Quản lý thông minh những "dấu chân số"

Digital Footprint - dấu chân số, không còn là khái niệm xa lạ đối với thế hệ công dân số nói riêng, và toàn xã hội. Do đó, quản lý dấu chân số cũng trở thành một trong những kỹ năng quan trọng, bởi thuộc tính "không thể lãng quên" của dấu chân số có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thực của người dùng.
Quản lý thông minh những "dấu chân số"

Một dạng "hồ sơ trực tuyến"

Ngay sau khi internet ra đời năm 1991, thuật ngữ Digital footprint đã được nhắc đến trong từ điển tiếng Anh Oxford, sau đó chính thức trở nên phổ biến hơn từ năm 1995.

Quá trình hình thành và phát triển của mạng xã hội, tạo nên hai dạng thức chính của dấu chân số: Active Digital Footprint là dấu chân số được người dùng chủ động tạo nên trong quá trình sử dụng internet, thí dụ như viết blog, gửi email, đăng trạng thái trên mạng xã hội, "thả like", bình luận trên các bài đăng, hay mới nhất là trò chuyện trên các phiên livestream… Và Passive Digital footprint là dấu vết số người dùng không chủ động, không ý thức được khi tham gia sử dụng internet, mà âm thầm bị thu thập, có thể hiểu là một dạng "nghe lén’, "đọc lén", thí dụ như địa chỉ IP (địa chỉ truy cập), lịch sử tìm kiếm các trang web, lịch sử xem quảng cáo,…

Đặc điểm chung của cả hai dạng thức này là có thể bị theo dõi và khai thác bởi bất cứ ai. Bên cạnh đó, Digital footprint cũng không thể bị xóa hoàn toàn, đôi khi chính người dùng đã quên các nội dung bản thân đã từng xem, từng chia sẻ, nhưng những dấu vết ấy vẫn được ghi nhớ.

Nhìn vào mặt tích cực, khi dấu chân số được khai thác đúng cách, có thể tạo ra những giá trị. Đối với doanh nghiệp, đây có thể là một nguồn dữ liệu quý báu để họ phân tích và làm rõ hành vi, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Dẫn tới quảng cáo và tiếp thị hiệu quả hơn. Đối với lực lượng chức năng, dấu chân số có thể là đầu mối theo dõi đối tượng. Với các ứng dụng trên internet, có thể dựa trên dữ liệu này cung cấp dịch vụ chất lượng, thí dụ như Google Maps có thể định vị, giới thiệu vị trí nhà hàng, khách sạn, địa điểm phù hợp sở thích người truy cập. Với người dùng phổ thông, đây là một phương thức hiệu quả để lưu trữ kỷ niệm, một cách khác để xem lại bản thân trong quá khứ và thay đổi phù hợp cho hiện tại.

Nhưng rõ ràng, Digital footprint cũng là con dao hai lưỡi khi những hệ lụy nó mang lại cũng nguy hiểm không kém.

Điều đầu tiên phải khẳng định, dấu vết số ảnh hưởng lớn nhất đến quyền riêng tư của người dùng, khi ai cũng có thể xem, theo dõi mọi hành động của chúng ta trên môi trường số.

Netsafe - Tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng tại New Zealand đã phân tích và đưa ra một số nguy cơ mất an toàn chính mà dấu vết số có thể mang lại: Người dùng có thể bị phát tán, lan truyền video, hình ảnh nhạy cảm; có thể bị ảnh hưởng danh dự, mất cơ hội việc làm do bị lan truyền những dấu vết không phù hợp; nguy cơ bị lừa đảo trực tuyến; nguy cơ bị tống tiền qua thao túng thông tin nhạy cảm.

Bên cạnh đó, TS Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã từng chia sẻ tại buổi hội thảo liên quan đến kỹ năng số: "Khi mỗi chúng ta tham gia nền tảng internet, chỉ cần gõ một từ khóa tìm kiếm, viết một bình luận trên mạng xã hội, xem một bức ảnh hay một bộ phim trên YouTube,… tất cả đều được lưu lại thành dấu chân số, tập hợp tạo nên danh tính số của mỗi cá nhân", do đó điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống thực của mỗi cá nhân.

Hay như Cục trưởng Trẻ em Đặng Hoa Nam cũng đã từng khuyến cáo, cha mẹ, người chăm sóc trẻ thường đăng tải hình ảnh, thông tin về con cái lên mạng xã hội, những thông tin, dữ liệu như vậy có thể bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo và quấy rối trẻ. Thực trạng này cho thấy chính người lớn cũng còn đang bối rối vì thiếu kỹ năng trên nền tảng số.

Nâng cao năng lực số cho người trẻ

Nhiều biện pháp đã được tổng hợp và đưa ra để người dùng có thể quản lý rủi ro khi lưu lại các dấu vết không thể xóa. Trước tiên, thiết lập thói quen tự "google" tên bản thân. Bằng cách này, người dùng có thể tự tra soát các thông tin về bản thân, hoặc sử dụng tính năng Google Alerts để bật thông báo mỗi khi internet có từ khóa mới về chính mình.

Ngày 2/5/2024, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2151/QĐ-XHNV quy định về Khung năng lực số dành cho sinh viên tại trường. Được biết khung năng lực này đã được nhóm nghiên cứu cho ra mắt năm 2022, gồm bảy nhóm nội dung và 25 tiêu chí với sáu bậc đánh giá cơ bản: ghi nhớ, hiểu, áp dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo. Đây là một trong những khung đánh giá năng lực số "Made by Vietnam" được nghiên cứu và triển khai thực tế sớm nhất.

GS Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán) khẳng định tại buổi công bố khung năng lực số của nhóm nghiên cứu, chuyển đổi số, công nghệ số rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là con người. Chúng ta cần những con người có tư duy phù hợp để sử dụng, vận hành các công nghệ số. Năng lực số của giới trẻ ngày càng trở nên thiết yếu, để thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn.

"Năng lực số cần được đưa vào chương trình giảng dạy ở các bậc học khác nhau, với nhiều cấp độ tiếp cận khác nhau và cần thường xuyên có các chương trình khảo sát, đánh giá năng lực số dựa trên các khung năng lực số tương ứng với các nhóm đối tượng cụ thể", GS Hồ Tú Bảo nêu ý kiến.

Cũng trong năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng, lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư Ban hành Khung năng lực số áp dụng cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo dự thảo, việc ban hành Khung năng lực số áp dụng cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm mục đích làm căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực số của người học, giúp người học phát triển các kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, sẵn sàng đối mặt những thách thức và cơ hội trong thế giới số hóa và là nền tảng cho việc học tập suốt đời.

Đồng thời bảo đảm tất cả người học đều có cơ hội tiếp cận và phát triển các năng lực số, góp phần giảm sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ. Bảo đảm hệ thống giáo dục đáp ứng được nhu cầu của thời đại số, đồng thời giúp người học phát triển toàn diện, bền vững.

Cụm từ Digital footprint được nhắc đến nhiều hơn trong thời gian gần đây, khi hàng loạt vụ việc liên quan phát ngôn, đời tư của người nổi tiếng gây xôn xao mạng xã hội. Họ gặp phải rắc rối lớn khi bị cộng đồng mạng "đào lại" những bài đăng, bình luận trong quá khứ, từ đó tạo nên làn sóng tẩy chay.