Lựa chọn một thử thách chưa từng đối mặt
Năm 2024 đã khép lại với những kết quả ấn tượng. Việt Nam hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đạt khoảng 800 tỷ USD, với xuất siêu lên tới 24 tỷ USD, phá vỡ mọi kỷ lục trước đây. Đặc biệt, về thu ngân sách, Việt Nam đã đạt tổng thu ngân sách hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so dự toán và 18% so cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ tư liên tiếp ngân sách nhà nước thu vượt dự toán đề ra, với mức thu vượt dự toán ước đạt 336,5 nghìn tỷ đồng.Mục tiêu tăng trưởng GDP “hai con số” vào năm 2025 được coi là tham vọng, nhưng với nền tảng đã có trong năm 2024, cùng quyết tâm cải cách mạnh mẽ từ Chính phủ, việc hướng tới mục tiêu này là một định hướng đúng đắn, tạo động lực cho toàn bộ nền kinh tế bứt phá.
Mục tiêu tăng trưởng GDP “hai con số” vào năm 2025 được coi là tham vọng, nhưng với nền tảng đã có trong năm 2024, cùng quyết tâm cải cách mạnh mẽ từ Chính phủ, việc hướng tới mục tiêu này là một định hướng đúng đắn, tạo động lực cho toàn bộ nền kinh tế bứt phá.
Chia sẻ về định hướng vĩ mô, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, Chính phủ đã xác định các động lực, giải pháp để trong năm 2025 ít nhất đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, phấn đấu đạt tăng trưởng “hai con số”. Trong đó, có đưa ra yêu cầu rất cao cho các địa phương thường gọi là “đầu tàu, động lực tăng trưởng” như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai hay một số địa phương khác. Nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn con số đạt được của năm 2024, sẽ tạo ra động lực tăng trưởng rất lớn.
Thực tế, Việt Nam đã từng gần đạt được mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 1995-1996, khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng hơn 9%. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đức Anh (Học viện Ngân hàng), tăng trưởng GDP “hai con số” được định nghĩa là mức tăng trưởng từ 10% trở lên. Việc duy trì mức tăng trưởng này một cách bền vững trong dài hạn là một thử thách mà Việt Nam chưa từng đối mặt.
Ông Phạm Đức Anh nhận định, đây sẽ là một thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế hiện tại, nhưng hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ và tận dụng tốt các động lực tăng trưởng mới.
Cuộc chơi mới, thách thức mới
Bàn về giải pháp hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, chúng ta cần làm mới các động lực tăng trưởng.
Dẫn số liệu về đầu tư theo kế hoạch năm 2025, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm phân tích, các bộ, ngành và địa phương sẽ phải thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư công khoảng 295.000 tỷ đồng, cộng với số chuyển tiếp của năm 2024 là khoảng hơn 300.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2025, địa phương này được giao giải ngân đầu tư công hơn 80.000 tỷ đồng, cộng thêm nguồn vốn Trung ương lên đến 85.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn, nếu giải ngân được hết số vốn này thì sẽ tạo động lực để thu hút các thành phần kinh tế khác, làm vốn mồi để thu hút, thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm chỉ rõ, tạo động lực mới từ việc đẩy mạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Dự kiến, hết năm 2025 sẽ hoàn thành 3.000 km đường cao tốc và 1.000 km đường ven biển. Trong đó, có nhiều dự án đường cao tốc sẽ nâng quy mô từ 2 làn lên 4 làn, và từ 4 làn lên đủ làn theo quy hoạch… Cụ thể, dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, dài 729 km, đã bắt đầu thi công từ năm 2023 và dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025, vận hành từ năm 2026.
Cùng với đó, một số dự án trọng điểm khác như sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4 Hà Nội cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam với tổng vốn đầu tư 67,3 tỷ USD dự kiến khởi công năm 2027 và hoàn thành năm 2035, sẽ tạo ra thị trường xây dựng trị giá 33,5 tỷ USD, mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, ghi nhận mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Khoản ngân sách này sẽ giúp đẩy mạnh thi công các công trình trọng điểm.
“Đây là cuộc chơi mới và cách thức mới để chúng ta thu hút được thêm nguồn lực. Nếu chúng ta làm được việc này thành công, chắc chắn sẽ có nhiều nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế”, ông Tâm chia sẻ.
Tập trung vào ba đột phá chiến lược
Trong Báo cáo phân tích triển vọng ngành xây dựng hạ tầng do các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán ACB công bố mới đây, đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 khi dư địa đẩy mạnh đầu tư công còn nhiều. Các biện pháp quyết liệt từ Chính phủ, nền tảng ngân sách tích cực, cùng các dự án trọng điểm được đốc thúc triển khai hy vọng sẽ thúc đẩy giải ngân mạnh mẽ từ năm 2025.
Theo nhận định của các chuyên gia, tầm nhìn của Chính phủ về tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2026-2030 là 7,5-8,5%/năm. Do vậy, yếu tố then chốt để đạt được kế hoạch tăng trưởng GDP này phần lớn sẽ đến từ các hoạt động giải ngân đầu tư công đầy tham vọng. Thực tế cho thấy, “bức tranh về ngân sách nhà nước và nợ công của Việt Nam” hiện ở trạng thái rất tích cực, từ đó tạo nhiều dư địa cho việc tăng thêm nợ vay của Chính phủ, thúc đẩy chi tiêu đầu tư công. Đầu tư công sẽ nhanh chóng được thúc đẩy ngay từ đầu năm 2025, ngay khi các luật mới vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV chính thức có hiệu lực.
Ngay tại Phiên toàn thể mùa xuân trong khuôn khổ Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 (VESF 2025) được tổ chức tại Hà Nội trong những ngày đầu năm 2025, thông tin về định hướng phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam hiện tập trung vào ba đột phá chiến lược theo nghị quyết của Đại hội Đảng: Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và pháp luật. Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ dự kiến bố trí 800.000 tỷ đồng cho đầu tư công trong năm 2025, tập trung vào các dự án trọng điểm như đường cao tốc, sân bay Long Thành, chuẩn bị triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam (khởi công năm 2027), các tuyến đường sắt cao tốc từ Trung Quốc nối về Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội, nối từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống Vũng Tàu, Kiên Giang... Thứ ba, hạ tầng năng lượng cũng được chú trọng với các dự án điện hạt nhân, năng lượng tái tạo và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm. Không chỉ tập trung thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, Chính phủ còn xác định đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về năng lượng điện, khu công nghiệp, khu kinh tế… để tạo ra động lực phát triển kinh tế đột phá hơn, bền vững hơn. Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đang chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế số để hướng tới mục tiêu tăng trưởng với chất lượng cao nhất, mạnh mẽ và bền vững nhất. Chính phủ xác định sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo; tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực một cách mạnh mẽ nhất, sát hợp nhất, theo kịp với nguồn nhân lực chất lượng cao của thế giới. Đây được coi là giải pháp cốt lõi để làm thay đổi về bản chất của tăng trưởng trong thời gian tới.
“Và đây cũng chính là nền tảng quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh chóng và nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP “hai con số” trong năm 2025 và những năm tiếp theo”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dự án cao tốc đường bộ nhánh phía đông, đoạn Nha Trang- Cam Lâm. |
Trong lĩnh vực hạ tầng, năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành xây dựng 2.021 km đường cao tốc. Mục tiêu đến năm 2025 là 3.000 km và đến năm 2030 đạt 5.000 km đường cao tốc. Bên cạnh đó, Việt Nam đang chuẩn bị cho các dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao bắc-nam, các tuyến đường sắt kết nối liên vùng, cùng hệ thống cảng biển và sân bay hiện đại. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Nam đang hướng tới một kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ và bền vững” - Phó Thủ tướng Chính phủ HỒ ĐỨC PHỚC.