Ðông Môn hữu tình

NDO - Từ trung tâm thành phố Hải Phòng qua cầu Bính hơn chục cây số là tới làng Ðông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên. Vùng đất địa linh, nhân kiệt thanh bình với cây đa, bến nước sân đình, cùng âm điệu bổng trầm của hát miễu, bắc phản... như quyện trong nhịp phách, trống chầu.

Qua thăng trầm của thời gian, lịch sử, Ðông Môn vẫn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Ðình làng là nơi thờ phụng Tam vị Ðại vương- những người đã báo mộng, giúp vua Lê Ðại Hành đánh tan quân Tống, đánh lui Chiêm Thành ra khỏi bờ cõi. Tương truyền, Ðệ nhất đô soái bản lộ Ðại vương là một thuộc tướng thời Thập nhị sứ quân. Sau chinh chiến, ông lập nghiệp ở Ðông Môn, kết nghĩa huynh đệ với anh em Ðào Xuân và Ðào Lang, thề không cùng sinh nhưng cùng tử. Vào một ngày mùa đông, ba người lên rừng Hàm Long săn thú, gặp thiên tai mưa tuyết kéo về, cả ba vị cùng hóa một ngày. Mùa thu năm Tân Tỵ (981), vua Lê Ðại Hành được ba vị hiển linh, báo mộng. Và quả nhiên, khi nhà vua xung trận, trời nổi cuồng phong, chiến thuyền quân Tống bị sóng nước nhấn chìm.

Ðể tạ ơn, Hoàng đế ngự giá thân chinh về làng Ðông Môn, lệnh truyền lập trai đàn, đình thờ, phong tặng ba chữ vàng "Thượng Ðẳng Thần", phong là Thần hoàng làng. Nhiều triều đại về sau đều có sắc phong gửi về làng quê Tam Thánh để tỏ lòng tri ân giữ đạo quân thần. Cũng từ truyền thuyết về "Tam vị Ðại vương", làng Ðông Môn có Ðống thờ Vua, ghi dấu nơi Thiên tử đã hạ giá. Trong đình làng có ba bức tượng Tam vị Ðại vương thờ trong cung cấm, bên ngoài có cửa võng long đình bát biểu, kiệu bát cống, bức Ðại tự khắc ba chữ vàng "Thượng Ðẳng Thần", nhiều tàn, lọng, cờ, quạt cổ và đặc biệt nhiều bia đá.

Không gian tâm linh còn có ngôi chùa với hồ bán nguyệt thờ Phật Bà Quan âm, đền thờ hai vị Thánh sư ca công đã có công mang những làn điệu ca trù về làng, để sau này Ðông Môn trở thành ca quán nức tiếng với những ca nương, kép đàn điệu nghệ. Thời vàng son của ca trù qua đi, để lại nhiều tiếc nuối cho những người Ðông Môn còn trân trọng di sản. Họ đã nỗ lực chung sức phục dựng lại vốn văn hóa truyền thống đang dần mai một.

CLB ca trù của làng ra đời khi vẫn còn những giọng ca nổi tiếng một thời như cụ Nguyễn Thị Chính, Tô Thị Ngần, Tô Thị Chè..., nhưng nay các cụ đã theo về tiên tổ. Cũng may, trước khi về miền siêu thoát, các cụ đã kịp truyền lại cho con cháu những kỹ thuật cơ bản như cách ém hơi, nhả chữ, khi hát không mở rộng khuôn miệng, nhưng vẫn tròn vành, rõ tiếng. Ðào nương không chỉ học hát mà còn phải học gõ phách. Nhịp phách có vững, giai điệu mới mượt mà.

Bà Tô Thị Ninh, cháu gái nghệ nhân Tô Thị Chè - ca nương chính trong CLB ca trù Ðông Môn, chân truyền hiện đóng vai trò là người "giữ lửa" truyền thống, để duy trì vốn di sản văn hóa phi vật thể. Nỗ lực đã được đền đáp, nhiều em nhỏ ở Ðông Môn đã yêu thích và kế nghiệp. Và hằng đêm, tiếng đàn đáy, trống chầu lại đẩy đưa những giọng ca lên bổng, xuống trầm trong không gian sơn thủy hữu tình.

Ðêm trăng mờ ảo, gió biển rì rào, bóng núi xa xa, nghe những ngâm nga ư hự, không gian như trở lại mấy chục năm về trước.