Bình luận

Đối trọng

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm tại Moscow tháng 3/2023. Ảnh | REUTERS
Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm tại Moscow tháng 3/2023. Ảnh | REUTERS

Vì ta cần nhau

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt chân xuống đường băng sân bay Moscow một buổi chiều hạ tuần tháng 3, dường như ông đã muốn viết những chữ đầu tiên cho một chương mới trong lịch sử địa chính trị quốc tế.

Chuyến thăm Nga trong ba ngày của nhà lãnh đạo Trung Quốc thu hút sự chú ý của toàn thế giới, mà trong đó có lẽ những người quan sát chăm chú hơn cả là đối thủ của cả Nga và Trung Quốc.

Đấy cũng là điều dễ hiểu khi Nga, quốc gia mà Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm, đang trong một cuộc xung đột khốc liệt với Ukraine, đã kéo dài sang năm thứ hai và chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Nhưng đó không đơn thuần là cuộc chiến giữa Moscow với Kiev. Phía sau Ukraine là Mỹ và hầu như toàn bộ thế giới phương Tây trong một cuộc chiến ủy nhiệm.

Với trật tự thế giới được thiết lập sau Chiến tranh Lạnh khi Mỹ và phương Tây có vị thế áp đảo, có thể hiểu là Nga đang bị o ép, tấn công trên mọi mặt trận, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, công nghệ, văn hóa, xã hội...

Quốc gia này cần tìm những đột phá khẩu để thoát ra khỏi cái “vòng kim cô” mà Mỹ và phương Tây ngày càng siết chặt.

Cũng hoàn toàn hợp lý khi Trung Quốc là địa chỉ mà Moscow hướng tới trong hoàn cảnh hiện nay để tìm kiếm sự ủng hộ tối cần thiết cho việc vượt thoát ra khỏi những khó khăn mà các lệnh trừng phạt (đến tháng 2/2023 là hơn 13 nghìn lệnh, nhiều nhất trong lịch sử) của Mỹ và phương Tây đang áp đặt lên quốc gia này.

Về phía Trung Quốc cũng đang phải chịu sức ép cực lớn từ phía Mỹ. Sau cuộc chiến tranh thương mại ồn ào dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc không có nhiều tiến triển tích cực dưới thời ông Joe Biden. Tuy không có xung đột trực tiếp nhưng chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh gay gắt” và cần phải làm tất cả những gì có thể để kiềm chế sự vươn lên của Trung Quốc.

Nhưng ông J.Biden không lựa chọn phương thức như ông Trump, vốn là một tỷ phú, đã làm là khai mào thương chiến chống Trung Quốc. Thay vào đó, Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ phục hồi và thiết lập mới những liên minh hoặc các mối quan hệ gần giống như liên minh để tăng cường sức ép toàn diện với Trung Quốc.

“Bộ tứ kim cương” (QUAD) giữa Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ là một thí dụ. Thỏa thuận đối tác an ninh ba bên Mỹ - Anh - Australia (AUKUS) là một thí dụ khác. Nó cho thấy chiều hướng chiến lược của Mỹ thể chế hóa các liên minh đa phương trong một địa bàn, giờ đây đã nở ra thành Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở.

Washington cũng không từ bỏ các đòn thương chiến nhằm vào các thiết chế kinh tế của Bắc Kinh, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác như công nghệ, tài chính...

Cho nên Nga, quốc gia láng giềng, siêu cường quân sự trên thế giới, đã nằm ở vị trí trọng yếu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc suốt một thập niên qua.

Cần nhớ rằng, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau khi nắm giữ cương vị lãnh đạo tối cao Trung Quốc vào năm 2013 là tới Nga; nay, sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 3 với cương vị nhà lãnh đạo của quốc gia có hơn 1,41 tỷ dân, Moscow vẫn là địa chỉ đầu tiên mà ông Tập Cận Bình đặt chân tới.

Nói cách khác, trong tình thế bị Mỹ và phương Tây o ép mọi bề, cả Nga và Trung Quốc đều cần hỗ trợ lẫn nhau ở tầm chiến lược.

“Không nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên thứ ba nào”!

Ở Moscow, ông Tập Cận Bình và ông V.Putin đã bàn bạc những gì?

270 phút hội đàm không chính thức cộng với thời gian hội đàm chính thức đã đưa tổng thời gian hai nhà lãnh đạo gặp nhau trực tiếp ở Moscow lên 10 giờ đồng hồ.

Sau những cuộc hội đàm đó là một bản Tuyên bố chung 9 điểm, trong đó phần mở đầu đã phác họa mối quan hệ giữa hai nước là “không phải là kiểu liên minh chính trị - quân sự trong chiến tranh lạnh mà vượt lên trên mô hình quan hệ giữa Nhà nước với Nhà nước và có bản chất không liên minh, không đối đầu và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên thứ ba nào”.

Ngoại trừ lời khẳng định không nhắm vào “bên thứ ba nào”, có thể thấy thấp thoáng ở đây ý tưởng của Trung Quốc về giải pháp an ninh của nước này, theo lời của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị là “trái ngược hoàn toàn với “một số quốc gia khác”.

Theo ông Vương Nghị, sự “khác biệt” mà ông muốn nói đến chính là giải pháp của Trung Quốc mang tính hợp tác, tương hỗ chứ không mang tính đối đầu, dựa trên tư duy “trừng phạt”.

Tuyên bố chung khẳng định cam kết của Nga tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc”, một nguyên tắc mà Mỹ cũng luôn khẳng định tuân thủ nhưng lại bị Bắc Kinh tố cáo là luôn bị Washington vi phạm trên thực tế, điển hình là chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi đầu tháng 8 năm ngoái.

Một trong những đòn cấm vận của Mỹ liên quan đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine là nhằm vào lĩnh vực năng lượng, xương sống của nền kinh tế Nga. Việc mất đi những khách hàng truyền thống châu Âu buộc Nga phải quay sang châu Á và Trung Quốc là một khách hàng có tiềm năng khổng lồ.

Trong Tuyên bố chung, hai bên cam kết hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực như năng lượng, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên thúc đẩy các dự án hợp tác năng lượng như dầu khí, than, điện và năng lượng hạt nhân, thúc đẩy triển khai các sáng kiến ​​giúp giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm việc sử dụng năng lượng phát thải thấp và năng lượng tái tạo.

Hai bên cam kết cùng nhau bảo vệ an ninh năng lượng quốc tế bao gồm an ninh của cơ sở hạ tầng quan trọng xuyên biên giới và duy trì sự ổn định của ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng các sản phẩm năng lượng...

Một nhà trung gian hòa giải mới?

Một trong những điểm then chốt mà thế giới chờ đợi từ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ là quan điểm của Trung Quốc về cuộc chiến ở Ukraine. Không phải ngẫu nhiên mà trước khi chuyến thăm diễn ra, Mỹ cùng một số nước phương Tây liên tục phát đi những cảnh báo về “lằn ranh đỏ” liên quan đến hợp tác Nga-Trung.

Trong Tuyên bố chung, hai nước khẳng định cần tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế. “Các bên lưu ý rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, cần phải tôn trọng các mối quan tâm chính đáng của tất cả các quốc gia trong lĩnh vực an ninh và ngăn chặn sự hình thành đối đầu trong khối, ngừng các hành động làm trầm trọng thêm xung đột” - Tuyên bố chung viết.

“Mối quan tâm chính đáng của tất cả các quốc gia trong lĩnh vực an ninh” chẳng phải là mối lo ngại của Nga trước viễn cảnh Kiev gia nhập NATO sẽ đe dọa an ninh của nước này, cũng chính là nguyên nhân sâu xa đằng sau quyết định của Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đó sao?

Cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua ở Ukraine đã làm nảy sinh ra một số nhà trung gian hòa giải, thời kỳ đầu có Belarus, sau đến Thổ Nhĩ Kỳ và giờ đến lượt Trung Quốc muốn đóng một vai trò người trung gian hòa giải có trọng lượng trong cuộc khủng hoảng này.

Khi Sáng kiến Vành đai và Con đường bị chững lại bởi đại dịch Covid-19, Trung Quốc liên tiếp tung ra những sáng kiến mới như Sáng kiến phát triển toàn cầu (liên quan đến lĩnh vực kinh tế), Sáng kiến an ninh toàn cầu (liên quan đến lĩnh vực an ninh).

Trong Sáng kiến an ninh toàn cầu, Trung Quốc đưa ra 6 cam kết, trong đó có đề cập đến cam kết tôn trọng chủ quyền và chủ quyền lãnh thổ của tất cả các nước, đồng thời cũng đưa ra khái niệm “an ninh không thể chia cắt”, theo đó an ninh của bất kỳ một quốc gia nào cũng không thể tách rời (chia cắt) với an ninh của các quốc gia khác trong khu vực, và rằng không thể bảo đảm an ninh của một quốc gia này bằng cách hy sinh an ninh của một quốc gia khác.

Đó cũng là cách mà phía Nga lý giải cho việc mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Những gì đạt được trong chuyến thăm Nga ba ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau để cùng vượt qua những khó khăn trắc trở đang bủa vây hai nước.

Trong quan hệ quốc tế, việc nguyên thủ các quốc gia gặp nhau là chuyện hết sức bình thường.

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Nga V.Putin ở Moscow, đặt trong bối cảnh của tình hình quốc tế hiện tại rõ ràng mang một nội hàm khác hẳn, truyền đi một thông điệp không có gì rõ ràng hơn về việc hai siêu cường Á-Âu đã bắt tay nhau để tạo ra một đối trọng với Mỹ, cùng nhau định hình một trật tự thế giới mới, đa cực, không chịu sự thao túng của duy nhất một cường quốc như trong mấy thập niên vừa qua.