Kiểm kê những… nguy cơ
Ngày 23/10 vừa qua xảy ra vụ cháy nghiêm trọng tại chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) gây xôn xao và để lại nỗi xót xa trong nhân dân. Vụ cháy đã làm tòa tam bảo, 27 pho tượng Phật bị thiêu rụi hoàn toàn; Bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá xanh bị vỡ cánh hoa và nhiều cơ sở vật chất trong chùa bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 25 tỷ đồng. Ngay sau đó, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã phối hợp lực lượng chức năng tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân và cố gắng khắc phục hậu quả.
Theo lãnh đạo địa phương, chùa Phổ Quang được xây dựng cách đây hơn 800 năm, được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1980, lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị, đặc biệt là bàn thờ Phật bằng đá từ thời Trần với họa tiết hoa văn độc đáo, được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2021.
Trước đó, chiều 22/9 đã xảy ra vụ cháy chùa Vạn Phật (tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai). Vụ cháy làm hư hại nghiêm trọng khu điện chính và các gian nhà lân cận. Các cấu trúc gỗ như cột kèo, trụ, tượng và những thành phần dễ cháy như vải, nhựa hầu như đã bị cháy hoàn toàn.
Ở nhiều địa phương khác cũng từng xảy ra sự việc nghiêm trọng, như vụ cháy chùa Thuyền Lâm (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế); vụ cháy Đền Phụ Quốc ở thôn Tam Tảo (Tiên Du, Bắc Ninh)… Hà Nội - một trong những địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa - cũng từng xảy ra vụ cháy chùa Hòa Phúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai; đền Tam Quan Lâm Du, phường Bồ Đề, quận Long Biên; hay chùa Cự Đà (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm)…
Nguyên nhân chủ yếu xảy ra cháy, nổ ở các di tích nói chung được xác định là do chập điện, đổ nến đang cháy dở, thắp hương… Thiếu tá Hoàng Đức Mạnh, Phó Đội trưởng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội), chỉ ra: "Các di tích là những nơi tiềm ẩn nguy cơ do phần lớn làm từ gỗ, nhiều đồ trang trí được làm bằng vải, giấy. Chưa kể, hệ thống điện do sử dụng nhiều năm đã xuống cấp…".
"Thường các vụ hỏa hoạn đều gây thiệt hại lớn đối với di tích, trong đó nhiều di tích lâu đời, có hiện vật, bảo vật quý hiếm, một khi mất đi sẽ không bao giờ làm lại được. Do đó, các di tích trên toàn quốc phải được kiểm kê lại tất cả các nguy cơ, từ đó có biện pháp hiệu quả", nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ nhấn mạnh.
Tăng trách nhiệm quản lý
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng: Một trong những giải pháp quan trọng là các khu di tích tuyệt đối không tùy tiện đấu nối thêm ổ điện, đường điện phục vụ nhu cầu trông giữ phương tiện, nhu cầu lễ hội, tập trung đông người… Bởi, việc đấu nối thêm rất dễ dẫn đến quá tải đường điện. Ông Nguyễn Thông, hậu duệ đời thứ 18 của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, thủ từ đền thờ Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, Thường Tín (Hà Nội) nêu giải pháp: Tại các di tích, bãi giữ xe phải bảo đảm khoảng cách hợp lý, không sử dụng ngọn lửa trần, đun nấu tại bãi đỗ xe của di tích…
Hưng Yên là một trong những địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phòng chống cháy, nổ trong các di tích. Để chủ động bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, ban quản lý của nhiều di tích đã phối hợp lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn. Các di tích đều bố trí lư hương ngay khu vực bên ngoài rộng rãi, thông thoáng nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Hưng Yên) khuyến cáo: Ban quản lý các di tích cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành về phòng cháy, chữa cháy cho những người làm việc phục vụ tại chỗ và du khách. Đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải tuân thủ nghiêm các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy; bố trí khu vực tồn chứa, sử dụng chất dễ cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt xa khu vực kinh doanh vàng mã.
Điều đáng nói, những năm qua, người chịu trách nhiệm trong các vụ cháy chưa được làm rõ. KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu vấn đề: "Các di tích đình, chùa là sản phẩm của nhân dân, nhưng khi được xếp hạng di tích thì chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước. Bởi thế, sau những vụ cháy vừa qua, trách nhiệm quản lý phải được nâng lên. Ngay lúc này, cần phân công rõ việc, rõ người, chuyên nghiệp hóa quản lý di tích đình, chùa".
Một điều khác nữa, cần phòng từ xa nguy cơ lợi dụng cháy di tích để đánh tráo, lấy trộm cổ vật mang bán. "Theo tôi, với những bảo vật quốc gia được công nhận phải có phương án bảo vệ nghiêm ngặt. Nếu ở những nơi có nguy cơ, nên làm tiêu bản để trưng bày, còn hiện vật thật phải được lưu giữ ở nơi an toàn hơn", KTS Phạm Thanh Tùng kiến nghị.
Di tích, đền chùa không vô chủ, không được phép vô chủ. Một hòm công đức có rất nhiều cấp quản lý, thế còn khi xảy ra cháy di tích, thì ai chịu trách nhiệm? Chúng ta phải làm rõ vấn đề này, bởi hiện nay đang thiếu chế tài xử lý trách nhiệm các vụ cháy" - KTS Phạm Thanh Tùng