Hãng phim nhà nước:

Vẫn loay hoay tìm lối thoát

Khá im hơi lặng tiếng trong suốt năm 2016, các hãng phim Nhà nước vẫn đang tiếp tục ở trong thời kỳ khó khăn cả về cơ chế hoạt động lẫn đường hướng tồn tại. Đây cũng là trăn trở của các cấp, các ngành và nhiều nghệ sĩ.

Cảnh trong phim Cao hơn bầu trời của Hãng phim Giải phóng.
Cảnh trong phim Cao hơn bầu trời của Hãng phim Giải phóng.

Cầm cự bằng... phim truyền hình

Hoàn toàn vắng bóng trong suốt 12 tháng bên cạnh sự rộn ràng của các buổi ra mắt phim do các hãng tư nhân sản xuất… đó là tình trạng chung của ba hãng phim được coi là có bề dày truyền thống gồm Công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam, Công ty cổ phần Phim truyện 1 và Công ty cổ phần Phim Giải phóng. Dĩ nhiên, để duy trì đời sống cán bộ công nhân viên, ban lãnh đạo các hãng phim đã đôn đáo tìm kiếm các hợp đồng làm việc về cho hãng. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam thực hiện các đơn hàng truyền hình với 28 tập phim truyền hình Đồng tiền quỷ ám; sản xuất một phim đề tài miền núi theo hợp đồng với Cục Điện ảnh, tiếp tục hợp tác với các Đài TH và internet để cung cấp phim do hãng sản xuất, triển khai đưa phim Việt Nam lên internet, 3G đồng thời chuẩn bị kịch bản phim để trình duyệt. Công tác cổ phần hóa hãng phim dự kiến sẽ tiếp tục tiến hành trong năm 2017 với các bước phù hợp. Trong khi đó, 7 năm qua, Công ty cổ phần Phim truyện 1 chỉ được giao thực hiện hai bộ phim truyện điện ảnh trong kế hoạch hằng năm của ngành, nhờ thế, các nghệ sĩ làm việc tại hãng đã có kinh nghiệm trong việc... bươn chải tìm việc ở ngoài. Hiện các sản phẩm nằm trong chương trình Băng hình miền núi và biển đảo do Cục Điện ảnh giao cho các đơn vị không tăng kinh phí sản xuất theo biểu giá thị trường, do vậy công ty không dám nhận làm. Sắp tới, đơn vị này sẽ hợp tác với Hội Điện ảnh Việt Nam thực hiện dự án phim truyện video về chủ đề tình hữu nghị Việt - Lào (khởi quay vào đầu hè năm nay).

Là hãng phim Nhà nước duy nhất ở phía nam, Công ty cổ phần Phim Giải phóng cũng gặp phải thực trạng chung giống như hai người anh em ngoài bắc, buộc ban lãnh đạo và tập thể các nghệ sĩ phải tìm cách tháo gỡ. Mặc dù sở hữu khối tài sản máy móc trị giá hàng trăm tỷ do Nhà nước đầu tư, có phim trường đang cho thuê song hãng vẫn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn hoạt động do chưa huy động được và tiếp tục trông chờ kinh phí của Nhà nước cấp. Sau nhiều khâu chỉnh sửa, thay đổi đạo diễn… cuối cùng công ty đã hoàn thành phim truyện video 50 tập Cao hơn bầu trời về đề tài lực lượng không quân Việt Nam trong chiến tranh, sẽ phát sóng lần đầu tiên trên VTV nhân dịp 30-4-2017. Bên cạnh đó, công ty cũng chuẩn bị kịch bản để trình thẩm định với tiêu chí: đề tài tâm lý xã hội mang tính giáo dục nhưng phải đáp ứng được nhu cầu giải trí của khán giả để khi phát hành có thể cạnh tranh với các phim khác trong nước và phim nhập. Theo đó, hiện nay, công ty đang chờ Cục Điện ảnh duyệt kịch bản phim điện ảnh Hợp đồng bán mình (đề tài tham nhũng) của nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn và dự kiến sẽ đưa vào sản xuất trong năm 2017. Ngoài ra, công ty còn hợp tác với đối tác Hàn Quốc thực hiện bộ phim điện ảnh có tựa đề Mẹ đơn thân (biên kịch: Châu Thổ, đạo diễn NSƯT Lê Cung Bắc và phó đạo diễn Việt Trinh), dự kiến khởi quay vào tháng 3 và phát hành vào tháng 7 năm nay. Cũng trong năm 2017, Công ty cổ phần Phim Giải phóng sẽ tiếp tục thực hiện các dự án về phim tài liệu: Đất gọi (tác giả: Trần Quốc Sơn); Giữ đất (tác giả: Huỳnh Văn Nhị); Người chợ nổi Cái Răng... cùng một số phim hoạt hình, phim ngắn video...

Nhiều rào cản chưa được tháo gỡ

Thực tế cho thấy, sự bùng nổ của các hãng phim tư nhân và cơ chế mở trong lĩnh vực sản xuất phim những năm qua đã giúp ngành điện ảnh nước nhà có thêm nhiều bộ phim mang thương hiệu Việt, nhưng rõ ràng, chất lượng của các bộ phim này vẫn là điều đáng bàn. Thêm vào đó, vì đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu nên các cơ sở sản xuất phim tư nhân thường tập trung vào một số thể loại nhất định như tình cảm lãng mạn, hài, ma quỷ… đặc biệt là thiếu vắng những bộ phim có chiều sâu văn hóa Việt, những bộ phim nghệ thuật nói về số phận con người và về ký ức lịch sử… vốn là thế mạnh của điện ảnh nước nhà. Tất cả những điều này khiến dư luận băn khoăn, nhìn nhận vai trò của các hãng phim Nhà nước.

Việc các hãng phim Nhà nước rơi vào trạng thái “ngủ đông” suốt năm qua là do các đơn vị này chưa tìm được kịch bản đáp ứng tiêu chí đặt hàng. Bên cạnh đó, quy định phải đấu thầu để chọn lựa nhà sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Điều 24 Luật Điện ảnh là chưa phù hợp với tính đặc thù của hoạt động sản xuất tác phẩm nghệ thuật điện ảnh. Vì thế, đến thời điểm hiện nay, mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành dự thảo thứ 8 của Thông tư hướng dẫn nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước và nghệ sĩ điện ảnh. Hiện tại, việc đặt hàng, sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước vẫn đang ở trong giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ cho phép theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. Cổ phần hóa chưa xong, nhiều dự thảo thông tư chưa hoàn tất là những rào cản khiến cho các hãng phim Nhà nước cứ mãi loay hoay.

Thiết nghĩ, hãng phim Nhà nước cũng như phim do Nhà nước đặt hàng vẫn cần được duy trì bởi đó là dòng chính thống của một nền điện ảnh, mang lại những điểm nhấn nghệ thuật có chiều sâu tư tưởng, làm phong phú diện mạo của điện ảnh nước nhà. Điều quan trọng là các cấp, ngành cần sớm tìm ra giải pháp để giúp các hãng phim từng một thời vang bóng này thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.