Giúp con làm chủ thời đại số

Thời đại chuyển đổi số thay đổi mọi phương diện của cuộc sống. Những thay đổi ấy hằn lên rõ nhất ở các nhóm tuổi thiếu nhi và thanh, thiếu niên. Do đó, gia đình và xã hội cần có những điều chỉnh cần thiết, nhằm thích ứng và hỗ trợ thế hệ kế cận.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng công nghệ vào học tập trở thành một trong những kỹ năng mềm không thể thiếu của trẻ em hiện đại. Ảnh: UNICEF
Ứng dụng công nghệ vào học tập trở thành một trong những kỹ năng mềm không thể thiếu của trẻ em hiện đại. Ảnh: UNICEF

"Con dao hai lưỡi"

Báo cáo hiện trạng về Ngăn chặn hành vi gây tổn hại ở Việt Nam mà Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới công bố ngày 3/8 cho thấy: 82% số trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng internet. Đối với trẻ từ 14-15 tuổi, con số này tăng lên 93%. 75% số trẻ trong độ tuổi từ 12-13 tuổi sử dụng ít nhất một lần mỗi ngày, và tăng vọt ở quãng 14-15 tuổi: 90%.

Đối với mức độ sử dụng như vậy, trẻ em ngày nay được tiếp xúc với công nghệ từ khi còn nhỏ, điều này giúp các bạn tiếp cận với nhiều kiến thức đa dạng, dễ dàng thu thập và tham khảo cùng lúc nhiều nguồn thông tin, tích hợp trải nghiệm từ ảo cho tới thực tế. Do đó, tư duy phản biện của trẻ em có lẽ chưa bao giờ mạnh mẽ như ngày nay.

Với sự tò mò, ham mê tự tìm hiểu, trẻ em ngày nay có thể biết mọi thứ thông qua vài cú nhấp chuột, dẫn tới các em chủ động hơn, tự tin hơn vào bản thân, luôn muốn thử thách và phát triển bản thân.

Vậy nhưng, đi kèm những ưu việt đó, là không ít những tác hại bủa vây.

Theo TS Vũ Thu Hương, Trung tâm đào tạo Kỹ năng Cá Siêu Quậy, bên cạnh những mặt tích cực, tác hại của các thiết bị điện tử thông minh đến trẻ em cũng vô cùng lớn.

Trước tiên là sự suy giảm thị lực. Một kiểm tra tổng thể sức khỏe, tâm sinh lý, kỹ năng của trẻ chuẩn bị vào lớp 1 được Trung tâm tiến hành năm 2012 cho thấy: Có tới 47,37% số trẻ chỉ đạt thị lực từ 6/10 trở xuống. Trong số đó, 79% các trường hợp là do cha mẹ cho con sử dụng điện thoại thông minh (smartphone).

Ở một khía cạnh khác, 42% số trẻ có nhiều thời gian sử dụng smartphone sẽ bị mất tập trung, thiếu kiên nhẫn, giảm khả năng ghi nhớ. Nhiều thanh, thiếu niên chưa biết quản lý các thông tin đưa lên mạng xã hội, dễ bị những cú sốc tâm lý khi gặp phải bình luận ác ý. Thậm chí, có em gặp những chuyện đáng tiếc như bị kẻ xấu dụ dỗ, xâm hại, gạt tiền, bị bôi nhọ trên mạng xã hội…

Một số chuyên gia tâm lý còn bày tỏ nỗi lo ngại về chuyện trẻ em thường có xu hướng sao chép hành vi thần tượng của mình, trong khi chưa có đủ nhận thức để "lọc" thông tin. Niềm tin chi phối cách nghĩ và cách làm của trẻ. Do đó, khi trẻ bị đánh tráo niềm tin, thay vì tin vào khả năng của bản thân, tin vào tri thức khoa học, các em có thể tin và hành động theo những hướng lệch lạc.

Nguy hiểm hơn, trẻ có thể bị thu hút tham gia những nhóm kín có thông tin xấu độc, thậm chí là bị quấy rối, hay bị xâm hại trên (và thông qua) môi trường mạng. Đôi khi, những mối quan hệ hay sự xích mích trên "mạng ảo" cũng có thể dẫn tới bạo lực hoặc các nguy cơ khác trong đời thực. Gần đây, còn xuất hiện những thử thách, trò chơi vô cùng nguy hiểm, như là thử thách trốn trong tủ lạnh, máy giặt; hay những trào lưu lệch chuẩn…

Những rủi ro từ môi trường mạng vô cùng đa dạng, phức tạp và thật sự không chừa một ai.

Làm chủ thời đại số bằng tư duy

Công nghệ ngày càng phát triển, các biện pháp bảo vệ hỗ trợ trẻ em, thanh, thiếu niên cũng nhất thiết phải được "cập nhật".

Quyết định 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng 2021-2025 đã đề cập năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần chú trọng triển khai trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý với việc đặt trẻ làm trung tâm trong việc xây dựng chính sách, lấy ý kiến của trẻ về cơ chế và chính sách tác động đến trẻ. Thứ hai, tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng ở quy mô quốc gia. Việc nâng cao nhận thức được thể hiện thông qua chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức về môi trường mạng cho trẻ em. Khuyến khích cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên cập nhật các kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, có khả năng tự phát hiện và tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia trên môi trường mạng.

Thứ ba, triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ. Qua đó nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu, thu thập, phân tích thông tin, giám sát việc tuân thủ chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ trên môi trường mạng. Thứ tư, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ để đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, kịp thời ứng phó các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng. Và thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế.

Bên cạnh sự vào cuộc của Nhà nước và Chính phủ, sự quan tâm của các bậc phụ huynh cũng đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ. Với các độ tuổi khác nhau, phụ huynh có thể đồng hành để giúp con ứng dụng công nghệ số một cách an toàn.

Chuyên gia Anh Nguyễn, tác giả cuốn sách "Làm mẹ không áp lực" chia sẻ: "Tốt nhất, cha mẹ nên hạn chế đến mức tối đa việc giới thiệu các thiết bị màn hình điện tử như iPad, điện thoại, hay TV cho trẻ dưới 5 tuổi. Đặc biệt, không dùng những thiết bị ấy để "mua thời gian" yên tĩnh hay để "giết thời gian" của trẻ. Nếu cho trẻ xem, cha mẹ cần lựa chọn các video mang tính giải trí (video có âm nhạc hoặc có các nhân vật hoạt hình, hình ảnh đẹp) hoặc các video mang tính truyền tải hoạt động gần gũi (vừa vui nhộn vừa có tính giải trí với trẻ nhỏ, nhưng cũng truyền tải những nội dung về các hoạt động hằng ngày của trẻ. Thí dụ như đi tắm, đánh răng, đi ngủ, đi picnic hoặc chơi công viên)...".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cha mẹ không nên quá hoang mang, dẫn đến chuyện cấm đoán con tiếp cận với công nghệ, trong thời đại 4.0 này. Đừng vì sợ rủi ro mà cấm, xóa, khóa… Trước tiên, cha mẹ nên cùng con trao đổi, để con nhận thức về sự phát triển đa dạng của công nghệ thông tin và các nguy cơ có thể gặp phải. Từ đó, dạy con kỹ năng sử dụng công nghệ, như dùng khi nào, trong bao lâu, các kênh nào nên theo dõi… Khi các con đã bắt đầu "cứng cáp", cha mẹ hãy cho con sử dụng và có giám sát theo cách hợp lý (xem cùng con, cài một số trang được dùng trong máy...); đồng thời có nội quy và hệ thống thưởng phạt rõ ràng, áp dụng khi con dùng internet.

Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em dưới hai

tuổi không nên tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Trẻ từ 2-5 tuổi nên được giới hạn thời gian sử dụng tối đa trong một giờ, tốt nhất nên có người lớn xem cùng.