Xe điện xu hướng thân thiện với môi trường

Những ngày gần đây, chất lượng không khí tại khu vực nội đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân được các đơn vị quan trắc đưa ra là do lượng khí thải từ các phương tiện giao thông.

Người dân khi ra đường thường xuyên phải đeo khẩu trang đề phòng khói bụi từ các loại xe sử dụng xăng, dầu. Ảnh: KHÁNH AN
Người dân khi ra đường thường xuyên phải đeo khẩu trang đề phòng khói bụi từ các loại xe sử dụng xăng, dầu. Ảnh: KHÁNH AN

Tại Hà Nội hiện đang có đến 6,6 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,7 triệu chiếc. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, hiện trung bình mỗi tháng, Hà Nội có thêm khoảng 27 nghìn phương tiện giao thông cơ giới đăng ký mới, trong đó khoảng năm nghìn xe ô-tô và khoảng 22 nghìn xe máy. Ngoài ra, có khoảng 1,2 triệu phương tiện từ địa phương khác tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 18-8-2019, thành phố có gần 7,9 triệu phương tiện, trong đó hơn 730 nghìn ô-tô và 7,15 triệu xe máy. Việc gia tăng phương tiện cá nhân sử dụng động cơ đốt trong với lượng phát thải chưa kiểm soát được khiến không khí trở nên ngột ngạt. Khi tắc đường kéo dài, động cơ xe vẫn hoạt động liên tục khiến cho lượng khí thải phát ra lớn hơn. Lượng khí thải này bao phủ trong phạm vi chật hẹp nên người dân hít phải nhiều khí độc.

Đầu tháng 10 vừa qua, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã xác định, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm xuất phát từ khí thải phương tiện giao thông, chính vì vậy Hà Nội đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp cải thiện môi trường không khí, trong đó có giải pháp giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng. Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh thông tin, ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn thành phố thời gian qua chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép. Ông Sơn nhấn mạnh: “Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố chủ yếu từ hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và hoạt động xây dựng”.

Để cải thiện chất lượng không khí cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, căn cơ vẫn là giải quyết nguồn thải từ các phương tiện giao thông. Trong khi nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy của người dân Việt Nam còn rất cao thì việc dừng hoạt động đối với xe máy thật sự là vấn đề không hề dễ dàng, nhất là khi giao thông công cộng phát triển chậm, hạ tầng yếu kém. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng: “Trước mắt nên tập trung vào loại xe máy điện và xe điện thông minh”.

Chuyển đổi từ phương tiện chạy xăng sang phương tiện chạy điện như xe máy điện, ô-tô điện, xe buýt điện… để bảo vệ môi trường là một xu hướng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng của loại phương tiện này đang rất nhanh, dự báo đến năm 2050, xe điện sẽ chiếm 80% tổng phương tiện trên thế giới. Những năm gần đây, thị trường xe điện hai bánh (xe máy điện và xe đạp điện) ở Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Số liệu của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho thấy, hiện cả nước có hơn ba triệu chiếc đang lưu hành, trong đó khoảng 70% là xe máy điện.

Đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng nội đô cũng vậy. Nhiều xe buýt ngày đêm nhả khói đen sì vào bầu không khí của thành phố. Đã đến lúc cần chuyển đổi xe chạy dầu sang chạy điện để giảm ô nhiễm không khí. Vừa qua, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (Tập đoàn Vingroup) khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ, sớm sản xuất và đưa ra thị trường những dòng ô-tô, xe buýt điện đầu tiên vào năm 2020, với mục tiêu góp phần cải thiện chất lượng và hệ thống phương tiện giao thông công cộng tại Việt Nam, đồng thời tạo đột phá trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, những loại phương tiện giao thông sử dụng điện ở Việt Nam vẫn còn mới, những quy định, chế tài để quản lý và mặt kỹ thuật cũng như vận hành còn chưa đầy đủ. Để đón đầu xu hướng này, các cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu, đưa ra quy định quản lý loại hình này một cách chặt chẽ, đồng thời giúp cho xe điện thân thiện với môi trường phát triển bền vững trong tương lai.