Giữ hồn Tết Việt

Người Việt dù ở độ tuổi nào, dù đi đông đi tây, vẫn có sự gắn bó bền chặt với khái niệm “nghĩa tình”, với tình cảm gia đình. Có lẽ đó chính là nền tảng vững chắc nhất để giữ gìn truyền thống.

Giữ hồn Tết Việt

Tết không chỉ là một kỳ nghỉ lễ

Những năm gần đây, truyền thông thường hay nhấn vào Tết như một “kỳ nghỉ lễ”. Và trên thực tế, thì đây cũng là mùa bội thu của các công ty du lịch bởi lượng khách du lịch tăng đột biến so với cả năm. Mùa tết Mậu Tuất, lượng khách đăng ký tour đón Tết Nguyên đán ở nước ngoài tăng khoảng 50% so với năm ngoái. Điểm đến được yêu thích nhất là Hàn Quốc, Thái-lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a với khoảng thời gian 5 ngày, thường bắt đầu từ 26 - 27 Tết. Thông thường, các tour Tết đóng vào hai tuần trước khi tết đến, nhiều nơi đông khách còn ngừng nhận tour từ trước tết cả tháng. Anh Hoàng Sơn, Giám đốc công ty du lịch B.S cho biết, để đón đầu vụ tết, các doanh nghiệp lữ hành đã gom số lượng lớn vé máy bay từ sớm để chuẩn bị cho các tour Tết. Năm nay, B.S dự kiến đưa khoảng 1.000 khách ra nước ngoài.

Theo Hiệp hội lữ hành Việt Nam, tổng hợp báo cáo nguồn khách từ các nước cho thấy, trong vài năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, chi tiêu hơn 6 tỷ USD. Số lượng này tập trung không nhỏ vào dịp Tết Nguyên đán. Chưa kể những người đi du lịch trong nước vào dịp này cũng rất lớn. Chính trào lưu đón Tết nơi xứ người đang tạo nên một “dòng chảy ngược” với truyền thống “Tết của sum vầy”. Nó cũng tạo nên sự băn khoăn không nhỏ trong cộng đồng về việc làm sao giữ được những giá trị truyền thống trong dòng chảy hôm nay?

Giữ hồn Tết Việt ảnh 1

Hai từ “Tết nay” và “Tết xưa” được nhắc tới pha chút ngậm ngùi của sự so sánh, nuối tiếc về các giá trị truyền thống bị phôi pha.

Nếu Tết tây chỉ là đánh dấu một thời điểm thay đổi trên tờ lịch, thì Tết cổ truyền mang trong nó cả nghìn năm lịch sử đón xuân của một dân tộc, với vô số phong tục đã trở thành nét đặc trưng văn hóa. Vậy nên, chuyên gia xã hội học Quỳnh Phương đã chia sẻ rằng, những người chỉ mong nghỉ tết để xách va-ly lên và đi - có lẽ nên suy nghĩ lại!

“Khi cánh chim tìm về tổ ấm”

Không thể phủ nhận giới trẻ hiện nay tiếp cận quá nhanh với văn hóa hiện đại, điều đó ít nhiều đã khiến cho những giá trị truyền thống, phong vị Tết cổ truyền dần trở nên phai nhạt và thậm chí không còn quá quan trọng với họ nữa. Không ít người còn mang một nỗi sợ được gọi tên là “sợ Tết”. Quả là có những nghi lễ truyền thống đã trở nên gánh nặng đối với giới trẻ hiện đại. Tôi biết rất nhiều bạn trẻ bỏ nhà đi du lịch vào dịp tết chỉ vì nỗi sợ phải đối mặt với gia đình, họ hàng, với những câu hỏi về điểm số, bằng cấp, về tiền lương thưởng, về chuyện hôn nhân … hoặc bị so sánh, phán xét, phàn nàn, chê trách vì những điều mà họ chưa đáp ứng được kỳ vọng của gia đình. Nếu như con mình tết nào cũng né tránh trở về nhà, có lẽ đã tới lúc bố mẹ phải tự nhìn lại mình xem tại sao, mình đã làm gì để con mình “ngại về Tết”.

Sự lỏng lẻo của các mối quan hệ gia đình trong thế giới của sự bận rộn cũng khiến cho Tết mất dần ý nghĩa gắn kết. Trong guồng quay hối hả, con người trở nên hiểu biết, độc lập hơn, nhưng cũng phải chịu nhiều áp lực và cô đơn hơn. Nhìn xa hơn, Việt Nam đang đối diện với một nguy cơ về sự già hóa của dân số, và có lẽ chỉ vài thế hệ nữa thôi, rồi chúng ta cũng sẽ như nhiều nước phương Tây phải đối diện với một vấn đề xã hội nhức nhối, đó là sự cô đơn của người già, và sự mất dần của truyền thống sum họp gia đình dòng tộc mỗi mùa tết cổ truyền… Nếu đó là dòng chảy không thể cưỡng, thì điều gì sẽ giữ lại những giá trị truyền thống cho Tết cổ truyền?

Tôi vẫn còn giữ trong mình hình ảnh Tết Hà Nội ngày còn thơ, những con phố rải đầy xác pháo hồng và bữa cơm tất niên ấm áp, cành đào cắm trong bình gốm mộc mạc. Nhớ hương lá mùi già thơm ngát trong phòng và những chiếc bánh chưng xanh bên cạnh đĩa hành muối đã tồn tại hàng trăm năm tuổi, những phong bao lì xì giấy đỏ mà em bé nào cũng háo hức đón chờ. Những điều nhỏ bé ấy làm nên hồn của ngày Tết, cái mà tết tây không bao giờ có được. Nhưng với người trẻ hôm nay, ký ức tết sẽ là những hình ảnh như thế nào? Sẽ là những bức ảnh tự sướng đánh dấu một miền đất mới đặt chân? Hay sẽ là những thú vui xả stress sau cả năm làm việc?...

Tôi tin, không chỉ có như thế! “Vật đổi sao dời” thế nào đi nữa, con người vẫn cần đến sự yêu thương, đồng cảm. Ở đâu ta tìm kiếm được điều đó, thì đó là nơi ta tìm về. Nếu nhìn từ góc độ ấy, sẽ thấy chuyện gìn giữ giá trị cổ truyền không chỉ là việc của hôm nay, mà còn là của ngày mai. Bắt đầu từ việc “gieo mầm” vào thế hệ mầm non. Hãy để những bé thơ trả lời câu hỏi “Tết trong con là gì?”, bắt đầu từ sự lựa chọn và hành xử của mẹ cha.

Những ngày này, đang có những gia đình trẻ lại hò nhau gói bánh chưng đun chung thay vì đi mua đi đặt. Những gia đình vui vẻ quây quần gói rồi trông nồi bánh chưng chờ trời sáng... Sự quây quần ấm áp ấy sẽ là cái níu bước, là điều vẫy gọi những người Việt trẻ gắn bó hơn với truyền thống dân tộc.

Vậy nên tôi tin, sự linh thiêng, thành kính, nét văn hóa tinh hoa hàm ý sâu xa trong lễ tết Việt, sẽ chẳng bao giờ mất được ở dải đất hình chữ S thân thương.