Cơ hội trở thành trung tâm kinh tế số của khu vực

Kinh tế số đang thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, làm thay đổi một cách cơ bản đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi cần thiết để tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế số. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi cần thiết để tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế số. Ảnh: Lê Tiên

Cuối năm 2024, Việt Nam chính thức thương mại hóa mạng 5G với sự tham gia của các nhà mạng Viettel và VNPT. Trong đó, Viettel khai trương mạng 5G ngày 15/10/2024, chỉ sau sáu tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 MHz, còn VNPT công bố chính thức cung cấp dịch vụ 5G siêu tốc độ, siêu trải nghiệm từ ngày 20/12/2024 cho người dùng VinaPhone trên cả nước. Không chậm trễ, nhà mạng MobiFone cũng đã được cấp giấy phép băng tần C3 và đang khẩn trương làm các thủ tục để sớm thương mại hóa 5G.

Những chuyển động tích cực

Ghi nhận Việt Nam đang từng bước xây dựng hạ tầng số hiện đại để hỗ trợ mạng 5G, bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam cho rằng, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Đồng thời, 5G cũng có tiềm năng trở thành một yếu tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Các ngành được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là logistics, thành phố thông minh, ngành sản xuất...

Tỷ lệ thuận với tốc độ đầu tư hạ tầng số hiện đại và an toàn, không gian mới cho tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đang được mở ra với nhiều cơ hội lớn. GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng nhờ áp dụng các công nghệ số mới, cho thấy tiềm năng lớn của nền kinh tế số trong những năm tới. Một số ngành công nghiệp đang số hóa rất nhanh, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và công nghệ tài chính; chính phủ điện tử và xã hội số cũng có những bước tiến lớn. Về cơ cấu kinh tế số ngành, lĩnh vực thương mại điện tử có bước phát triển ấn tượng với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm từ 16-30% trong bốn năm qua, nhanh hơn 2,3 lần so với thương mại điện tử thông thường trong khoảng thời gian từ năm 2022-2025 và thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trong 5 năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động quốc tế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt doanh thu hằng năm hơn 1 triệu USD với số lượng sản phẩm xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế tăng 300%. Hệ sinh thái khởi nghiệp đang được phát triển khá năng động, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ với số lượng các startup công nghệ tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Kinh tế số đang thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, làm thay đổi một cách cơ bản đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, năm 2024, Chỉ số Chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam xếp hạng 71/193, tăng 15 bậc so với năm 2022 và xếp thứ 5/11 tại khu vực Đông Nam Á, tăng một bậc. Đây là lần đầu Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức rất cao và có vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá.

Sự tiến bộ vượt bậc trong xếp hạng EGDI đã góp phần cải thiện vị thế quốc gia, qua đó thúc đẩy cải cách hành chính, công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan nhà nước, thu hút đầu tư tốt hơn. Trong khi đó, hành trình chuyển đổi số trong khu vực sản xuất - lĩnh vực được đánh giá là chuyển đổi số khó khăn và tốn kém hơn, cũng ngày càng có nhiều bài học thành công được chia sẻ. Như câu chuyện của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, chỉ sau một năm chuyển đổi số, năm 2024, doanh thu sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp này đã tăng 144% so với năm trước, dự kiến doanh thu đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với trước khi chuyển đổi số… Công nghệ số đã tạo ra bước đột phá về năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp và là nền tảng để Rạng Đông đặt mục tiêu thiết lập mặt bằng tăng trưởng mới 20-25%/năm cho giai đoạn 2025-2030.

Dự báo trong 5 năm tới, mạng 5G sẽ chiếm hơn 50% số thuê bao di động, là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 20% GDP của đất nước vào năm 2025.

Cơ chế thử nghiệm cho kinh tế số

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam hiện đạt khoảng 20%/năm, gấp ba lần tốc độ tăng GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2024 đạt khoảng 18,3%, tiến dần mục tiêu đưa tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg. Giai đoạn 2021-2024, chuyển đổi số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Kinh tế số, xã hội số tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và xuất khẩu đi khắp thế giới.

GS Trần Thọ Đạt chỉ ra, mặc dù đối mặt với các thách thức như thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng chưa đồng đều, vấn đề về an ninh mạng và bảo mật thông tin, nhưng với dân số trẻ, năng động và sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới, Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành một trung tâm kinh tế số của khu vực. Thuận lợi trước hết là quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số, thể hiện qua việc sớm ban hành chương trình/chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia và Phát triển kinh tế số với nhiều mục tiêu cụ thể cần đạt được. Về phía cầu, thu nhập của người dân trong thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể và quy mô dân số đạt 100 triệu dân với tỷ lệ dân số trẻ lớn là yếu tố khiến Việt Nam được xem là một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm và dịch vụ kinh tế số.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phù hợp bối cảnh thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế số, quy định của các quốc gia tập trung vào các nội dung chủ yếu như vai trò ngày càng tăng của các cơ quan quản lý; thành lập các cơ quan chuyên trách với những nhiệm vụ mới; yêu cầu phối hợp ngày càng tăng giữa các cơ quan và đổi mới các phương pháp tiếp cận chính sách. GS Trần Thọ Đạt cho rằng, nền kinh tế số đang mang lại cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và đánh giá về vai trò mới của Nhà nước trong việc bảo đảm cho nền kinh tế số hoạt động một cách phù hợp, hiệu quả và lành mạnh. Trong đó, hoàn thiện và thiết lập thể chế, chính sách và môi trường pháp lý là nhiệm vụ xuyên suốt, cần có mức độ ưu tiên cao nhất và được lồng ghép trong tất cả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số và xã hội số.

Thể chế kiến tạo phát triển kinh tế số sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo đảm trách nhiệm tuân thủ pháp luật như nhau trong môi trường số, góp phần giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong phát triển kinh tế số. Thể chế này bao gồm phát triển nhanh và bền vững thông qua việc thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện mô hình trước khi triển khai nhân rộng; phát triển đồng bộ các yếu tố tạo nền móng cho kinh tế số, đồng thời xác định một số ngành, lĩnh vực trọng tâm cần tập trung triển khai, bảo đảm cân bằng giữa đổi mới sáng tạo với bảo vệ quyền riêng tư, quyền sở hữu trí tuệ, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn phát triển của Việt Nam…

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tại Việt Nam, Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi cần thiết để tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế số, trong đó có nội dung nghiên cứu tạo lập khuôn khổ pháp lý để triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm, cơ chế đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế số cần được đẩy mạnh hơn nữa để có thể tạo sự đột phá, trong đó có việc thí điểm các mô hình mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển ■

Nền kinh tế số đang mang lại cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và đánh giá về vai trò mới của Nhà nước trong việc bảo đảm cho nền kinh tế số hoạt động một cách phù hợp, hiệu quả và lành mạnh. Trong đó, hoàn thiện và thiết lập thể chế, chính sách và môi trường pháp lý là nhiệm vụ xuyên suốt, cần có mức độ ưu tiên cao nhất và được lồng ghép trong tất cả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số và xã hội số”.

GS TRẦN THỌ ĐẠT

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo,
Đại học Kinh tế quốc dân