Định vị Việt Nam trên bản đồ sức mạnh mềm toàn cầu

Theo báo cáo của Tập đoàn Brand Finance về chỉ số sức mạnh mềm toàn cầu năm 2024 (Brand Finance Soft Power Index Report 2024), Việt Nam có bước đột phá đáng kể, tăng từ vị trí 69 lên 53 trên bảng xếp hạng mới được công bố đầu năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Các nữ chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) lên đường đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Ảnh: ĐỘC LẬP
Các nữ chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) lên đường đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Ảnh: ĐỘC LẬP

Sự ghi nhận dành cho những nỗ lực vượt bậc

Đáng nói là trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ số sức mạnh mềm quốc gia của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Vị trí cao nhất Việt Nam từng đạt được là 43 ( năm 2018), tuy nhiên, lúc này chỉ có 100 quốc gia được xếp hạng.

Năm nay, danh sách được tính điểm tăng gần gấp đôi, với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Theo đó, chỉ số sức mạnh mềm của Việt Nam tăng thêm 1,8 điểm trên tổng thể các hạng mục, tăng 16 bậc so với năm trước, và đứng ở vị trí 53. Đây là một bước tiến đáng khích lệ cho những nỗ lực vượt bậc về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, ổn định chính trị và từng bước nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam.

Trong bối cảnh thế giới gặp nhiều khó khăn và thách thức trên nhiều phương diện, từ khủng hoảng kinh tế hậu Covid-19 cho đến những xung đột chính trị, quân sự ở một số khu vực, Việt Nam đã tranh thủ mọi nguồn lực trong và ngoài nước để giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài, từng bước khắc phục khó khăn, cải thiện hình ảnh và vị thế của mình.

Theo nhận xét của Brand Finance, Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh cả về kinh tế, quy mô thị trường và hình ảnh thương hiệu. Một mặt, những cơ hội này đến từ sức mạnh nội tại của Việt Nam. Mặt khác, những chủ trương, chính sách của Chính phủ trong việc kiến tạo nền kinh tế năng động, mở rộng, cũng như nỗ lực bản thân của các ban, bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đã góp phần cải thiện và thúc đẩy giá trị thương hiệu đất nước.

Ðịnh lượng sức mạnh mềm trong phát triển giá trị quốc gia

Sức mạnh mềm (soft power) là phạm trù rộng, tổng hợp nhiều yếu tố, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, môi trường, cho đến con người. Khái niệm sức mạnh mềm, còn gọi là quyền lực mềm, do giáo sư người Mỹ Joseph Nye đặt ra năm 1990, để chỉ "một phương thức khác" trong chính sách ngoại giao của các quốc gia, nhằm kiến tạo vị thế, uy tín và thiện cảm trong quan hệ quốc tế, thay cho sự áp đặt bằng sức mạnh "cứng" như quân sự để thiết lập ảnh hưởng.

Lý thuyết sức mạnh mềm không còn mới trong vòng hơn ba thập niên qua, nhưng quan điểm về phát triển quốc gia dựa trên sức mạnh mềm vẫn có nguyên giá trị tiến bộ. Một mặt, tư tưởng này góp phần cảnh tỉnh, kiềm chế sự lạm dụng vũ lực của các nước lớn trong các mối quan hệ quốc tế. Mặt khác và đáng nói, nó trao cơ hội, khuyến khích các nước nhỏ có thể đạt được vị thế và sức ảnh hưởng tích cực một cách hòa bình, thân thiện và bền vững, dựa trên nguyên lý kiến tạo giá trị.

Dễ hiểu tại sao khái niệm sức mạnh mềm đã được các nhà nghiên cứu, giới hoạch định chính sách và các nhà quản trị kết nối với khái niệm thương hiệu quốc gia (nation brand). Thay vì được hiểu một cách khái quát và chung chung, khi gắn với thương hiệu quốc gia, sức mạnh mềm đã được định lượng cụ thể.

Với vai trò là một tập đoàn tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, Brand Finance đã xây dựng bộ chỉ số đo lường sức mạnh mềm, dựa trên khảo sát ý kiến hàng trăm nghìn người từ hàng trăm quốc gia. Trọng tâm của thang đo là tám hạng mục, hay trụ cột của thương hiệu quốc gia, gồm: kinh doanh và thương mại, quan hệ quốc tế, giáo dục và khoa học, văn hóa và di sản, quản trị, truyền thông, phát triển bền vững, con người và giá trị.

Kết quả tính điểm của tám hạng mục này, với mỗi hạng mục lại bao gồm một loạt tiêu chí cụ thể, sẽ góp phần cấu thành điểm đánh giá về ba tiêu chí trọng tâm của sức mạnh mềm quốc gia: danh tiếng (reputation), mức độ ảnh hưởng (influence) và mức độ tin cậy (familiarity).

Định vị Việt Nam trên bản đồ sức mạnh mềm toàn cầu ảnh 1
Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) năm 2023, với kết quả ba Huy chương Vàng và một Huy chương Bạc; trong đó có hai học sinh nằm trong tốp 10 điểm cao nhất. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Những thành quả toàn diện và đáng khích lệ

Năm qua, cùng với chỉ số sức mạnh mềm, Brand Finance cũng đánh giá xếp hạng các thương hiệu mạnh của quốc gia. Danh mục "Vietnam 100" đưa ra danh sách 100 thương hiệu đứng đầu tại Việt Nam, minh chứng cho sự tăng trưởng sức mạnh mềm về phương diện kinh tế. Số liệu từ báo cáo cho thấy, nhìn chung giá trị của các thương hiệu quốc gia có chiều hướng tăng nhanh. Đặc biệt, với việc áp dụng chính sách chuyển đổi số và nâng cao dịch vụ, các thương hiệu ngân hàng tại Việt Nam có mức độ tăng trưởng chung là 47%.

Việt Nam tiếp tục nhận được tín nhiệm cao khi trúng cử Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 của UNESCO. Ngành du lịch quốc gia cũng nhận được nhiều sự ủng hộ từ những tổ chức uy tín quốc tế như: Michelin trao sao cho nhà hàng Việt Nam; 10 món ăn Việt được công nhận là "đặc sản châu Á"; UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới cho quần đảo Cát Bà… Tổng Giám đốc UNESCO, Audrey Azoulay phát biểu trong Kỳ họp Hội đồng lần thứ 24 rằng: "Việt Nam là điển hình thành công kết nối giữa phát triển kinh tế và văn hóa và là một hình mẫu tốt về bảo tồn môi trường và phát triển du lịch bền vững".

Hoạt động ngoại giao của Việt Nam cũng có một năm khởi sắc với rất nhiều chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước, và tiếp đón các đối tác quan trọng. Sự kiện đón tiếp hai lãnh đạo cấp cao của hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc tới thăm chính thức và ký kết, nâng tầm quan hệ hợp tác là điểm nhấn quan trọng trong quá trình tăng cường ngoại giao chiến lược của Việt Nam trong năm vừa qua, góp phần thiết thực vào sự ổn định, hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới.

Những gợi ý cho một chiến lược quốc gia

Các thành tựu về mọi mặt kể trên là minh chứng rõ ràng cho việc thứ hạng của Việt Nam được cải thiện đáng kể trên bản đồ sức mạnh mềm toàn cầu. Cụ thể, hai tiêu chí về mức độ tin cậy và danh tiếng đạt số điểm cao nhất, lần lượt là 6,1 và 5,7 điểm. Chỉ số ảnh hưởng quốc gia cũng tăng, dù còn ở mức khiêm tốn (3,8 so với 3,5).

Báo cáo của Brand Finance cũng chỉ ra giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam có sự tăng trưởng 1,8% (tương đương 1,8 điểm) từ 498 triệu USD lên 507 triệu USD. Sự tăng trưởng này đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có giá trị cao nhất trong khu vực châu Á, và đứng thứ sáu trong 11 quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, nhìn vào bảng xếp hạng cũng có thể thấy một số lĩnh vực còn hạn chế, hoặc chưa được cải thiện nhiều, chẳng hạn như quản trị (2,8 điểm), truyền thông (2,8 điểm), hay giáo dục và khoa học (2,7 điểm). Trong đó, hạng mục giáo dục và khoa học được đo bằng các tiêu chí cụ thể như đóng góp của quốc gia về công nghệ, sáng tạo, thành tựu khoa học, và một nền giáo dục bền vững.

Trong ngành thương hiệu, các chuyên gia đã chỉ ra bốn mục tiêu then chốt của thương hiệu quốc gia là: hấp dẫn đầu tư, tăng cường thương mại, thu hút nguồn nhân lực, và phát triển du lịch. Để xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia thành công không chỉ cần quyết tâm chính trị, mà còn cần một chiến lược có trọng tâm cụ thể, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, mà bảng xếp hạng chỉ số sức mạnh mềm có thể cho những gợi ý giá trị.