Tăng mạnh quy mô dòng vốn giá rẻ

Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã “bơm” gần 200.000 tỷ đồng ra thị trường. Làm sao để nguồn vốn này được hấp thu hiệu quả, giúp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, tương đương quy mô tín dụng tăng thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng trong năm 2025?
0:00 / 0:00
0:00
Ngay từ quý đầu năm 2025, Agribank đã triển khai 9 chương trình tín dụng quy mô hơn 350.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp vào các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: HẢI NAM
Ngay từ quý đầu năm 2025, Agribank đã triển khai 9 chương trình tín dụng quy mô hơn 350.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp vào các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: HẢI NAM

Lãi suất cho vay đã giảm

Theo quy luật, tín dụng trong quý đầu năm thường có xu hướng giảm, nhưng quý đầu năm 2025, tăng trưởng tín dụng lại có dấu hiệu khởi sắc hơn so cùng kỳ năm 2024. Cụ thể, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, quy mô tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tính đến ngày 12/3 ước đạt 15,81 triệu tỷ đồng, tăng 1,24%, tương đương gần 194.000 tỷ đồng, so với cuối năm 2024.

Cũng theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại giữ ổn định lãi suất tiền gửi, đồng thời kêu gọi các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất-kinh doanh.

Thực tế, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hướng tới mục tiêu đã đề ra, ngành ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, bởi dư địa tăng trưởng tín dụng năm nay còn rất lớn và lãi suất cho vay hiện đã giảm tới 0,4% so cuối năm 2024.

Cụ thể tại Vietcombank, từ đầu năm 2025, ngân hàng đã triển khai đồng thời 16 chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%/năm so lãi suất bình quân theo kỳ hạn. Về các chính sách giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ, Vietcombank tiếp tục mở rộng đối tượng, phạm vi tham gia thành Chương trình tín dụng dành cho lĩnh vực nông-lâm-thủy sản ước khoảng 15.000 tỷ đồng, gấp 10 lần so dự kiến ban đầu.

Tương tự, tại Agribank, ngay từ quý đầu năm, ngân hàng này đã triển khai 9 chương trình tín dụng quy mô hơn 350.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn đến 2%/năm so lãi suất thông thường, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; các dự án đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm... khuyến khích khách hàng ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, phát triển tín dụng xanh.

Tại nhiều địa phương, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu khởi sắc hơn so cùng kỳ năm trước. Điển hình, tín dụng của các tỉnh thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước khu vực 6 (Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình) tính đến cuối tháng 2/2025 ước tăng 1,02%, cao hơn tín dụng chung toàn quốc 0,8%; huy động vốn đạt hơn 1 triệu tỷ đồng.

Hay tại Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước khu vực 2, tính đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,2% so cùng kỳ, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Khó khăn trong tiếp cận vốn vẫn còn

Là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải xăng dầu, từ đầu năm Công ty Xăng dầu Quỳnh Mai được nhiều ngân hàng thương mại chào mời vay, với lãi suất chào khá hấp dẫn. Song ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc tài chính Công ty Xăng dầu Quỳnh Mai cho biết, doanh nghiệp vẫn cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi theo ông Thắng, liên quan đến chi phí vốn đối với doanh nghiệp, nếu như phải cộng thêm các khoản phí dịch vụ thì chi phí thực tế chưa chắc đã thấp như lãi suất niêm yết.

Mặt khác, việc tiếp cận vốn của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa còn vướng do thiếu tài sản thế chấp hoặc chậm do khâu thẩm định, định giá tài sản thế chấp từ phía ngân hàng. Phần lớn các doanh nghiệp này khó được vay theo diện tín chấp.

Theo ông Trịnh Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Hoàng, hiện các ngân hàng đều ưu tiên nhận tài sản thế chấp là bất động sản. Những doanh nghiệp như chúng tôi, khi đề xuất tăng hạn mức tín dụng thường gặp khó khăn do tài sản thế chấp là bất động sản khá hạn chế. Nên chăng, các ngân hàng có thể tăng tỷ lệ nhận tài sản thế chấp là máy móc thiết bị, hàng tồn kho… hoặc có cơ chế đặc biệt hơn với các dự án phát triển công nghệ mới, dự án đầu tư phát triển.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, song theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thực tế một số ngân hàng thương mại đã linh hoạt đưa ra các gói vay không tài sản bảo đảm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Song các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có kế hoạch kinh doanh cụ thể nên các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay vẫn còn chưa thực sự mạnh dạn “nới” điều kiện tiếp cận vốn.

Về vấn đề này, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay và hình thức cho vay là do thoả thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Về việc cho vay tín chấp hay thế chấp thuộc quyền tự quyết của ngân hàng thương mại, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp.

Mặt khác, về việc hấp thụ dòng vốn lãi suất vay thấp này, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, hiện đã có hiện tượng đầu cơ bất động sản ở các địa phương có thông tin điều chỉnh địa giới. Nếu không kiểm soát tốt, rất có thể tín dụng sẽ chảy vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro này, cản trở chính sách mở rộng đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.