Vùng quê hữu tình

Phát huy truyền thống anh dũng kiên trung của quê hương cách mạng, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu… Đặc biệt, địa phương đang từng bước xây dựng nơi đây trở thành miền quê đáng sống.
0:00 / 0:00
0:00
Xã Xuân Cẩm vinh dự nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ảnh: DANH THƠM
Xã Xuân Cẩm vinh dự nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ảnh: DANH THƠM

Mảnh đất văn hóa

Xuân Cẩm là xã ven sông Cầu của huyện Hiệp Hòa. Dòng sông Cầu lơ thơ nước chảy làm duyên cho một xã năm làng: Cẩm Chung, Cẩm Bào, Xuân Biều, Cẩm Xuyên, Cẩm Hoàng, tất cả đều nằm trong địa lý hành chính của tổng Cẩm Bào xưa. Đến Xuân Cẩm hôm nay, khách thập phương đều cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của một vùng quê thuần nông trước đây với cơ sở hạ tầng đồng bộ, kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Xuân Cẩm, cho hay, ngay sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, địa phương đã tập trung nguồn lực tranh thủ sự hỗ trợ của ngân sách cấp trên và sự đóng góp của người dân để thực hiện đầu tư xây dựng nâng cao các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Xã đã huy động được hơn 17 tỷ đồng thực hiện Chương trình. 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu đều đạt. Thu nhập bình quân đầu người của xã Xuân Cẩm năm 2023 là 61.572 triệu đồng/người/năm. Trong đó, xã Xuân Cẩm xác định thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội theo lĩnh vực văn hóa, đó là: “Quan tâm bảo tồn và phát huy có hiệu quả nghệ thuật truyền thống các dân tộc trên địa bàn”.

Đến nay các tiêu chí, tổng số chỉ tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu đều đạt, nhất là tổng số chỉ tiêu đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo lĩnh vực kiểu mẫu về văn hóa đạt 100%. Xã Xuân Cẩm có năm thôn, thì đều có câu lạc bộ quan họ. Phát huy lợi thế đó, năm 2024 xã đã thành lập được hai làng Quan họ thực hành và phấn đấu đến năm 2026 xây dựng thành công năm làng Quan họ thực hành, góp phần nâng cao số lượng, chất lượng của các làng Quan họ trên địa bàn huyện, tỉnh Bắc Giang.

Nỗ lực xây dựng quê hương

Điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Xuân Cẩm là phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Sau gần ba năm triển khai phát động, hơn 500 hộ dân ở năm thôn đã tháo dỡ nhà, công trình phụ, hiến hơn 20 nghìn m2 đất (trong đó 18 nghìn m2 đất ở) để mở rộng trục đường thôn, liên thôn, đường đê tả Cầu từ 4 m lên 7-12 m, với tổng chiều dài gần 8 km. Trị giá tiền đất hiến hơn 300 tỷ đồng.

Cuối năm 2022, Cẩm Xuyên được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Có được kết quả này, thôn tập trung lãnh đạo nhân dân dồn đổi thành công 110 ha đất nông nghiệp; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thuận lợi cho chăm sóc, thu hoạch. Vận động đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp với tổng số 150 hộ sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, xuất khẩu cho thu nhập cao. Ngoài ra, thôn huy động các nguồn lực cứng hóa 3 km đường trục thôn, 4 km đường ngõ, xóm. Vận động nhân dân đóng góp trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa chùa Cẩm Xuyên với kinh phí 2,5 tỷ đồng; hiến hơn 11 nghìn m2 đất để xây dựng Điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm xã Xuân Cẩm (tháng 2/1955). Cải tạo, mở rộng mặt đường tuyến đê Đại Hà dài 1,3 km… Đầu năm 2024, thôn Cẩm Xuyên được xã Xuân Cẩm lựa chọn xây dựng thôn thông minh.

Trong lĩnh vực giáo dục, trường tiểu học và trường mầm non đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; trường Trung học cơ sở được xây mới hoàn toàn, diện tích 2,2 ha, kinh phí được Nhà nước đầu tư tổng hơn 70 tỷ đồng, trang thiết bị được xã hội hóa trị giá gần 10 tỷ đồng, đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Cách làm của xã là thực hiện công khai, minh bạch từ cán bộ, đảng viên, để người dân hiểu sâu, hiểu rõ chủ trương xây dựng nông thôn mới của địa phương; làm tốt công tác vận động, kiên trì mưa dầm thấm lâu. Lãnh đạo xã luôn sẵn sàng đối thoại với người dân khi bà con có kiến nghị. Sử dụng nhóm zalo công an xã với nhân dân, để nắm bắt tất cả các thông tin phản ánh, từ đó kịp thời giải quyết. Lãnh đạo, cán bộ, công chức thường xuyên bám cơ sở, sẵn sàng xuống cơ sở khi có vướng mắc, nắm rõ công việc, khi báo cáo phải có hình ảnh cụ thể, từ đó có hướng xử lý đúng, trúng, kịp thời.

Ông La Văn Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Cẩm cho biết: “Nhờ sự đoàn kết, nhất trí của Đảng bộ, chính quyền và chung sức, đồng lòng của người dân, Xuân Cẩm hoàn thành các nội dung, hạng mục, công trình theo từng nhóm tiêu chí và cán đích xã nông thôn mới nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Để duy trì và củng cố các tiêu chí, cùng với các nguồn lực của tỉnh, huyện, chúng tôi quan tâm đào tạo nghề, khuyến khích, hỗ trợ người dân giải quyết nhiều việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, từ đó có thêm nguồn lực kiến thiết quê hương”.

Đánh giá cao sự nỗ lực của địa phương, đồng chí Nguyễn Xuân Thảo, Ủy viên Ban thường vụ, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Hiệp Hòa, cho rằng xã Xuân Cẩm cơ bản đủ điều kiện để đề nghị xét công nhận nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời đề nghị xã cần thường xuyên huy động toàn dân tổng vệ sinh môi trường, giữ cảnh quan sạch đẹp, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân. Tăng cường tuyên truyền kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân trong và ngoài xã được biết.

Hiện tại, xã Xuân Cẩm đã được các sở ngành của tỉnh thẩm định các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu theo lĩnh vực nổi trội về văn hóa năm 2024. Với sự nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo của nhân dân xã, Xuân Cẩm tự tin sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 theo đúng kế hoạch…

Vùng quê hữu tình ảnh 1

Một vùng quê thanh bình. Ảnh: VĂN HỌC

Vùng quê hữu tình ảnh 2

Nhờ phong trào hiến đất làm đường, diện mạo nông thôn được cải thiện rõ nét. Ảnh: VĂN HỌC