Bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Thống kê đánh giá, trong quý I, tuy xuất khẩu vẫn là động lực then chốt, tăng 10,6% so cùng kỳ và giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại với Hoa Kỳ hơn 27 tỷ USD, nhưng nền kinh tế sẽ đối mặt với áp lực lớn khi chính quyền Hoa Kỳ áp thuế 46% với hàng hóa Việt Nam.
Lường trước tác động, hỗ trợ kịp thời
Theo báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93%, tuy đây là mức cao nhất so cùng kỳ 5 năm (2021-2025), con số này cho thấy tốc độ tăng trưởng đã chậm lại so mức 7,55% trong quý IV/2024, phản ánh áp lực từ bối cảnh kinh tế thế giới biến động và đặc biệt là nguy cơ từ chính sách áp thuế thương mại cao của Hoa Kỳ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan thuế và Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng chính sách ứng phó từ lúc chính quyền Hoa Kỳ thay đổi nhiệm kỳ. Trên cơ sở điều hành vĩ mô của Chính phủ, thời gian vừa qua, ngành thuế đã chủ động đề xuất chính sách, tạo ra sức bật cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp trong nước.
Mới nhất, ngày 31/3, liên quan đến Sửa đổi, bổ sung mức thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP. Theo đó, đã giảm thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng của đối tác thương mại lớn, bao gồm cả Hoa Kỳ, trong đó có nhiều dòng thuế về 0%. Theo ông Mai Sơn, đây là bước thiện chí lớn ngay từ đầu của Chính phủ Việt Nam nỗ lực cân bằng cán cân thương mại hai nước, giúp người tiêu dùng tăng cường sử dụng hàng hoá nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Ngoài ra, ngành thuế còn xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẻ với cơ quan thuế Hoa Kỳ, tạo cơ sở cho hai bên phối hợp hiệu quả ngăn chặn hành vi gian lận thuế xuyên quốc gia...
Ứng đối từ doanh nghiệp
Khá lo lắng về việc từ ngày 9/4, tổng mức doanh nghiệp có thể bị áp thuế lên tới 62% từ mức 16% hiện nay do cộng thuế đối ứng, bà Lê Thị Huế - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Khải Hoàn cho biết, hiện Hoa Kỳ là thị trường mua tới 80% sản lượng của công ty.
Là nhà thầu gia công thứ cấp trong ngành dệt may, nhiều ngày nay, bà Huế đã chủ động nắm bắt thông tin và đàm phán với phía đơn vị thu mua về việc bảo đảm đơn hàng đang thực hiện (sẽ xuất hàng trong tháng tư này). Với gần một nghìn lao động, những thông tin tiêu cực ảnh hưởng rất mạnh đến tâm lý của công nhân. Chia sẻ với khó khăn của đơn vị gia công, nhà thu mua đã cam kết về việc không dừng, bỏ đơn hàng. Tuy nhiên, về lâu dài, Khải Hoàn sẽ có những bước đi mới trong việc tìm kiếm thêm thị trường.
Chủ động xây dựng phương án ứng phó nhanh chóng chuyển hướng sản xuất kinh doanh là lựa chọn của Công ty cổ phần Gỗ An Cường. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Đức Nghĩa, thay vì hoang mang, Gỗ An Cường đã tập trung tối ưu hóa sản phẩm và quy trình sản xuất để giảm chi phí, chia sẻ gánh nặng với đối tác nhập khẩu tại Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đã chuyển hướng khai thác các thị trường từng tạm ngưng như: Nhật Bản, Trung Đông, Australia và quay về phát triển chính thị trường nội địa.
Không chỉ riêng Gỗ An Cường, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức rõ rằng trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động, “đa dạng hóa” từ thị trường, sản phẩm cho tới kênh phân phối chính là chiến lược sống còn để thích ứng và phát triển bền vững.
Dẫn thí dụ trong ngành thủy sản, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta phân tích, người tiêu dùng Hoa Kỳ và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó gánh chi phí từ mức thuế đối ứng 46%. Đơn cử như mặt hàng tôm xuất khẩu vào Hoa Kỳ của Việt Nam sẽ cùng lúc phải chịu ba loại thuế: mức thuế quan mới; mức thuế chính thức hiện hành cho hai vụ kiện (gồm kiện chống bán phá giá và kiện chống trợ cấp) ở thời điểm này là 0% và 2,84%. Thay vì gắn chặt với các nhà thu mua ở thị trường lớn này, ông Hồ Quốc Lực cho rằng, đây là lúc các nhà xuất khẩu của Việt Nam cần đẩy nhanh việc chuyển hướng thị trường để giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến động thuế quan. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi mô hình cạnh tranh từ giá rẻ sang “chất lượng-bền vững-truy xuất nguồn gốc”, và định vị hàng hóa Việt Nam như “giải pháp thay thế đáng tin cậy” trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) phân tích, hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nội địa của thị trường này. Ngược lại, còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa giá rẻ. Hiện vẫn còn không gian để trao đổi, đàm phán, tìm giải pháp hợp lý, đi tới một kết quả hai bên cùng có lợi.
Về điểm này, chủ tịch của Công ty cổ phần Gỗ An Cường cho biết, với sự đồng hành của các bộ, ngành có liên quan, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng các hiệp hội địa phương và các doanh nghiệp gỗ đang chuẩn bị sẵn sàng để tham gia có hiệu quả vào các cuộc điều trần chứng minh quan hệ thương mại trong lĩnh vực gỗ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là quan hệ bổ trợ cho nhau, cùng có lợi và hoàn toàn không gây hại cho công nghiệp gỗ Hoa Kỳ.
Bảo vệ thị trường nội địa
Với nhận định, trong số các hàng hóa xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Hoa Kỳ (như các mảng vật liệu xây dựng, gỗ hay thép), động lực sẽ tới từ sự phục hồi nhu cầu thị trường nội địa, bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán MBS khuyến nghị: Lúc này cần tính đến biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất thép nội địa ngay trên “sân nhà”. Ngay trong tuần đầu tháng 4/2025, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc (mức áp cao nhất là 37,13%) và Hàn Quốc (mức áp cao nhất là 15,67%).
Đánh giá cao động thái bảo vệ thị trường nội địa khá chủ động và tích cực của các cơ quan chức năng, PGS, TS Nguyễn Văn Thịnh, giảng viên cao cấp Đại học Thương mại nhấn mạnh, đây là điểm cộng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành sản xuất nội địa cần ưu tiên điều chỉnh chuỗi sản xuất, gia tăng các khâu có giá trị gia tăng trong nước và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Thông qua việc chuyển đổi từ cạnh tranh về giá thành sang cạnh tranh bằng giá trị, Việt Nam gia tăng vị thế xuất khẩu của mình trên thị trường thế giới trong thập kỷ tới.