Nghĩ tiếp về "Ngày chăm sóc" cho đội ngũ nhân viên y tế

Đội ngũ nhân viên y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp phải tình trạng áp lực lớn, căng thẳng và kiệt sức nghề nghiệp. Trong khi đó, đây lại chính là lực lượng cần (và xứng đáng) nhận được sự chăm sóc bài bản, chuyên nghiệp hơn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình.
0:00 / 0:00
0:00
TS, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo sơ kết hai năm triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế theo Kế hoạch 385 ngày 18/1/2023 của Sở.
TS, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo sơ kết hai năm triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế theo Kế hoạch 385 ngày 18/1/2023 của Sở.

Thực tế trên được chỉ ra trong một nghiên cứu có tên "Hiểu biết, thái độ và thực trạng sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của nhân viên y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh" được Dự án toàn cầu Hoàn thành Mục tiêu và Duy trì kiểm soát Dịch (EpiC) thực hiện vào tháng 8/2024. Nghiên cứu này còn đưa ra con số đáng báo động, khoảng 34% số nhân viên y tế có nguy cơ trầm cảm.

Một nhân viên y tế (đề nghị được giấu tên) chia sẻ: "Hơn 37 năm làm việc trong ngành y, tôi hiểu áp lực là không thể tránh khỏi, nhất là khi công việc gắn liền với sinh mạng con người". Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của việc sử dụng mạng xã hội, áp lực tâm lý đối với bác sĩ không chỉ đến từ những ca bệnh khó, mà còn từ sự thiếu tin tưởng của người bệnh và thân nhân. "Bác sĩ ơi, nhưng trên mạng nói... - Câu nói quen thuộc đi kèm ánh mắt nghi ngờ này khiến mình và đồng nghiệp phải nhiều lần mất công giải thích, để tạo niềm tin vào sự tư vấn và phác đồ điều trị", chị kể.

Tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi nhận thấy: Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện tuyến thành phố và quận/huyện có nguy cơ trầm cảm cao hơn đáng kể so nhân viên y tế làm việc tại các đơn vị tư nhân, do: Khối lượng công việc lớn; thời gian làm việc dài, phải trực ca đêm, ngày lễ, Tết; các quy tắc chặt chẽ của nghề; không dành đủ thời gian cho gia đình; không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn; chưa có hỗ trợ đặc biệt về Sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc.

Trong bối cảnh ấy, đội ngũ nhân viên y tế thường phải lựa chọn tự chữa lành: "Bản thân mình cũng đối mặt với các vấn đề tâm lý, nhưng qua thời gian, mình đã học được cách chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình. Mình nhận ra rằng sự kết nối với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Dù công việc có áp lực đến đâu, mình luôn tìm cách giữ mối liên kết này, vì mình tin rằng ai cũng xứng đáng nhận được tình yêu thương và sự hỗ trợ từ những người chung quanh", nữ nhân viên y tế nói trên tiếp tục chia sẻ.

Thông qua các buổi phỏng vấn, chúng tôi nhận thấy: Nhân viên y tế đang gặp phải nhiều rào cản khi tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tinh thần và tâm lý xã hội, bao gồm: Định kiến xã hội - họ không muốn các vấn đề về sức khỏe tinh thần của bản thân bị ghi lại trong hồ sơ; Thái độ bản thân - họ thường lựa chọn tự chữa lành, tin tưởng tình trạng của mình có thể tự tốt dần lên; và Phương tiện - nhân viên y tế không có thông tin về sự hỗ trợ chuyên nghiệp, cũng không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ hỗ trợ.

Để góp phần giải quyết thực trạng này, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh và dự án EpiC đã khởi động dự án Tâm - Chăm sóc Sức khỏe Tinh thần cho Nhân viên Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chiến dịch hướng đến nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần và tâm lý xã hội cho nhân viên y tế, nhằm chống lại sự kỳ thị, nâng cao kiến thức về sức khỏe tinh thần, khuyến khích thay đổi tích cực về thái độ của nhân viên y tế, thúc đẩy các chiến lược tự chăm sóc bản thân, xây dựng một môi trường làm việc hỗ trợ và nâng cao việc tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tinh thần và tâm lý xã hội.

Câu chuyện ngày 29/10 hằng năm được chọn làm Ngày Chăm sóc và Hỗ trợ Quốc tế, cũng gợi dẫn thêm về việc cần hơn nữa những hành động giúp lan tỏa sự quan tâm của cộng đồng, mang tới sự chăm sóc cho chính đội ngũ "những người chăm sóc" này...