Đòn bẩy từ thuế VAT

M ới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra kiến nghị nên duy trì chính sách giảm thuế VAT 2% trong năm 2023. Theo VCCI, hiện nay doanh nghiệp và người dân vẫn đối mặt nhiều khó khăn hậu đại dịch Covid-19, đáng nói, nguy cơ lạm phát vẫn rất cao. Vấn đề đặt ra, việc giảm thuế trước mắt sẽ giảm nguồn thu ngân sách mấy chục nghìn tỷ đồng, nhưng đại diện cộng đồng doanh nghiệp vẫn nhấn mạnh đến tính hiệu quả của việc giúp kích thích hoạt động sản xuất tiêu dùng, qua đó, người dân có thể đóng thuế nhiều hơn.
0:00 / 0:00
0:00

Ngược trở lại thời điểm năm 2021, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Quốc hội cùng Chính phủ ban hành một số chính sách liên quan đến thuế. Trong đó, sử dụng đồng thời các biện pháp để giảm trực tiếp nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí, nhất là cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Sử dụng công cụ tài khóa đã giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả của nhiều nhóm hàng hóa là tư liệu sản xuất tăng cao.

Tiếp đó, năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% (từ ngày 1/2 đến hết ngày 31/12/2022), và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu đã làm giảm đáng kể chi phí thuế trong cơ cấu giá xăng, dầu. Các biện pháp hỗ trợ về thuế đưa ra bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, được triển khai thực hiện quyết liệt; trong đó có những biện pháp lần đầu được áp dụng ở Việt Nam.

Liên quan đến thuế VAT, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt ngày 23/4/2022, đến năm 2025, thuế VAT sẽ mở rộng cơ sở thuế thông qua việc giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu loại thuế này và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế VAT theo lộ trình. Đến nay, dù chưa có những quy định cụ thể từ phía cơ quan chức năng, tuy nhiên đây là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của công luận hiện nay.

Hơn nữa, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp và triển vọng năm 2023 không mấy khả quan, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang trông chờ vào các chính sách điều hành, hỗ trợ hoạt động kinh doanh từ phía Chính phủ, đặc biệt là chính sách giảm thuế VAT 2% giúp phát huy hiệu quả cao nhất, đi vào thực tế nhanh nhất. Doanh nghiệp, người dân đều thụ hưởng trực tiếp nhất.

Thuế VAT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Giá tiêu dùng của hàng hóa, dịch vụ tăng đồng nghĩa với tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc điều chỉnh thuế VAT cần phải được cơ quan nghiên cứu tính toán kỹ càng mức độ ảnh hưởng như thế nào. Thêm vào đó, tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng số thu thuế đã ở mức hơn 60%, việc tăng bất cứ một loại thuế tiêu dùng nào cũng sẽ làm gia tăng gánh nặng thuế cho nhóm người có thu nhập thấp, bởi thuế gián thu đánh vào tất cả các đối tượng. Đó là những điều cần cân nhắc kỹ lưỡng khi xem xét lộ trình tăng thuế suất, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn đối diện với nhiều thách thức, khó khăn khó đoán định.