Bảo đảm thông lệ quốc tế
- Năm 2024 vừa qua, đất nước đạt được nhiều kết quả thành công vượt mọi dự báo. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, số liệu thống kê chưa sát thực tế, quan điểm của Tổng cục Thống kê về vấn đề này như thế nào, thưa bà?
Tổng cục trưởng Thống kê NGUYỄN THỊ HƯƠNG |
- Thông tin thống kê là một trong những căn cứ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành vi mô và vĩ mô. Nhận thức rõ vai trò quan trọng này, hệ thống Thống kê Nhà nước luôn hướng tới mục tiêu bảo đảm tốt nhất về chất lượng, số lượng thông tin thống kê cung cấp tới người sử dụng. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng cơ chế phối hợp, ngành Thống kê đã tăng cường chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê, củng cố tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực, khảo sát mức độ hài lòng của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê.
Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng thống kê hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Nhiều đối tượng sử dụng thông tin thống kê trong nước và quốc tế, kể cả các đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn về chất lượng của các con số do các cơ quan thống kê nhà nước sản xuất và công bố. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chất lượng thống kê còn hạn chế, bất cập là do chưa ban hành đồng bộ các văn bản pháp lý về quản lý chất lượng thống kê; xây dựng và áp dụng đồng bộ các tiêu chuẩn chất lượng, công cụ, phương pháp đánh giá và báo cáo chất lượng thống kê theo chuẩn quốc tế ở từng lĩnh vực, từng quy trình sản xuất thông tin thống kê của các cơ quan thống kê và hệ thống thống kê nhà nước. Những năm qua, ngành Thống kê đã từng bước kiện toàn tổ chức, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin thu thập từ các nguồn thông tin, tổng hợp và tính toán trên cơ sở khoa học, bảo đảm thông lệ quốc tế, nhất là thông tin phục vụ tính toán các chỉ tiêu kinh tế-xã hội.
- Bà có nhận định gì về độ tin cậy và chất lượng của thông tin thống kê?
- Bên cạnh những hạn chế như đã nói ở trên, độ tin cậy và chất lượng của thông tin thống kê phụ thuộc nhiều vào tính xác thực của thông tin do các tổ chức, cá nhân, đơn vị hành chính sự nghiệp cung cấp và phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm, trình độ người làm công tác thống kê. Thực tế, thời gian vừa qua, thông tin cung cấp cho Tổng cục Thống kê nhiều khi không sát thực tế có nguyên nhân bởi nhận thức, trách nhiệm cũng như việc chấp hành Luật Thống kê của một bộ phận tổ chức, cá nhân, đơn vị hành chính, sự nghiệp cung cấp thông tin chưa tốt. Mặt khác, khi sử dụng số liệu thống kê, người sử dụng thông tin cần phải có trách nhiệm trong sử dụng số liệu do cơ quan thống kê công bố, xem xét số liệu thống kê một cách nghiêm túc, xem nội dung của số liệu thống kê nói lên điều gì…
Để bảo đảm thông tin thống kê đầy đủ, toàn diện, khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời, thường xuyên, liên tục, nâng cao chất lượng số liệu, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dùng tin, Tổng cục Thống kê đã xây dựng Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều nhiệm vụ cần triển khai thực hiện
Không có con số thống kê “đẹp” hay “xấu”
- Việc thay đổi thời gian công bố thông tin thống kê năm 2024 vừa qua có liên quan gì đến chuyện “làm đẹp” con số thống kê không, thưa bà?
- Việc công bố thông tin vào ngày 29 của kỳ báo cáo như trước đây có những hạn chế, bất cập do thu thập thông tin sớm, các số liệu chủ yếu là ước tính, dẫn đến kết quả có độ chính xác chưa cao, chưa phản ánh đúng thực tế hoạt động của đơn vị cung cấp thông tin trong tháng. Thí dụ, để phục vụ công tác biên soạn số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Bộ Tài chính phải gửi số liệu ước tính thu, chi ngân sách cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) vào ngày 15 của tháng cuối quý, trong khi số liệu báo cáo của Bộ Tài chính lại tính đến ngày 28 hằng tháng. Như vậy, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố và số liệu của Bộ Tài chính công bố sẽ có độ vênh nhất định do khác nhau về thời điểm công bố và thời kỳ số liệu.
Đó là chưa kể, ở các địa phương, báo cáo của các cơ quan thường gửi muộn hơn so với thời gian yêu cầu của cơ quan thống kê. Ngoài ra, báo cáo của một số tháng phải cập nhật lại số liệu sát thời điểm công bố số liệu do ước tính của các đơn vị tại thời điểm gửi báo cáo cho cơ quan thống kê chưa chuẩn xác.
Quy định công bố số liệu thống kê vào ngày 29 hằng tháng dẫn đến xung đột, dễ gây hiểu nhầm cho người sử dụng thông tin thống kê đối với một số chỉ tiêu thống kê kinh tế tổng hợp do Tổng cục Thống kê công bố và do các bộ, ngành có liên quan công bố. Lý do thay đổi thời gian công bố Báo cáo kinh tế-xã hội từ ngày 29 của tháng báo cáo thành ngày 6 của tháng kế tiếp sau kỳ báo cáo là nhằm bảo đảm cho việc thu thập, biên soạn thông tin thống kê phản ánh chính xác, đầy đủ, đúng bản chất của một kỳ báo cáo, đặc biệt là kỳ báo cáo tháng phục vụ kịp thời cho các cơ quan Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp trong quản lý, điều hành.
- Từ những con số “biết nói” do Tổng cục Thống kê thu thập báo cáo, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền đã kịp thời có những quyết sách đúng đắn trong phát triển kinh tế-xã hội, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các bộ, ngành, địa phương, Tổng cục Thống kê có được bức tranh toàn cảnh kinh tế-xã hội của đất nước, là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để xây dựng và cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế hằng quý, năm. Từ đó, xác định chính xác các ngành, lĩnh vực tăng trưởng yếu kém, gặp nhiều khó khăn, cũng như các ngành là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, Tổng cục Thống kê đề xuất các giải pháp tập trung phát triển các ngành là động lực, dẫn dắt tăng trưởng của cả nước, hỗ trợ các ngành còn yếu kém để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ để chỉ đạo, điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Các báo cáo mang tính định kỳ, nhưng tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, Tổng cục Thống kê sẽ có những phân tích chuyên sâu để thật sự đó là những con số “biết nói”. Thí dụ, năm 2024 có yếu tố bất ngờ là cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Không chỉ công bố các dữ liệu thống kê, chúng tôi đã có một số đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành để kịp thời quản lý chỉ đạo điều hành, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là một số mặt hàng có xu hướng tăng giá trong thời điểm mưa bão, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng bão lụt; thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... theo mức độ và thời điểm phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm hạn chế tối đa tác động đến lạm phát, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Đồng thời, đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt những khó khăn về thế chấp, tín chấp, kế hoạch kinh doanh để doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng tiếp cận vốn; kiến nghị đẩy mạnh tiêu dùng trong nước bằng cách thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu như giảm giá, khuyến mãi, khuyến khích tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng sản xuất trong nước, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử.
Các giải pháp đề xuất của Tổng cục Thống kê đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận để kịp thời có chỉ đạo, chính sách, giải pháp giúp giảm thiệt hại do bão, lũ gây ra, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Qua những con số “biết nói” và giải pháp đề xuất đó, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền đã kịp thời ban hành chính sách dựa trên số liệu thực tế để chỉ đạo, điều hành nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, ổn định, tăng khả năng chống chịu với các “cú sốc” từ môi trường bên ngoài.
- Trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!
"Trong công tác thống kê, không có con số thống kê đẹp hay xấu, mà là “con số trung thực, khách quan”, hay nói cách khác con số thống kê phải phản ánh đúng thực trạng kinh tế-xã hội của đất nước, là cơ sở, bằng chứng thực tiễn xác thực để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành, ra quyết định của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo chính quyền các cấp” - Tổng cục trưởng Thống kê NGUYỄN THỊ HƯƠNG