Khẩn trương khắc phục thiệt hại và cứu trợ
Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là nơi bị ngập nặng nhất sau cơn bão Trami (bão số 6). Đến tối ngày 29/10, theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, mưa lũ đã khiến 32.885 nhà dân bị ngập, chia cắt 43 thôn bản, 14 tuyến đường giao thông bị ngập…
Chỉ riêng xã Liên Thủy (huyện Lệ Thủy) có đến hơn 3.000 hộ dân bị ngập lũ. Nhìn từ trên cao, cả xã như ở giữa biển hồ. Hộ ngập sâu nhất đến hơn 2,5 m. Ông Nguyễn Văn Tùng, trú thôn Phú Thọ, xã An Thủy nói, nhà mình thuộc dạng cao của thôn nhưng nước vẫn vào nhà tầm 1m. Theo ông Tùng, Phú Thọ là nơi thấp trũng nhất của xã An Thủy. Những nhà chung quanh đều ngập nước, nhà sâu nhất lên hơn 2m. May mắn là dân ở đây đã có kinh nghiệm đối phó với lũ, nên đã kịp kê đồ đạc cao lên từ trước, nếu không đêm nước về thiệt hại nặng hơn.
Những ngày qua, nhiều đội cứu hộ đã có mặt tại vùng lụt Lệ Thủy để giúp đỡ người dân, tiếp tế thực phẩm khi nước lũ trên sông Kiến Giang dâng cao, cô lập nhiều khu vực. Chiều ngày 29/10, Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, huyện thành lập Ban tiếp nhận cứu trợ tại hai điểm là ngã tư Cam Liên trên Quốc lộ 1 (thuộc xã Cam Thủy) và tại chợ Động (xã Mai Thủy) làm nhiệm vụ tiếp nhận và phân phối nhu yếu phẩm, lương thực, nước uống của các đoàn cứu trợ về cho dân vùng lũ các xã.
"Để phục vụ vận chuyển hàng cứu trợ từ hai điểm tiếp nhận này, huyện đã huy động 10 thuyền của ngư dân vùng biển các xã Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy. Những thuyền biển này đã có kinh nghiệm đưa hàng cứu trợ vào vùng lũ từ trận lũ năm 2020. Khi đó họ từng được mệnh danh là "đội thuyền nghĩa hiệp". Các thuyền sẽ luân phiên túc trực ở hai điểm tiếp nhận rồi chở vào vùng lũ cho dân", ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy, cho biết.
Với diễn biến lũ lụt phức tạp, tỉnh Quảng Bình đã huy động các lực lượng thuộc quân đội, công an, Biên phòng và hơn 1.800 thành viên thuộc lực lượng xung kích phòng chống thiên tai các xã; 519 cano của huyện, công an, quân sự, biên phòng, của xã, thôn... hỗ trợ, ứng cứu các điểm bị cô lập, bị chia cắt, không tiếp cận được.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng yêu cầu các ngành, đơn vị và địa phương tiếp tục bám sát diễn biến ảnh hưởng của bão Trami, chủ động ứng phó với các hình thế thời tiết, chính quyền địa phương các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả; triển khai tốt phương châm "4 tại chỗ", tuyệt đối không chủ quan, lơ là, triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói, khát… Bên cạnh đó, khẩn trương khắc phục sửa chữa hệ thống điện, bảo đảm thông tin liên lạc; dọn dẹp, khắc phục thiệt hại, sớm ổn định tổ chức cho học sinh đến trường nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, cán bộ, công nhân viên; sẵn sàng phương án tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ đúng mục tiêu, đối tượng, minh bạch…; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống sớm nhất.
Tại Quảng Trị, hoạt động cứu trợ được khẩn trương để giúp người dân vùng lũ. Sáng ngày 29/10, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đến kiểm tra tình hình ngập lụt, thăm hỏi người dân huyện Vĩnh Linh, nơi có 1.436 nhà bị ngập từ 0,5 đến hơn 1m. Theo báo cáo của địa phương, ngập lụt ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, đặc biệt là tại các xã Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, Vĩnh Ô và thị trấn Hồ Xá. Toàn huyện Vĩnh Linh có đến 3.740m kênh, mương bị hư hỏng, sạt lở, cuốn trôi, bồi lấp; hơn 593,84 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Cũng tại huyện Vĩnh Linh, lũ dâng cao làm khoảng 20m đường bê-tông thuộc tuyến đường ĐT571, đoạn qua thôn Xóm Mới (Km25+750) bị cuốn trôi, tạo thành hố sâu khiến các phương tiện không thể lưu thông. Đây là tuyến đường chính nối xã Vĩnh Ô đến trung tâm huyện. Nước rút, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ huy động máy móc, phương tiện khắc phục tạm thời, bảo đảm giao thông.
Lực lượng chức năng Quảng Trị ứng cứu người dân xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Linh) trong đêm 27/10. |
Tiếp tục chuẩn bị các phương án ứng phó
Để tiếp tục ứng phó với hoàn lưu sau bão và mưa lớn, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 ngày 27/10/2024. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế (đặc biệt là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị còn lũ, ngập lụt) tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn để chủ động ứng phó. Cùng đó, tổ chức khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống, đồng thời tổ chức trực ban (24/24 giờ).
Vấn đề xử lý môi trường sau ngập lụt, các chuyên gia khuyến cáo nước rút đến đâu, các gia đình làm vệ sinh nhà cửa và huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó, đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về giảm rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, thì việc cứu trợ khẩn cấp là cần thiết cho người dân đang bị lũ lụt, nhưng việc quan trọng hơn và dài hơi hơn là tái thiết và phục hồi, đi kèm với nâng cao sức chống chịu của người dân. Các chính quyền địa phương phải có kế hoạch thiết lập ngưỡng chống chịu cao hơn trước thiên tai. "Tôi cho rằng, căn nhà là thứ quý giá nhất có thể giúp người dân an cư lạc nghiệp. Một căn nhà thấp yếu sẽ không bảo vệ được tính mạng và tài sản của gia chủ. Và, mỗi lần mưa bão, những thiệt hại về tài sản có thể khiến gia chủ không thể phục hồi sinh kế trong vòng 3-4 năm sau đó. Vì vậy những địa bàn vùng lũ rất cần có sự phối hợp các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ các tổ chức, người dân đóng góp và quan trọng là từ nỗ lực của mỗi gia đình để xây cho mình một căn nhà có khả năng chống lũ với chi phí thấp nhất. Ước tính giá mỗi căn nhà có bê-tông gác lửng vừa chống bão, vừa chống lũ từ 140 triệu đến 200 triệu đồng. Những hộ gia đình được chọn xây nhà là những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng thiên tai mà tự họ không thể xây một căn nhà an toàn", Tiến sĩ Huy khuyến nghị.
Trước mắt, các yếu tố ảnh hưởng đến bão luôn thay đổi do vậy việc theo dõi cập nhật dự báo, người dân cần đề phòng đến kịch bản lũ lên để có phương án an toàn về người và tài sản.