- Sự phát triển mạnh mẽ của sản phẩm AI đã đặt ra vấn đề quản lý về mặt đạo đức của AI như thế nào. Được biết, VINASA đã công bố thành lập Ủy ban Đạo đức AI với sứ mệnh xây dựng hệ sinh thái AI. Ông có thể nói rõ hơn về khái niệm “đạo đức” AI?
- Trước tiên, xuất phát từ gốc rễ của vấn đề, tại sao chúng ta phải hình thành khái niệm “đạo đức của AI”? Tôi phải khẳng định rằng, bản chất của AI là một cỗ máy do con người lập trình để nó có thể hoạt động theo cách giống con người, như con người mong muốn.
Về mặt chuyên môn, dù đang bắt chước con người một cách mạnh mẽ, bài bản nhưng AI vẫn chỉ là một cỗ máy, chưa thể đạt trình độ như con người. Song nếu ngay từ đầu chúng ta không đặt ra những quy tắc để người lập ra AI tuân theo thì có nhiều nguy cơ nó sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ. Chính vì vậy phải có những quy chuẩn về mặt đạo đức AI.
Thực tế, con người phải có hành trình hàng trăm nghìn năm hình thành và phát triển mới tạo nên những giá trị, những quy tắc đạo đức, ứng xử chuẩn mực. AI đang làm khá tốt hoạt động bắt chước con người qua việc thu thập dữ liệu, nhưng những chuẩn mực đạo đức là khái niệm vô hình, rất khó để sản phẩm AI có thể làm theo. Chính vì vậy, đôi khi những thứ AI đang làm có nguy cơ trở nên gây hại khi không được kiểm soát về mặt đạo đức.
Đặc biệt, khi AI đang dần đạt đến trình độ ngày càng giống con người, sẽ lại càng nguy hiểm hơn nữa. Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, nếu AI vượt ngoài tầm kiểm soát của con người thì còn nguy hiểm hơn bom nguyên tử. Bởi lẽ, như bạn biết, một quả bom được phóng lên có thể gây hại cho một vùng đất, một thành phố, nhưng sản phẩm AI đang len lỏi vào mọi ngõ ngách, tác động đến toàn xã hội… Và việc đặt ra những quy tắc về đạo đức AI là vô cùng cần thiết.
- Được biết Ủy ban sẽ xây dựng chính sách và tiêu chuẩn đánh giá rủi ro và nâng cao nhận thức về AI có trách nhiệm. Công việc này đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Ủy ban Đạo đức AI đang bắt đầu những bước đầu tiên để xây dựng quy tắc ứng xử theo nguyên tắc được sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan. Bộ nguyên tắc này hướng đến những giá trị nhân văn, lợi ích của cộng đồng, xã hội.
Khi lên ý tưởng xây dựng, chúng tôi đã xác định rõ bộ quy tắc này không ngăn cấm sự phát triển của khoa học-công nghệ, bởi AI là cơ hội lớn cho Việt Nam. Những quy tắc được đặt ra sẽ vì mục tiêu chung là sự phát triển bền vững, bảo đảm của trí tuệ nhân tạo, kịp thời ngăn chặn những hành vi vượt quá giới hạn đạo đức và dễ có nguy cơ sa vào những vi phạm pháp luật.
Thí dụ, trong ngành y tế, trong lễ tốt nghiệp trước khi ra hành nghề các sinh viên y khoa phải đọc và nguyện làm theo lời thề Hippocrates như một lời hứa với lương tâm của chính mình về những đạo đức làm nghề. Pháp luật là chế tài xử phạt những sai phạm, nhưng những quy tắc về mặt đạo đức sẽ có giá trị thiêng liêng hơn rất nhiều. Đây cũng là mục đích Ủy ban Đạo đức trí tuệ nhân tạo muốn hướng đến, với mong muốn đặt ra cho những người làm công nghệ, những người sáng tạo sản phẩm AI của Việt Nam vấn đề đạo đức nghề nghiệp.
Đôi khi những thứ AI đang làm có nguy cơ trở nên gây hại khi không được kiểm soát về mặt đạo đức. |
VINASA hiện có khoảng 600 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực khoa học-công nghệ với hoạt động chính là nghiên cứu và tập trung gia công phần mềm. Nhưng nguồn lực trong nước chưa được giải phóng hiệu quả bởi nhu cầu thị trường nội địa về các sản phẩm công nghệ AI còn yếu, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm cơ hội tại thị trường nước ngoài.
- Sự phát triển của AI trong tương lai sẽ có tác động trực tiếp đến đối tượng doanh nghiệp. Vậy theo ông, AI sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp cung cấp sản phẩm AI và những doanh nghiệp ứng dụng các sản phẩm đó?
- Ngay trong hoạt động nghiên cứu công nghệ tại Bkav cũng cho thấy rất rõ điều này. Có những công việc trước kia chuyên viên của chúng tôi phải thực hiện trong vài tháng từ khâu lên kế hoạch đến triển khai phát triển sản phẩm, nhưng những trợ lý ảo có thể giải quyết ngay trong một cuộc họp.
Thí dụ liên quan đến việc phát triển một sản phẩm công nghệ mới, trước kia tôi sẽ giao cho một nhóm chuyên viên nghiên cứu, sẽ phải mất một khoảng thời gian dài luẩn quẩn trong chuỗi “báo cáo - phân tích - báo cáo…” mà chưa thể đưa ra giải pháp tối ưu. Nhưng đến nay, chúng tôi đã hình thành thói quen là sẽ giải quyết những vấn đề tương tự trong một buổi họp bởi chúng tôi đã có sự hỗ trợ đắc lực từ AI. Có thể những kết quả AI mang lại chưa thật sự là điều bạn đang cần nhưng nó sẽ là gợi ý để bạn giải quyết vấn đề và không bị bỏ lỡ cơ hội.
Còn đối với doanh nghiệp mua sản phẩm AI để ứng dụng thì càng thấy rõ lợi ích như đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, những dữ liệu có sẵn sẽ giúp AI hỗ trợ khâu chăn nuôi, sản xuất chuẩn hơn những kỹ sư nông nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm thì chắc chắn sẽ vẫn có sai số. Ngay trong ngành dệt may cũng vậy, sản phẩm AI có thể hỗ trợ khâu sản xuất, cắt may với số lượng lớn mà không có sai sót, mang lại hiệu suất cao hơn rất nhiều.
- Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo ông Nghị quyết này sẽ có tác động như thế nào đến việc phát triển AI tại Việt Nam?
- Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị là những điều mà giới công nghệ và VINASA mong chờ từ rất lâu. Bản thân tôi cũng rất trăn trở với sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành “con rồng” của châu Á bằng khoa học-công nghệ, khi đó chúng ta có thể làm chủ những công nghệ hiện đại trong lĩnh vực: An ninh mạng, điện tử viễn thông, chuyển đổi số, AI…
Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là triển khai trong thực tế. Những chính sách mới của Đảng và Nhà nước đã tập trung nhiều hơn đến doanh nghiệp đặc biệt là chính sách đầu tư ngân sách dành cho ngành khoa học-công nghệ sẽ là điều kiện để các cơ quan, doanh nghiệp trong nước mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào các sản phẩm công nghệ. Từ đó, người làm công nghệ có thêm động lực triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển thị trường. Khi hơn 600 doanh nghiệp về công nghệ có môi trường, có thị trường để phát triển thì chúng tôi tự tin cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài với những nguồn lực sẵn có.
Hơn nữa, khi nhu cầu sử dụng sản phẩm công nghệ của các cơ quan, doanh nghiệp trong nước tăng cao cũng sẽ là động lực để chúng tôi đổi mới sáng tạo thay vì gia công đơn thuần. Nước ta đang có rất nhiều lợi thế hơn một số các quốc gia trong khu vực để phát triển khoa học-công nghệ, nếu đón được cơ hội “vàng” trong giai đoạn này thì không có lý do gì có thể ngăn cản chúng ta vào nhóm đứng đầu khu vực và thế giới về nghiên cứu và phát triển AI, và trở thành trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số theo như mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW.
- Trân trọng cảm ơn ông!
"Với riêng những người làm công nghệ, Nghị quyết số 57-NQ/TW giống như “nắng hạn gặp mưa rào”, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận những giải pháp tạo điều kiện cho lĩnh vực này có bước phát triển đột phá. Chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đầy đủ và bao trùm tất cả mong muốn của chúng tôi” - ông NGUYỄN TỬ QUẢNG - Chủ tịch Ủy ban Đạo đức AI