Treo đầu ngọn sóng

NDO -

Ảnh hưởng bởi cơn bão số 5 có tên Conson vừa qua, những con sóng dữ dằn ngày càng khoét sâu vào bờ biển Quảng Nam, khiến nhiều điểm sạt lở càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu không sớm có được giải pháp cấp bách, với tình trạng nước biển lấn sâu vào đất liền từ 5-10m, thậm chí 30m, nhiều ngôi làng ven biển trên dải đất miền trung đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) đang bị sạt lở với tốc độ chóng mặt.
Bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) đang bị sạt lở với tốc độ chóng mặt.

Sóng vỗ, cát sập

Sóng biển dữ dằn, không ngừng khoét sâu vào đất liền, tạo nên vô số điểm sạt lở hở hàm ếch dựng đứng. Những hàng cây dương liễu phòng hộ cũng bị sóng đánh tan tác, cuốn trôi ra biển. Mỗi năm, nước biển ăn sâu vào đất liền thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 10m, khiến hàng trăm hộ dân nơi đây đứng ngồi không yên. Anh Đinh Khắc Mạnh, thôn An Dương 1 lo lắng: “Trước đây, mặt nước cách chúng tôi 200m, giờ chỉ còn 20m. Đêm nằm nghe sóng vỗ, cát sập ầm ầm. Khi nghe đài báo có bão là rất lo lắng, bất an, không thể nào ngủ được”.

Không chỉ thôn An Dương 1, bờ biển xã Phú Thuận còn xuất hiện nhiều điểm sạt lở khác. Lãnh đạo UBND xã Phú Thuận hết sức lo lắng bởi sạt lở kéo dài cả bờ biển bốn thôn, hơn 3 km, nhưng đến nay trên địa bàn xã cũng mới chỉ có 700m bờ kè được xây dựng. Tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ phải mở cửa biển mới tại khu vực giáp ranh giữa biển và phá Tam Giang.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, dọc bờ biển của tỉnh có 12 điểm sạt lở mới và cũ với chiều dài khoảng 30 km, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất và tài sản của hàng nghìn hộ dân. Trong đó, có tới 12 km sạt lở hết sức nghiêm trọng, tập trung ở các xã: Phong Hải (huyện Phong Điền); Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền); thị trấn Thuận An, Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải (huyện Phú Vang); Vinh Mỹ, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc).

Tương tự, dọc bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) về phía bắc, những dải cát dài hoàn toàn biến mất, thay vào đó là vô số bao tải đựng cát, cọc tre, nhiều mảng bê-tông nham nhở còn sót lại từ các công trình du lịch, dân sinh bị sóng biển đánh sập. Bờ biển bị biến dạng. Sạt lở có nguy cơ lan dài đến bờ biển Hà My thuộc thị xã Điện Bàn. Anh Lê Văn Thịnh, chủ một nhà hàng, than thở: “Nước biển đã tiến sát móng tường rồi. Bao nhiêu của cải, tài sản đang treo đầu ngọn sóng”.

Đại diện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, tình trạng sạt lở bờ biển tại địa phương này gia tăng về tốc độ lẫn quy mô; xuất hiện thêm nhiều vị trí sạt lở bờ biển các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên… Mới đây, sạt lở hơn 3 km ở khu vực bờ biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, uy hiếp tính mạng và tài sản của gần 1.500 hộ dân nơi đây. Hay như bờ biển khu vực Cửa Lở (huyện Núi Thành), trung bình mỗi năm bị xâm thực 15-20m, có nơi lên đến 30m…

Cần giải pháp căn cơ, lâu dài

Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng mới chỉ xây dựng được 4 km kè biển với kinh phí hơn 300 tỷ đồng, chủ yếu khắc phục một số điểm xung yếu, khẩn cấp. Ông Đặng Quốc An, Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Quản lý dự án thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Hiện có hai điểm xung yếu nhất là ở Vinh Hải và Vinh Thanh (huyện Phú Lộc), sóng biển đánh qua các tuyến đường giao thông, tràn vào ruộng - vườn của người dân”.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, để đầu tư xây dựng hệ thống đê, kè chống sạt lở bờ biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi điều kiện, nguồn lực của địa phương có hạn. Đơn vị đã đề xuất Tổng cục Phòng chống thiên tai một số danh mục kè chống sạt lở bờ biển, đê biển, các khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão các công trình công cộng kết hợp phòng, chống thiên tai vùng ven biển của tỉnh vào dự án “Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai ven biển Việt Nam” với kinh phí khoảng 2.409 tỷ đồng.

Tại Quảng Nam, từ năm 2010 đến nay, bằng nhiều nguồn kinh phí của Trung ương, địa phương, chính quyền TP Hội An đã triển khai xây dựng kè cứng và kè mềm ở bờ biển Cửa Đại để hạn chế tình trạng biển xâm thực vào sâu trong đất liền. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn vốn nên các công trình trước đây chủ yếu là công trình tạm, xử lý khẩn cấp các điểm xung yếu, chỉ giúp hạn chế, giảm được một phần, chứ không ngăn chặn được tình trạng sạt lở. Hay nói cách khác, vì đầu tư chắp vá, không đồng bộ nên giữ được đoạn này thì đoạn khác lại sạt lở.

Theo đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, tỉnh đang triển khai đầu tư một phần dự án khắc phục sạt lở bờ biển ở phường Cửa Đại (TP Hội An), dự kiến trong năm 2021 sẽ hoàn thành khoảng 1,5 km; trong tổng chiều dài sạt lở hơn 7,5 km. Tuy nhiên, Quảng Nam sẽ phải cần thêm khoảng một nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở; trong đó, khắc phục bờ biển Cửa Đại khoảng 700 tỷ đồng.

Trả lời Báo Nhân Dân cuối tuần, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai cho biết, do chưa có phương án tổng thể để chỉnh trị và phòng, chống sạt lở bờ biển nên việc xử lý ở nhiều nơi chưa hiệu quả hoặc xử lý chủ yếu dựa vào giải pháp bị động (bảo vệ trực tiếp bờ). Giải pháp giảm sóng, gây bồi còn một số hạn chế như: chưa xác định được giải pháp phù hợp với điều kiện từng khu vực; hệ thống tiêu chuẩn quốc gia còn chung chung chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt đối với các kết cấu rỗng, giảm sóng xa bờ đã ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý, nhất là xử lý cấp bách. Kinh phí xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở cũng là vấn đề đặc biệt khó khăn. Hiện nay, các địa phương chủ yếu dựa vào nguồn vốn hỗ trợ của trung ương là chính, việc huy động kinh phí còn rất hạn chế dẫn đến một số công trình chưa được đầu tư khép kín, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

“Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, từ năm 2013 đến nay, bờ biển miền trung sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Năm 2020, bão đổ bộ dồn dập kết hợp triều cường, mưa lũ lớn càng gây sạt lở nghiêm trọng. Từ Nghệ An đến Phú Yên, có 88 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 141 km. Ngoài ra, hàng trăm km đê, kè cửa sông cũng hư hỏng nặng”.