Hành trình về đích “nông thôn mới nâng cao”

Sau bốn năm kể từ khi đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã không ngừng nỗ lực vươn lên để phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh vào năm 2025.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các cơ quan chức năng huyện Tân Yên bàn giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Đại diện các cơ quan chức năng huyện Tân Yên bàn giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.

Bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng tiêu chí

Theo Bộ tiêu chí quốc gia, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 phải bảo đảm các yêu cầu: Là huyện chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 50% số xã đạt nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện đạt từ 95% trở lên. Đặc biệt, huyện cần hoàn thành chín tiêu chí với 38 chỉ tiêu. Đó là các tiêu chí: Quy hoạch; giao thông; thủy lợi và phòng, chống thiên tai; điện; y tế-văn hóa-giáo dục; kinh tế; môi trường; chất lượng cuộc sống; an ninh, trật tự-hành chính công.

Để thực hiện các tiêu chí bảo đảm tiến độ, chất lượng, huyện đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình đề ra; thành lập Ban chỉ đạo để chủ động kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Đặc biệt, huyện tập trung cao huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí.

Ba năm gần đây, địa phương đã bố trí 172 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương phân bổ, tỉnh hỗ trợ, ngân sách địa phương và huy động sức dân để ưu tiên hoàn thiện các tiêu chí nâng cao. Nhờ đó, đến hết năm 2023 toàn huyện có 20/20 xã nông thôn mới, trong đó có 10 xã nâng cao, hai xã kiểu mẫu; phấn đấu đến hết năm 2024 có 14 xã nâng cao, ba xã kiểu mẫu (sau sáp nhập sẽ còn 13 xã nâng cao, ba xã kiểu mẫu), bảo đảm hoàn thành 100% các chỉ tiêu, tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Hành trình về đích “nông thôn mới nâng cao” ảnh 1

Ủy ban nhân dân xã Ngọc Vân tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập xã và đón nhận cờ thi đua của Chính phủ và công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ảnh: HOÀNG HIỆU

Đổi mới cách làm, cách tuyên truyền

Về mức độ hoàn thành các mục tiêu chính, đối với cấp huyện, ước thực hiện đến hết năm 2024, huyện Tân Yên cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí đối với huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Đối với cấp xã, huyện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao Cao Xá, Liên Chung, xã nông thôn mới kiểu mẫu Hợp Đức dự kiến trước ngày 15/11/2024 hoàn thành hồ sơ, báo cáo thẩm tra của huyện trình Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định; xã nông thôn mới nâng cao Ngọc Thiện, Việt Ngọc dự kiến trước ngày 31/12/2024 hoàn thành hồ sơ, báo cáo thẩm tra của huyện trình Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định. Đối với cấp thôn: Số thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu 15/16 thôn, đạt 93,75% kế hoạch năm 2024, nâng tổng số thôn kiểu mẫu trên địa bàn huyện là 73 thôn, ba “thôn thông minh” (Đồng Sen xã Việt Lập; thôn Hòa Minh xã Hợp Đức; thôn Lân Thịnh xã Phúc Hòa).

Theo ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Yên, thời gian tới tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc đồng thuận của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tập trung cao công tác tuyên truyền; trọng tâm tuyên truyền các mô hình tốt, cách làm hay; đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về vai trò, lợi ích thiết thực của việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhằm huy động tối đa sự tham gia đóng góp cả về trí tuệ, công sức và nguồn lực của người dân. Đối với cấp xã, phải phát động các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới để người dân tích cực tham gia hưởng ứng. Thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, đồng thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong các phong trào xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo lãnh đạo huyện Tân Yên, cần đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của các doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”. Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có sự giám sát của cộng đồng theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân góp vốn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và hưởng thụ”.

Với quyết tâm cao và lộ trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, tin tưởng rằng, Tân Yên sẽ rút ngắn hành trình, sớm cán đích huyện nông thôn mới nâng cao.