Điểm nóng dân sinh

Cần cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xanh

Theo Bộ Xây dựng, dù nguồn cung khan hiếm kéo dài, nhưng thời gian tới việc phát triển nhà ở phải bảo đảm không gian sống xanh, tiết kiệm năng lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Cả nước mới có khoảng 500 công trình xanh. Nguồn: ITN
Cả nước mới có khoảng 500 công trình xanh. Nguồn: ITN

Đại diện Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết, ngành xây dựng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng, với hơn 30% lượng khí thải trên toàn cầu. Đó cũng là một tác nhân gây biến đổi khí hậu, dẫn đến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lốc xoáy và giông bão mạnh... Vì thế, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không chỉ đề ra các giải pháp phát triển số lượng nhà ở, mà còn quan tâm đến nâng cao chất lượng sống theo hướng phát triển không gian sống xanh, bền vững, phát thải thấp.

Thống kê đến hết quý III/2024, cả nước có khoảng 500 công trình xanh, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 12 triệu m2. Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh đang gặp nhiều khó khăn, rào cản, như: thiếu chứng nhận về vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn sâu về công trình xanh, nhận thức của chủ đầu tư, khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh cũng hạn chế…

Nhiều chuyên gia cho rằng, dù chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã có quan điểm về phát triển nhà ở tiết kiệm năng lượng, nhưng do nhận thức về bảo vệ môi trường, hiệu quả năng lượng khi phát triển nhà ở chưa đầy đủ, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, đặc biệt chi phí xây dựng công trình nhà ở có không gian xanh, tiết kiệm năng lượng thường cao hơn chi phí nhà ở thông thường 1 - 2%, nên chủ đầu tư và người thuê, thuê mua, mua nhà ở ít quan tâm đến tiêu chí xanh của công trình nhà ở.

Phát triển nhà ở không gian xanh, tiết kiệm năng lượng, cần nghiên cứu, ban hành, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế nhà ở; kỹ thuật, công nghệ xây dựng mới hướng tới nâng cao chất lượng ở, phù hợp với xu hướng phát triển nhà ở xanh, bền vững, thông minh, ứng dụng công nghệ số. Ngoài ra, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xanh, tiết kiệm năng lượng, phát thải thấp và ứng dụng công nghệ số.

Chuyển đổi xanh công trình xây dựng cần phải được ráo riết thực hiện bằng những chương trình theo định hướng cụ thể, rõ ràng, có định lượng, và việc đánh giá phải được ràng buộc pháp lý chặt chẽ.