Đột phá để có chỗ trong nền kinh tế tăng trưởng cao

Phải có chỗ trong nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững đang là mục tiêu của các doanh nghiệp. Đồng nghĩa, sẽ có sự đột phá về chất lượng và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong cơ chế, chính sách.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu dệt may là 44 tỷ USD, Việt Nam chiếm khoảng 7% quy mô giao dịch thương mại hàng dệt may thế giới.
Năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu dệt may là 44 tỷ USD, Việt Nam chiếm khoảng 7% quy mô giao dịch thương mại hàng dệt may thế giới.

Dệt may có còn chỗ đứng?

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã đặt câu hỏi nhiều hàm ý này vào những ngày đầu tiên của tháng 1/2025, ngay sau khi thông điệp về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 phải đạt ít nhất là 8% và cao hơn, thậm chí ở mức hai con số, được Chính phủ gửi đi.

Năm 2024, Việt Nam đã vượt lên, trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới sau sáu năm liên tục đứng ở tốp 3. Với kim ngạch xuất khẩu dệt may là 44 tỷ USD trong năm 2024, Việt Nam đang chiếm khoảng 7% quy mô giao dịch thương mại hàng dệt may thế giới. Nếu tính điểm các tiêu chí để đánh giá, như: tốc độ ra thị trường, độ linh hoạt trong sản xuất, chất lượng, đơn giá, khả năng tích hợp dọc theo chuỗi… thì Việt Nam ngang điểm với Ấn Độ, Trung Quốc, với 25/40 điểm, vượt qua Bangladesh (22 điểm), Campuchia (21 điểm)…

Theo ông Trường, điểm của chúng ta đều ở mức khá, hơn 3 điểm, nhưng không có tiêu chí nào hơn 4 điểm, ở mức điểm tốt, nghĩa là không có điểm mạnh đột phá. Trong khi đó, xu thế của thế giới đang là xanh, sạch, tuần hoàn; nền kinh tế Việt Nam đang hướng tới nền công nghiệp xanh, sạch có giá trị gia tăng cao.

Nếu ngành dệt may tăng giá trị gia tăng lên 10% trong 5 năm tới, nâng tỷ lệ nội địa từ 50% hiện nay lên cao hơn, thì sẽ tham gia trực tiếp vào tăng trưởng GDP ở mức 8% của nền kinh tế.

“Vậy ngành công nghiệp nhẹ, gồm dệt may, da giày với 10 triệu lao động nằm ở đâu trong giai đoạn vươn mình, đẩy mạnh tốc độ và chất lượng tăng trưởng?”, ông Trường đặt vấn đề.

Vì, các doanh nghiệp đang nhìn thấy cả thách thức và cơ hội của ngành. Khi xu hướng tiêu dùng đang dịch chuyển từ số lượng sang chất lượng và giá trị, dệt may Việt Nam có lợi thế nhờ thế mạnh sản xuất hàng khó, chất lượng cao, kỹ năng người lao động tốt. Việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng đang được thực hiện, bảo đảm các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Nhưng để các doanh nghiệp dệt may không kéo lùi tăng trưởng của nền kinh tế thì có những việc doanh nghiệp không làm được. Vì để gỡ được điểm yếu về tích hợp dọc theo chuỗi giá trị, cần có quy hoạch với diện tích đủ lớn; nếu muốn tạo đột phá chất lượng, cần đón được đại bàng công nghệ thời trang; muốn thúc đẩy công nghệ xanh thì cần tài chính xanh, tài chính cho hoạt động nghiên cứu và phát triển… Đặc biệt, chi phí logistics và thủ tục hành chính cũng là các yếu tố làm giảm yếu tố cạnh tranh khi hàng dệt may Việt Nam đang có chi phí logistics cao nhất trong giá thành trong nhóm tám nền kinh tế có quy mô xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

“Dệt may Việt Nam không còn thâm dụng lao động như hàng chục năm trước, đang “xanh” và “số” hơn, nhưng rất cần Chính phủ có quy hoạch phát triển rõ ràng để dệt may tham gia được vào giai đoạn phát triển tới của đất nước”, ông Trường đề xuất.

Không gian cho những người chủ động

Nhìn nhận sự chuyển dịch của các ngành kinh doanh truyền thống, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho rằng, các doanh nghiệp còn tồn tại là đã có sự thay đổi.

Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… là những xu thế tất yếu, buộc không chỉ các doanh nghiệp mà các Chính phủ cùng theo. Nhưng lợi ích và cơ hội, không gian phát triển sẽ lớn hơn với các doanh nghiệp chuyển đổi chủ động hơn, sớm hơn.

Không những thế, sự đồng bộ của chính sách và nỗ lực của doanh nghiệp trong chuyển đổi, nâng cao hiệu suất, nâng cao sức cạnh tranh sẽ đóng góp rất đáng kể vào tốc độ tăng trưởng GDP năm nay và những năm tới.

Theo Báo cáo Đổi mới công nghệ của Việt Nam và đóng góp của công nghệ vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện, trong tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5,6% của 5 năm này, 3,06% nhờ vốn; 3,29% do đổi mới công nghệ; nhưng có âm (-) 1,06% do những chậm chạp trong cải thiện hiệu suất.

Có nguyên nhân là doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư mua sắm dây chuyền, công nghệ nhưng chưa thật sự hấp thụ công nghệ do chưa cải tiến trình độ nhân lực, đổi mới quy trình sản xuất, sản phẩm mới dựa trên công nghệ mới.

Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang nhìn nhận thấy đòi hỏi này. Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy thừa nhận, trong quá trình đầu tư, đổi mới công nghệ, sẽ có giai đoạn chỉ lỗ, vượt qua được giai đoạn này, doanh nghiệp sẽ bứt phá.

“Đây là khó khăn của cả doanh nghiệp và Chính phủ của nhiều quốc gia. Đã có nhiều quốc gia không vượt qua được giai đoạn này, không vượt được “bẫy thu nhập trung bình”. Song nếu Chính phủ và doanh nghiệp đồng hành tiến bước, bài toán sẽ được giải”, ông Duy nói.

Sự đồng hành được phân tích ở 3 khía cạnh: Một là xóa bỏ rào cản để doanh nghiệp “vượt lên”. Hai là tạo cơ chế ưu đãi, gia tăng “sức khỏe”, động lực cho doanh nghiệp bằng chính sách tài chính, chính sách thuế, nhà đất… Ba là tạo ra môi trường cạnh tranh để doanh nghiệp buộc phải vươn lên, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tôi tin, doanh nghiệp sẽ bứt phá!

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse đang nhìn thấy cơ hội của chu kỳ tăng trưởng mới khi có những chuyển dịch của kinh tế thế giới và trong nước.

Theo dự cảm của ông Phú, dù có nhiều thách thức, nhưng cơ hội rõ nét. Các ngành liên quan đến sản xuất, xuất khẩu và các ngành nghề liên quan vẫn tăng trưởng tốt. Tương tự, kinh doanh trên nền tảng số, gồm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nội dung số, game... sẽ tiếp tục theo xu hướng đi lên.

Đặc biệt, ông Phú “đặt cược” vào sự trở lại của những ngành nghề đã phải đứng yên trong thời đại dịch Covid-19. “Đây là điểm khởi đầu tốt để đầu tư, bắt đầu các ngành nghề: du lịch, ăn uống, nghỉ dưỡng và các dịch vụ, sản phẩm liên quan”, ông Phú khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Phú, cũng không bỏ qua điều kiện cần cho các dự báo thành hiện thực, đó là hành động của các cơ quan thực thi chính sách.

“Năm nay, chỉ cần các cơ quan thực thi chính sách, nhất là cấp địa phương nhìn nhận doanh nghiệp thật sự là động lực tăng trưởng, là người thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8%, tôi tin doanh nghiệp sẽ bứt phá!”, ông Phú tự tin.

Trong mọi trường hợp, tôi tin mỗi doanh nhân đều hiểu phải thay đổi hay là chết, phải tăng trưởng hay là chết? Tự thân họ sẽ cố gắng thực hiện các thay đổi đó. Chính sách cần có là giúp họ thay đổi một cách dễ dàng, thuận tiện và đỡ tốn kém nhất” - ông MAI HỮU TÍN, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành