đi bền vững cho ngư dân", ông Dũng nhấn mạnh.

Số liệu của Bộ đội Biên phòng Việt Nam cho thấy, cả nước hiện đã thành lập được 3.219 "Tổ tự quản tàu thuyền an toàn", với 77.134 thành viên, 916 bến bãi an toàn. Nhiều tỉnh, thành phố xây dựng tốt mô hình như: Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng...