Tổng Bí thư Tô Lâm đặt yêu cầu với Quốc hội như vậy bởi Quốc hội là cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cùng với Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất thực hiện quyền hành pháp, nơi hình thành thể chế là những quy định pháp luật áp dụng cho mọi lĩnh vực trong đời sống, tạo ra trật tự, kỷ cương, bảo đảm quyền lợi của tất cả mọi người trong xã hội. Bởi vì theo Tổng Bí thư, “chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thật sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thật sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân” (Báo Nhân Dân, ngày 21/10/2024).
Trong một nền kinh tế đang có những chuyển biến nhanh chóng như ở nước ta hiện nay, các điều kiện kinh tế-xã hội, các định hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội, tâm trạng của người dân cùng nhiều biến số khác luôn tác động đến yêu cầu đổi mới, hoàn thiện thể chế.
Với các mục tiêu tổng quát đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao và nhiều mục tiêu cụ thể khác theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội dài, trung hay ngắn hạn đặt ra yêu cầu hết sức cấp bách đối với đổi mới, hoàn thiện thể chế phát triển.
Chúng ta có thể thấy, hiện nay chúng ta đang “thí điểm” thực hiện rất nhiều cơ chế, chính sách, từ tổ chức chính quyền, quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, tài chính công, đầu tư các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia, trong nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo… Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát “sand box” đang được nghiên cứu ban hành ở nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là liên quan đến các cơ chế, chính sách mới trong xây dựng doanh nghiệp đầu đàn với thương hiệu quốc gia, ứng dụng công nghệ tài chính…
Trong phát triển các ngành kinh tế động lực mới như công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hydrogen xanh theo chiến lược đã được ban hành cũng cần nhiều cơ chế, chính sách “đặc thù” thì đây là những ngành yêu cầu quy mô đầu tư rất lớn, liên quan đến nhiều ngành kinh tế và yêu cầu rất cao về nguồn nhân lực có chất lượng.
Trong đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia, có tổng mức đầu tư lớn, thực hiện trên quy mô rộng, thời gian kéo dài, cần thu hồi, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư trên diện tích lớn, ảnh hưởng tới người dân vùng dự án như đường sắt tốc độ cao trên tuyến bắc-nam cũng cần có những cơ chế, chính sách hết sức đặc biệt, nhất là đối với yêu cầu để các ngành kinh tế, nhất là công nghiệp cơ khí chế tạo, luyện kim, tự động hóa trong nước được tham gia dự án, nhận chuyển giao công nghệ.
Với một nền kinh tế mở và phát triển nhanh như Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế gay gắt, áp lực chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu giảm khí thải nhà kính xuống còn “Zero” vào năm 2050 và nhất là thay đổi vô cùng nhanh chóng của khoa học-công nghệ đang biến “viễn tưởng” trở thành thực tế hiện hữu với trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML) và nhiều công nghệ mới khác đang mở ra những tiềm năng vô hạn cho ứng dụng công nghệ và đem lại những tác động toàn cầu của các công nghệ này, thì việc chậm đổi mới, hoàn thiện thể chế sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Đặt trong bối cảnh quản trị quốc gia gần như đang phải đuổi theo những thay đổi nhanh chóng trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, chính sách, pháp luật luôn đối mặt nguy cơ sớm trở nên lạc hậu do quy trình xây dựng luật pháp rất khắt khe, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của Chính phủ và Quốc hội, làm nảy sinh tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu có trách nhiệm giải quyết những vấn đề, những công việc thuộc phạm vi mình phụ trách nhưng lại tìm cách đẩy việc sang cho người khác, đẩy lên cấp trên, hoặc đẩy xuống cấp dưới, thay vì “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm” cho dù đã có nhiều quy định của Đảng và Nhà nước đã ban hành với mục tiêu bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm”.
Đơn cử, công nghệ AI đang là một trong những động lực thay đổi mạnh mẽ đời sống kinh tế-xã hội do có cách thức hoạt động dường như mô phỏng trí tuệ của con người nên có khả năng giải quyết vấn đề như con người. Có người đã nói là sau chuyển đổi số sẽ là chuyển đổi AI. Việc ứng dụng rộng rãi AI trong nền kinh tế số, xã hội số đang là xu thế không thể đảo ngược trên thế giới cũng như ở Việt Nam, cho nên việc thể chế hóa thành các quy phạm cụ thể có tính trọng tâm, trọng điểm và đột phá để thật sự tạo ra bước chuyển mạnh mẽ là rất quan trọng.
Trong thời gian qua, Quốc hội đã thông qua một số Luật, Nghị quyết trong đó có quy định về cơ chế thử nghiệm như: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thủ đô, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh... Chính phủ đã cho phép thử nghiệm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money), thí điểm máy bay không người lái và xe tự hành ở Thành phố Hồ Chí Minh,... vừa nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ mới, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ các rủi ro, tuy nhiên đối với lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) thì vẫn đang phải chờ đợi nghị định hướng dẫn của Chính phủ.
Việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cần dựa trên việc xác định được lợi ích của các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo được chính thức thử nghiệm trên thị trường và tháo gỡ những khó khăn trong các quy định pháp luật hiện hành theo hướng điều chỉnh để phát huy được đầy đủ các tính mới, sáng tạo của sản phẩm, dịch vụ. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cũng xác định các cơ chế bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, miễn trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm các sản phẩm khoa học-công nghệ.
Không có một công thức thành công nào được viết sẵn, nhưng nếu chúng ta nhận thức vấn đề đúng và đầy đủ, chúng ta sẽ làm được. Nhân dân sẽ đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ đối với những cơ chế, chính sách có tác động tích cực tới nền kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Không ngừng đổi mới và hoàn thiện thể chế phát triển, “theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống” (Báo Nhân Dân, ngày 31/10/2024) không chỉ là động lực, công cụ quan trọng để phát triển nhanh và bền vững đất nước, mà còn để củng cố lòng tin, sự tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý xã hội của Nhà nước trong “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như lời Tổng Bí thư Tô Lâm.
Những tiến bộ vượt bậc về công nghệ luôn đi trước, vượt ra ngoài các khung khổ pháp luật hiện hành, nhất là trong các lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, năng lượng, giao thông vận tải, di động, y tế, truyền thông,… nên cần phải có quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox).