Không chỉ còn là câu chuyện “cột” hay “nóc” nhà!

Bình đẳng giới đã trở thành một cụm từ, khái niệm quen thuộc. Vấn đề này, trong xã hội hiện đại đang được giới trẻ nhìn nhận như thế nào? Họ đang tiếp nối và đổi mới ra sao?
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh gần gũi với giới trẻ, quan tâm đến cả các định kiến gắn với cả nam và nữ. Ảnh: TUVA Communication
Hình ảnh gần gũi với giới trẻ, quan tâm đến cả các định kiến gắn với cả nam và nữ. Ảnh: TUVA Communication

Phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với chị Phạm Thị Thu Phương (ảnh bên), Trưởng dự án Nhà Nhiều Cột, thuộc tổ chức Sáng kiến truyền thông xã hội TUVA Communication (Tù Và), để hiểu hơn về cách mà người trẻ đang làm nhằm giải quyết các vấn đề về giới.

- Trước hết, chị có thể giới thiệu qua về Dự án Nhà Nhiều Cột?

- Vâng, Nhà Nhiều Cột là một chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với các khuôn mẫu giới, hướng tới người trẻ đô thị tại Việt Nam.

Fanpage Nhà Nhiều Cột hiện có hơn 50,000 người theo dõi, đã và đang tạo ra hàng triệu thảo luận tích cực trong cộng đồng. Ý tưởng ban đầu xuất phát từ quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, coi đàn ông là trụ cột gia đình. Chúng tôi mong muốn thay đổi những vai trò vốn được xác định sẵn của nam giới và nữ giới trong mỗi gia đình và ngoài xã hội.

Nhà Nhiều Cột tập trung vào việc cung cấp hệ thống lý thuyết, quan điểm uy tín về giới nhằm giải mã và phân tích các thực hành mang định kiến giới trong đời sống thường ngày. Đó có thể là những quy định về trang phục tại trường học gây ra sự bất bình đẳng nhắm tới nữ sinh, là hình ảnh khắc họa phụ nữ như những người không có chuyên môn trong một chương trình thể thao trên sóng truyền hình; hay đơn giản chỉ là câu chuyện ai là người rửa bát trong gia đình.

Bằng việc tận dụng các làn sóng truyền thông, soi chiếu các chủ đề nóng đang được cộng đồng quan tâm dưới lăng kính giới, Nhà Nhiều Cột mong muốn đưa chủ đề giới trở thành một chủ đề đời sống quan trọng đối với cộng đồng. Từ đó, đồng hành cùng cộng đồng người trẻ, lên tiếng và tạo ra các thay đổi tích cực.

- Sở hữu một ekip toàn người trẻ, tiếp xúc với nhiều thanh niên trong quá trình triển khai, chị nhận thấy quan điểm của giới trẻ hiện nay về bình đẳng giới đã có sự thay đổi như thế nào?

- Giới trẻ hiện nay rõ ràng đang có những mối quan tâm mới và khác khi nhìn nhận về bình đẳng giới.

Bên cạnh việc đấu tranh cho những bất bình đẳng hiện diện, người trẻ đang thực hành cả việc “nghĩ lại” về những điều tưởng như bình thường trong đời sống để tìm ra các yếu tố bất bình đẳng giới ẩn sâu hơn, mang tính hệ thống hơn.

Bình đẳng giới không phải là một lĩnh vực riêng lẻ mà là một phần trong bất kỳ hoạt động nào của đời sống xã hội. Không chỉ gia đình mới có bất bình đẳng giới cần thay đổi, nơi làm việc, nơi học tập cũng ẩn chứa các định kiến giới, phân biệt giới cần được nhìn nhận. Một quảng cáo, một bộ phim cũng có khả năng thúc đẩy định kiến, người trẻ đang nâng cao khả năng nhận diện và thay đổi để cải thiện tình trạng một cách tích cực hơn. Ngoài ra, trong bối cảnh các khuôn mẫu, định kiến mới được kiến tạo mỗi ngày, người trẻ cũng cẩn thận hơn trong việc nhận diện các thông điệp và các hạn chế chung quanh các thông điệp đó.

Ngoài ra, vấn đề giới cũng được mở rộng, gồm vấn đề của cả nam giới và phụ nữ. Bình đẳng giới được người theo dõi của chúng tôi hướng tới là bình đẳng cho tất cả mọi người. Cách tiếp cận đến vấn đề bình đẳng giới cũng đang tích hợp sự nhạy cảm với các đặc thù của các nhóm dễ bị tổn thương, như phụ nữ có thu nhập thấp, lao động phi chính thức, người khuyết tật, cộng đồng dân tộc thiểu số,…

- Thông qua sự khác biệt đó, chị nghĩ cần có những thay đổi như thế nào trong công tác tuyên truyền vận động về bình đẳng giới nói chung?

- Lấy thí dụ như câu chuyện về Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là sự thương mại hóa nhằm bán được nhiều hàng hơn của các nhãn hàng, ý nghĩa của ngày này dần trở thành dịp chỉ để mua quà, mua hoa với mục đích “tri ân” phụ nữ. Nhà Nhiều Cột tin rằng ý nghĩa giải phóng phụ nữ của ngày này nên được nhắc nhớ nhiều hơn trong các hoạt động kỷ niệm. Trên thực tế, chúng tôi cũng đang cộng tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để triển khai nhiều thực hành khác.

Những diễn ngôn lặp lại trên truyền thông như “anh em giúp vợ làm việc nhà”, thi cắm hoa, thi nấu ăn, nam giới “làm việc của phụ nữ”,... được tổ chức như một “món quà” cho phụ nữ. Các hoạt động này có vẻ thúc đẩy sự bình đẳng nhưng có thể lại là một biểu hiện của phân biệt giới kiểu nhân từ (benevolent sexism). Kèm theo những “món quà” đó, phân biệt giới kiểu nhân từ cũng ẩn mình trong những lời chúc, lời khen tốt đẹp như “chúc chị em luôn xinh đẹp, trẻ mãi không già”, “chúc chị luôn giữ vững danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Vì núp mình dưới vỏ bọc tích cực nên kiểu phân biệt giới này khó phát hiện, hoặc dễ dàng được chấp nhận hơn.

Những hoạt động, lời chúc này có thể có ý nghĩa khởi đầu trong việc thúc đẩy sự cảm thông, thấu hiểu, nhưng ý nghĩa của nó nên vượt ra khỏi hoạt động trong một ngày cụ thể.

- Nhìn nhận thực trạng đó, đội ngũ Nhà Nhiều Cột nói riêng, TUVA Communication nói chung sắp tới sẽ triển khai các thực hành như thế nào?

- Chúng tôi đang có kế hoạch phát triển Cộng đồng thực hành tiến bộ giới để tạo ra không gian cho các bạn trẻ quan tâm đến vấn đề giới có thể thảo luận, lên tiếng, góp sức cùng chúng tôi thúc đẩy các hành vi tiến bộ giới trong đời sống thực thay vì chỉ dừng lại trên truyền thông như hiện nay. Chúng tôi cũng sẽ kết nối các nguồn lực để hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các bạn trẻ có sáng kiến tiên phong.

- Xin cảm ơn chia sẻ của chị!