Thành quả của công cuộc Đổi mới

Từ một đất nước gượng dậy sau chiến tranh, nhờ sáng suốt thực hiện thành công công cuộc Đổi mới, Việt Nam không chỉ giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa mà còn vươn lên trở thành một quốc gia có tiếng nói và vị thế trên trường quốc tế. Hành trang hun đúc từ chặng đường 49 năm qua giúp chúng ta thêm tự tin vươn đến những nấc thang tăng trưởng ngày một bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 7/11/2006, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy đã ký Nghị định thư gia nhập của Việt Nam, kết thúc 11 năm tiến hành hàng loạt các cuộc đàm phán song phương, đa phương và tham vấn kể từ khi Việt Nam đệ đơn gia nhập vào năm 1995. Nguồn: TTXVN
Ngày 7/11/2006, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy đã ký Nghị định thư gia nhập của Việt Nam, kết thúc 11 năm tiến hành hàng loạt các cuộc đàm phán song phương, đa phương và tham vấn kể từ khi Việt Nam đệ đơn gia nhập vào năm 1995. Nguồn: TTXVN

Từ năm 1975 đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, tăng trưởng kinh tế thấp và thậm chí không phát triển. Nền kinh tế không có tích lũy. Lạm phát hoành hành.

Năm 1986: Năm khởi đầu của công cuộc Đổi mới, lạm phát đạt đỉnh ở ngưỡng 774,7%, trong khi đó quy mô nền kinh tế tại thời điểm này chỉ có 26,88 tỷ USD. Đời sống nhân dân hết sức khó khăn, thiếu thốn. Đổi mới đã đưa nền kinh tế Việt Nam sang một trang mới.

Giai đoạn 1986-1990: Đây là giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới. Chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, coi đây là chính sách có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế dần dần khắc phục được những yếu kém và có những bước phát triển. Kết thúc kế hoạch 5 năm, công cuộc Đổi mới đã đạt được những thành tựu bước đầu: Tăng trưởng GDP đạt bình quân 4,4%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 28%/năm… Điều quan trọng nhất, đây là giai đoạn chuyển đổi cơ bản từ cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, bước đầu giải phóng được lực lượng sản xuất, tạo ra động lực phát triển mới.

Giai đoạn 1991-1995: Đảng tiếp tục khẳng định thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, đồng thời nêu rõ, cơ chế vận hành nền kinh tế là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác. Đất nước dần ra khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái. Nền kinh tế tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng: tốc độ tăng trưởng đạt tương đối cao, liên tục và toàn diện. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều vượt mức: GDP bình quân tăng 8,2%/năm. Các lĩnh vực kinh tế nhìn chung đều đạt nhịp độ tăng trưởng tương đối khá.

Giai đoạn 1996-2000: Đảng rút ra một số kết luận mới về mối quan hệ giữa sản xuất hàng hóa và chủ nghĩa xã hội, giữa kế hoạch hóa và thị trường, giữa thị trường trong nước và quốc tế, giữa quyền quản lý của Nhà nước và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, về phân phối và lấy đó làm cơ sở tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế với mục tiêu xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, tiếp tục tạo lập đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là giai đoạn đánh dấu bước phát triển quan trọng của kinh tế thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính-kinh tế khu vực, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. GDP bình quân của cả giai đoạn 1996-2000 đạt 7%/năm. Nếu tính cả giai đoạn 1991-2000 thì nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân là 7,5%/năm.

Giai đoạn 2001-2005: Từ Đại hội IX (4/2001), Đảng xác định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp Đổi mới ở giai đoạn này đi vào chiều sâu và đã đạt được những kết quả nhất định. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, theo hướng tích cực, năm sau cao hơn năm trước. GDP tăng bình quân 7,5%/năm, riêng năm 2005 đạt 8,4%/năm.

Giai đoạn 2006-2010: Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, từ nhóm nước thu thập thấp đã trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp). Tăng trưởng bình quân 7,26%/năm.

Giai đoạn 2011-2020: Tăng trưởng bình quân gần 6%/năm quy mô nền kinh tế tại thời điểm này là 271,2 tỷ USD (theo đánh giá lại quy mô nền kinh tế của Tổng cục Thống kê, năm 2020: 343,6 tỷ USD). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020: 2.779 USD (theo đánh giá lại của Tổng cục Thống kê: 3.521 USD).

Năm 2023: Quy mô nền kinh tế theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, đạt khoảng 433,3 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới.

Năm 2024: Quy mô nền kinh tế của Việt Nam được dự báo ước đạt khoảng 469,67 tỷ USD...