Giảm áp lực cho giáo viên, hướng nào?

Trong xã hội hiện đại, người thầy không chỉ là người dạy học, truyền đạt các kiến thức, đào tạo kỹ năng cho người học, mà quan trọng hơn, họ là các nhà giáo dục, giáo dục cho người học phẩm chất đạo đức, giúp người học không chỉ có kiến thức mà còn phát triển năng lực, phẩm chất và hình thành nhân cách. Nói cách khác, người thầy có vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai cho người học.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà giáo cần được giảm bớt những công việc ngoài chuyên môn, để có thể chuyên tâm cho việc dạy học. Ảnh: Thành Đạt
Nhà giáo cần được giảm bớt những công việc ngoài chuyên môn, để có thể chuyên tâm cho việc dạy học. Ảnh: Thành Đạt

Bất cứ quốc gia nào cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của giáo viên. Ở nước ta, từ ngàn xưa đến nay, người thầy luôn được đặt ở vị trí trang trọng: "Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"; "Không thầy đố mày làm nên"; "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo".

Áp lực ngày càng gia tăng

Trong những năm gần đây, kinh tế thị trường và dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và nền kinh tế toàn cầu. Giáo viên cũng đang chịu nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng áp lực công việc là một trong các lý do dẫn đến việc nhiều nhà giáo đã không thể theo nghề đến cùng mà chuyển sang làm công việc khác.

Để tìm hiểu thêm về các áp lực và mức độ của mỗi áp lực mà giáo viên đang phải gánh chịu, chúng tôi đã thực hiện một khảo sát nhanh với số lượng giáo viên tham gia là 155 người, gồm cả giáo viên cấp tiểu học (chiếm tỷ lệ 8,4%), trung học cơ sở (51,6%) và trung học phổ thông (40%). Số năm công tác của người tham gia khảo sát dưới 10 năm chiếm 23,2%, từ 10-20 năm chiếm 48,4%, hơn 20 năm chiếm 28,4%. Có 58,7% số người tham gia khảo sát đang dạy học ở khu vực nông thôn, số còn lại sống ở các thành phố/thị xã. Khảo sát về 20 loại áp lực mà giáo viên có thể có như áp lực từ học sinh, phụ huynh, chương trình-sách giáo khoa mới, thu nhập,… với bốn mức độ (cao, trung bình, thấp và không áp lực), chúng tôi nhận thấy các áp lực có thể được chia thành bốn nhóm: Nhóm áp lực cao nhất đối với giáo viên là về thu nhập thấp, nhu cầu tìm việc làm thêm để bảo đảm cuộc sống, chương trình và sách giáo khoa mới, nhiều sổ sách/văn bản. Nhóm áp lực cao thứ hai bao gồm: sự thiếu tôn trọng nhà giáo, công việc ngoài giờ nhiều, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Nhóm áp lực tiếp theo là áp lực từ mạng xã hội, phương tiện truyền thông, nhà trường, lãnh đạo, công tác thi đua khen thưởng, giờ dạy nhiều. Nhóm áp lực thấp nhất là từ học sinh, phụ huynh, hoạt động ngoại khóa của trường. Một số giáo viên còn nêu lên một số áp lực khác mà họ phải chịu như áp lực từ gia đình, các cuộc thi giáo viên và học sinh giỏi, soạn giáo án, đánh giá chưa thực chất trong trường học, các môn học mới,…

Xây dựng lộ trình giảm tải

Để giải quyết áp lực từ thu nhập thấp, nhu cầu về tìm việc làm thêm để bảo đảm cuộc sống, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của giáo viên để tiền lương và thu nhập cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, đồng thời các địa phương cũng cần có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại,… cho giáo viên.

Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa cũng là một trong các áp lực cao đối với giáo viên. Trên thực tế, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình 10-15 năm không chỉ được thực hiện ở Việt Nam mà ở cả các nước khác trên thế giới nhằm cập nhật nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục. Mục tiêu và quá trình giáo dục có mối quan hệ chặt chẽ với điều kiện kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ. Khi điều kiện kinh tế-xã hội thay đổi, khoa học-công nghệ phát triển thì mục tiêu giáo dục cần phải thay đổi phù hợp với sự phát triển đó, đồng thời dẫn đến nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục cần thay đổi đáp ứng với mục tiêu giáo dục.

Nhằm giúp giáo viên giảm bớt áp lực về chương trình và sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà giáo dục, các nhà trường cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về việc cần thiết phải đổi mới chương trình giáo dục. Đồng thời mỗi giáo viên cũng cần xác định được việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa là tất yếu trong giáo dục. Bộ nên giao cho các chuyên gia giáo dục xây dựng các sổ tay về đổi mới chương trình, hướng dẫn dạy học các môn học, đặc biệt là những môn học mới, nhằm giúp giáo viên hiểu sâu sắc về chương trình và yên tâm triển khai việc dạy học theo chương trình mới.

Với chương trình mới - một chương trình định hướng hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực học sinh - khác với các chương trình đã được triển khai trước đây tập trung vào nội dung dạy học - việc thay đổi cách tiếp cận dạy học và kiểm tra đánh giá là điều giáo viên cần phải thực hiện. Để hỗ trợ giáo viên, nhiều dự án phát triển giáo dục, nhiều địa phương và nhà trường đã tiến hành tập huấn giáo viên, nhưng việc tập huấn quá nhiều và phương thức chưa hiệu quả vô hình trung lại làm cho giáo viên cảm thấy áp lực và khó khăn hơn. Do vậy, khi thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, các địa phương, các nhà trường cần quan tâm đổi mới việc tập huấn giáo viên và giúp giáo viên tháo gỡ khó khăn. Có thể tổ chức các hội thảo nhỏ, dự giờ góp ý lẫn nhau, tạo các cộng đồng giáo viên cùng nhau học tập, chia sẻ cách dạy học. Đây mới là cách tiếp cận tiên tiến. Nhà trường được tổ chức như một cộng đồng học tập, sử dụng phương pháp học tập hành động hợp tác trên nền tảng của một nhà trường đổi mới.

Một số áp lực khác được nhiều giáo viên đưa ra đó là trong nhà trường có nhiều sổ sách, văn bản yêu cầu giáo viên thực hiện. Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương và nhà trường cần giảm bớt những sổ sách không cần thiết để giáo viên tập trung vào việc dạy học.

Giảm áp lực cho giáo viên, hướng nào? ảnh 1
Giờ lên lớp tại Trường tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh: Hồng Phúc

Ngoài việc chịu khá nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống, vai trò và sự tôn trọng giáo viên đang bị giảm sút rất mạnh. Một câu hỏi đã được đặt ra trong khảo sát nhanh là "Làm thế nào để nâng cao vị thế nhà giáo trong bối cảnh hiện nay?". Chúng tôi đã thu nhận được hàng chục đề xuất như: pháp luật cần bảo vệ giáo viên; cần có chế tài thưởng/phạt phân minh đối với nhà giáo và đối với học sinh; cần có sự đánh giá giáo viên/học sinh thực chất hơn, không chạy theo thành tích; phạt nặng những hành vi tuyên truyền trên mạng xã hội về những câu chuyện ở trường học khi chưa rõ thực hư; cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về những tấm gương nhà giáo mẫu mực, những nhà giáo không ngại khó, ngại khổ, có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục ở các cấp bậc học.

Trong xu thế đổi mới giáo dục, xã hội đòi hỏi người thầy phải thay đổi phương pháp dạy, phải từ bỏ cách truyền thụ một chiều, phải ứng dụng công nghệ thông tin và đa phương tiện, phải giúp cho thế hệ trẻ biết sáng tạo, biết tìm kiếm, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin, phải giỏi ngoại ngữ và giáo viên phải làm nhiều việc khác nữa cho thế hệ trẻ. Rất nhiều áp lực đang đặt lên vai nhà giáo từ chính những đổi mới của giáo dục. Song, dù công nghệ phát triển tới mức nào, các doanh nhân, các nhà phát minh sáng chế đã và sẽ không thể xây dựng được một nền giáo dục không có giáo viên hoặc sử dụng những giáo viên robot bởi trong một bài giảng, tiết giảng của thầy, cô giáo vẫn còn những điều mà không thể đo đếm, cũng không thể thay thế được. Cũng bởi vậy, hơn lúc nào hết, cần lắm sự góp sức từ xã hội và các nhà quản lý để chia sẻ những áp lực giúp các nhà giáo yên tâm và mãi mãi say mê với sự nghiệp trồng người.